Muốn tung hoành trở lại, Tuấn Anh phải học Công Vinh

Thái Hải - ảnh: Duy Anh |

Tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh không có được kỳ AFF Cup đầu tiên trong sự nghiệp vì chấn thương gối, lỗi này do Tuấn Anh hay vì một ai khác…

Đầu gối bị quá tải

Thật ra câu chuyện về cái đầu gối của Tuấn Anh bị quá tải đã được đề cập từ khá lâu rồi. Trong màu áo U19 Việt Nam, anh cùng đồng đội trải qua tổng cộng 9 giải đấu lớn nhỏ. Hơn 60 trận đấu giao hữu và chính thức trong hai năm 2013 và 2014.

Phải liên tiếp cày ải khi vừa bước qua độ tuổi 19, khiến cho đầu gối của tiền vệ người Thái Bình không còn được "ngon lành" ngay trước thềm V-League 2015.

Tuấn Anh từng để lỡ cơ hội sang thử việc tại Olympiakos cũng vì chấn thương đầu gối.

Bước chân lên sân khấu chuyên nghiệp, tiền vệ có biệt danh "nhô" không vắng mặt bất kỳ một trận đấu nào của HAGL. Tại V-League 2015. Tuấn Anh thi đấu tất cả 26 trận đấu (25 chính thức, 1 vào sân từ băng ghế dự bị với đấu tổng cộng 2207 phút trên sân.

Khi HLV Miura gọi lên tập trung U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 28, vị trí quen thuộc của Tuấn Anh là bên ngoài đường biên. Đầu gối của anh không thật sự khỏe ngay trước thềm đại hội.

Muốn tung hoành trở lại, Tuấn Anh phải học Công Vinh - Ảnh 2.

Chấn thương đã đeo bám Tuấn Anh suốt mấy năm trời.

Thời gian đó, mỗi khi V-League tạm nghỉ cho ĐT Việt Nam tập trung, bác sỹ của HAGL xem là quãng thời gian vàng đối với cái đầu gối của tiền vệ Tuấn Anh. Đầu gối bị quá tải cần được nghỉ ngơi bảo dưỡng. Khi ấy, 1 tháng hay thậm chí 1 tuần đối với Tuấn Anh có lẽ quý hơn vàng.

Mỗi lần được nghỉ ngơi, Tuấn Anh được bác sỹ Đồng Xuân Luân tiêm dịch vào đầu gối. Đi cùng là những bài tập vật lý trị liệu kèm vận động nhẹ. Trái bóng với Tuấn Anh thời gian đó không khác gì là kẻ thù.

Dục tốc bất đạt

Kết thúc V-League 2015, lãnh đạo đội bóng phố Núi nhận ra vấn đề đối với cái đầu gối của tiền vệ tài hoa này. HAGL tạo mọi điều kiện cho Tuấn Anh được nghỉ ngơi nhằm giảm tải sau thời gian phải cày bừa quá sức trong suốt 3 năm liên tiếp.

Trước khi sang Nhật Bản khoác áo Yokohama FC, tiền vệ 21 tuổi chỉ tham dự hai giải đấu gồm U21 Quốc tế và VCK U23 châu Á.

Thời gian sang Nhật, Tuấn Anh chưa một lần có tên trong đội hình xuất phát của Yokohama FC tại J-League 2. Anh tham dự một số trận đấu tại Cúp Hoàng đế.

Suốt một năm sang Nhật Bản "du học", số lần ra sân của Tuấn Anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù không có nhiều cơ hội thi đấu nhưng bù lại bản thân anh được nghỉ ngơi nhiều hơn. Đồng nghĩa với việc cái đầu gối của anh cũng có cơ hội phục hồi.

Cả năm xa nhà nên khi về nước tập trung cùng ĐT Việt Nam chuẩn bị cho AFF Cup 2016, Tuấn Anh nhận được nhiều sự kỳ vọng. Tiếc thay, chấn thương tái phát khiến anh đành phải chia tay giải đấu một cách đầy tiếc nuối.

Tuấn Anh có nên nghỉ 1 năm?

Tuấn Anh chỉ mới bước qua tuổi 21, độ tuổi tràn đầy nhựa sống, sung sức của một chàng trai trẻ. Và tất nhiên cả tương lai, sự nghiệp phía trước đang chờ đợi anh.

Khi bóng đá đã thấm vào máu, nếu một ngày Tuấn Anh phải giải nghệ sớm giống các đàn anh đi trước như Minh Chiến, Quốc Cường cũng vì chấn thương gần như tương tự, điều đó đáng tiếc hơn rất nhiều lần việc lỡ kỳ AFF Cup đầu tiên trong sự nghiệp.

Có lẽ, Tuấn Anh nên học theo kinh nghiệm của Công Vinh. Tiền đạo chủ lực của ĐT Việt Nam chấp nhận mất nguyên mùa giải 2010 sang Bồ Đào Nha chữa trị vết thương ở háng, để rồi giờ đây trở thành huyền thoại của bóng đá Việt Nam với rất nhiều kỷ lục khó ai xô đổ được.

Cơ hội này mất đi, cơ hội khác sẽ tới. Nhưng nếu muốn hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, bản thân Tuấn Anh cần một khoảng lặng, nghỉ ngơi sau bao thăng trầm suốt thời gian qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại