Muốn thoái vốn khỏi FPT Trading và FPT Retail 2 năm trước, nhưng vì sao giờ FPT mới thực hiện?

Trung Nguyễn |

Tập đoàn FPT có ý định thoái vốn khỏi mảng bán lẻ (FPT Retail) và phân phối (FPT Trading) từ cuối năm 2015. Nhưng mãi đến thời điểm hiện tại, mảng kinh doanh đầu tiên của FPT là FPT Trading mới tìm được đối tác chiến lược.

Trong ngày 12/06 vừa qua, theo nguồn tin từ nhiều đơn vị bán lẻ cho biết FPT đã hoàn tất việc bán lại Công ty phân phối FPT (FPT Trading) cho tập đoàn Mỹ Synnex. Synnex có quy mô kinh doanh toàn cầu và cũng hoạt động trong lĩnh vực phân phối.

Đối với FPT, mảng kinh doanh phân phối và bán lẻ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, đóng góp lần lượt 57% trong tỷ trọng doanh thu và 18% lợi nhuận trước thuế cho tập đoàn trong năm 2016. Mặc dù kế hoạch đưa ra cách đây đã hai năm, nhưng tại sao FPT lại thoái vốn trong năm nay?

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị của FPT từng cho biết mục tiêu quan trọng nhất của ban quản trị trong năm 2017 là tái cấu trúc tập đoàn FPT, tập trung hết sức vào mảng kinh doanh cốt lõi là viễn thông và phần mềm, và đón đầu cuộc cách mạng 4.0.

Với thông điệp: "Tập đoàn đang dành ưu tiên cho những mục tiêu dài hạn để trở thành một phần tích cực của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh trên khắp thế giới", rất có thể thời điểm thoái vốn đã được FPT chọn đúng vào năm tập đoàn này tập trung tái cơ cấu.

Nguyên nhân thứ hai đến từ việc FPT có thể sẽ nhận được khoản tiền lớn hơn nếu như thoái vốn mảng này trong năm nay. Trong đại hội cổ đông năm 2017 vừa diễn ra vào cuối tháng 3, một số cổ đông có đề cập đến giá trị của thương vụ thoái vốn ở mảng bán lẻ và phân phối.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, Ban quản trị của FPT cho rằng: "Giá trị của thương vụ vẫn đang trong quá trình định giá, do đó vẫn chưa xác định con số cụ thể". Tuy nhiên, Ban quản trị nhấn mạnh rằng: "nếu thương vụ này thành công trong năm nay, giá trị mang lại cho tập đoàn sẽ rất đáng kể".

Theo giới phân tích đưa ra cuối năm 2016, giá trị ước tính mảng bán lẻ và phân phối của FPT vào khoảng 2.300 đến 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị của mảng phân phối và bán lẻ trong năm 2017 này có thể cao hơn nhiều so với năm trước, nguyên nhân đưa ra là kế hoạch kinh doanh của mảng này được tập đoàn đặt ra khá tốt trong năm nay.

Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận trước thuế kế hoạch trong năm 2017 của mảng phân phối và bán lẻ dự kiến đạt khoảng 26.093 và 741 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng khoảng 13,3% và 36,2% so với năm 2016.

Muốn thoái vốn khỏi FPT Trading và FPT Retail 2 năm trước, nhưng vì sao giờ FPT mới thực hiện? - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh và kế hoạch lợi nhuận của FPT.

Nếu như thương vụ này thành công, FPT sẽ dùng khoản tiền nhận được để tiếp tục mở rộng đầu tư vào mảng kinh doanh cốt lõi là viễn thông và phần mềm. Cụ thể, FPT sẽ mở rộng hoạt động M&A trong lĩnh vực phần mềm và tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom (hiện tại tập đoàn FPT đang sở hữu khoảng 46%). Đây là 2 mảng kinh doanh được đánh giá sẽ mang lại sự phát triển mạnh trong dài hạn cho FPT.

Ngoài hai nguyên nhân trên, một nguyên nhân thứ ba để FPT thoái vốn trong thời điểm hiện tại đến từ tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt của mảng bán lẻ và sự suy giảm của mảng phân phối.

Đối với mảng bản lẻ, sự cạnh tranh gay gắt đến từ Thế Giới Di Động (MWG). Theo báo cáo thường niên của tập đoàn FPT, tính đến đầu tháng 4/2017, FPT Shop hiện tại có khoảng 385 cửa hàng phủ sóng trên 63 tỉnh thành của Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với chuỗi thegioididong.com của MWG, vì tính đến cuối tháng 4/2017, MWG đang sở hữu khoảng hơn 1.000 cửa hàng. Điều này dẫn tới thị phần của Thegioididong.com đạt mức 35%, cao hơn gần 3 lần so với FPT Shop.

Đối với mảng phân phối, mảng này ngày càng bị thiệt hại nặng nề hơn do chính sách bán hàng của Apple thay đổi. Cụ thể, một số chuỗi bán lẻ quy mô lớn ở Việt Nam như Thegioididong, FPT Shop, Vienthong A bắt đầu được nhập khẩu trực tiếp iPhone từ tháng 9/2015 và không còn thông qua các công ty phân phối như trước đây.

Chính sách này đã tác động mạnh đến FPT Trading trong năm 2016, và nặng nề hơn trong quý 1/2017 (lợi nhuận trước thuế của FPT Trading giảm 40% so với cùng kỳ).

Muốn thoái vốn khỏi FPT Trading và FPT Retail 2 năm trước, nhưng vì sao giờ FPT mới thực hiện? - Ảnh 2.

Biến động giá cổ phiếu của FPT

FPT Trading - Công ty TNHH Thương Mại FPT được thành lập vào ngày 13/5/2009 nhờ sự hợp tác của 3 công ty thành viên là FPT Distribution, FPT Mobile và FPT Retail. Hoạt động kinh doanh chính của FPT Trading là phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin và viễn thông.

Đối với Công ty Cổ Phần Bán Lẻ Kỹ Thuật Số FPT hay gọi là FPT Retail là thành viên của tập đoàn FPT Việt Nam. Ra đời từ tháng 8 năm 2007 dưới hai thương hiệu chính là FPT Shop và F Studio By FPT. Sau 8 năm hoạt động, công ty đã không ngừng mở rộng và phát triển hệ thống các chuỗi cửa hàng trên toàn quốc (Với 385 Shop, hơn 4.600 nhân viên).

Cập nhật kết quả kinh doanh trong 4 tháng 2017 của FPT Trading và FPT Retail, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng này đạt lần lượt là 7.643 tỷ và 165 tỷ, tương ứng tăng trưởng 10% và giảm 9% so với cùng kỳ 2016. Đối với toàn tập đoàn, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt là 12.975 tỷ và 904 tỷ đồng trong 4 tháng đầu 2017, tương ứng tăng trưởng 13% và 14% so với cùng kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại