Muốn vô địch SEA Games, U22 Việt Nam đâu cần quan tâm nhóm hạt giống

MINH ANH |

Việc phân nhóm hạt giống môn bóng đá nam SEA Games 30 có lẽ không quá quan trọng đối với U22 Việt Nam khi thầy trò HLV Park Hang Seo nhắm tới tấm HCV.

U22 Việt Nam, ứng viên hàng đầu cho tấm huy chương vàng, sẽ nằm ở nhóm hạt giống thấp nhất của môn bóng đá nam SEA Games 30 do thành tích bết bát ở kỳ đại hội trước. LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã có phản ứng với LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) vì cho rằng U22 Việt Nam lẽ ra phải được xếp ở một vị trí cao hơn.

VFF có lý khi vì cùng bị loại từ vòng bảng nhưng thành tích của Công Phượng và đồng đội tại SEA Games 2017 (10 điểm) vẫn tốt hơn U22 Singapore (6 điểm), đội được xếp ở nhóm hạt giống số ba. Dù vậy, việc đưa U22 Việt Nam về đúng vị trí theo nguyên tắc phân nhóm thực ra chẳng có ý nghĩa đáng kể đối với thầy trò HLV Park Hang Seo khi bước vào giải đấu.

Về mặt lý thuyết, nhóm hạt giống ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả bốc thăm chia bảng và định hình con đường mà U22 Việt Nam phải đi để hướng tới mục tiêu huy chương vàng. Tuy nhiên việc phân chia này có lẽ chẳng quan trọng lắm ở một giải đấu có quy mô nhỏ, số lượng đội tham dự chỉ đủ chia làm hai bảng như môn bóng đá nam SEA Games.

Muốn vô địch SEA Games, U22 Việt Nam đâu cần quan tâm nhóm hạt giống - Ảnh 1.

U23 Việt Nam đặt mục tiêu giành huy chương vàng SEA Games 30.

Ở Đông Nam Á lúc này, Thái Lan, Malaysia và Indonesia (nhóm 1 và 2) được coi là những đội tuyển mạnh và không có sự chênh lệch quá xa về trình độ so với Việt Nam. Myanmar, Singapore (nhóm 3) và Philippines (chủ nhà được đặc cách ở nhóm 1) không mạnh ở lứa U22 trong khi những đội tuyển còn lại (nhóm 4) luôn mang thân phận "lót đường".

Như vậy dù có nằm ở nhóm hạt giống số 3 hay số 4, U22 Việt Nam cũng phải chạm trán ít nhất 1 trong 3 đối thủ được xem là khó chơi ở 2 nhóm đầu tiên. Đó là những đối thủ chính của HLV Park Hang Seo và các học trò trong cuộc đua giành một trong hai vị trí đầu bảng để lọt vào bán kết.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng việc nằm ở nhóm hạt giống số 4 không tốt cho "thể diện" của U22 Việt Nam . Tuy nhiên không đội bóng nào dám xem thường một ứng viên vô địch với nhiều cầu thủ từng về nhì U23 châu Á, hạng tư ASIAD và vào đến Tứ kết Asian Cup 2019 chỉ vì họ bị xếp chung nhóm với Lào, Campuchia... khi bốc thăm chia bảng.

Cuối cùng vẫn phải nhắc lại một câu nói quen thuộc: Khi đã đặt mục tiêu vô địch thì phải nghĩ đến chuyện vượt qua tất cả mọi đối thủ. U22 Việt Nam hướng tới tấm huy chương vàng và có đủ khả năng để tự tin vào việc đó, hay ít nhất là vượt qua được vòng bảng. 

Để bước lên ngôi vị cao nhất, Quang Hải và đồng đội phải đá 6 hoặc 7 trận, gặp ít nhất 5 đối thủ (tức là một nửa giải đấu). Vậy thì nằm ở nhóm hạt giống nào, gặp đối thủ nào liệu có quá quan trọng khi kiểu gì U22 Việt Nam cũng phải vượt qua chừng ấy vật cản?


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại