Hai thị trấn đánh cá nhỏ ở Nhật Bản, Suttsu và Kamoenai, đang cạnh tranh nhanh để trở thành nơi lưu giữ chất thải phóng xạ mức độ cao như một cách để cải thiện và duy trì kinh tế. Nhưng không phải ai cũng vui mừng về viễn cảnh đó.
Theo dữ liệu quốc gia, Nhật Bản đã tạo ra hơn 19.000 tấn chất thải nguyên tử có độc tính cao kể từ khi nước này bắt đầu sử dụng năng lượng hạt nhân vào năm 1966. Để giữ chúng tránh xa con người, vào năm 2000, nước này đã thông qua Đạo luật Xử lý Cuối cùng về Chất thải Phóng xạ, trong đó bao gồm việc kêu gọi xây dựng một kho chứa chất thải ngầm.
Vào thời điểm đó, không có gì ngạc nhiên khi không có thành phố nào ở Nhật chịu đăng ký để lưu trữ những thứ độc hại này. Và sự lo lắng càng gia tăng khi vào năm 2011, một trận động đất và sóng thần đã gây ra sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản, giải phóng một lượng ô nhiễm phóng xạ chưa từng có vào đại dương. Đây là vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ Chernobyl.
Nhưng không vì thế mà chính phủ Nhật từ bỏ kế hoạch này. Chiến lược năng lượng hạt nhân của họ là tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng để tái sử dụng uranium và plutonium đã chiết xuất, đồng thời niêm phong phần còn lại trong thủy tinh, bọc trong các thùng thép và chôn dưới nền đá trong một “kho địa chất sâu” dưới lòng đất ít nhất 300 mét. Ở đó, chất phóng xạ sẽ phân rã từ từ, mất 99,9% hiệu lực trong 1.000 năm. Tất nhiên, địa điểm lưu trữ cần tìm hiểu khảo sát kỹ càng, bởi nó cần đảm bảo về mặt địa chất, ít hoạt động địa chấn và dễ dàng vận chuyển từ các nhà máy điện.
Thị trấn Kamoenai ở Hokkaido.
Và nó giờ đây đã trở thành một cơ hội cứu rỗi đầy tuyệt vọng ở hai thị trấn nhỏ này. Đánh bắt cá, từng là một ngành công nghiệp bùng nổ, đang suy giảm tại các thị trấn như thế này ở Nhật. Ngày càng có nhiều người trẻ chuyển đến các thành phố, nơi có triển vọng kinh tế tốt hơn. Kết quả là, quần thể cư dân bị thu hẹp. Thị trấn Suttsu hiện có dân số 2.885 người, giảm so với gần 5.000 người vào năm 1980, còn Kamoenai là nơi chỉ có hơn 800 người. Và COVID-19 đã giáng thêm cú đòn nặng nề vào sự suy thoái kinh tế của mọi người.
Đồng ý đăng cai trở thành cơ sở lưu trữ hạt nhân sẽ là một động lực lớn cho cả hai thị trấn. Bằng cách đồng ý nghiên cứu sơ bộ về việc tổ chức cơ sở lưu trữ hạt nhân, các thành phố hay thị trấn này có thể thu được tới 19 triệu USD trợ cấp của chính phủ trong vòng hai năm. Nếu giai đoạn đầu tiên suôn sẻ, một khoản trợ cấp 66 triệu USD sẽ được chuyển giao để đổi lấy một cuộc khảo sát thực địa kéo dài 4 năm và các mũi khoan sơ bộ. Và khi mọi thứ diễn ra trôi chảy, thị trấn sẽ trải qua một giai đoạn đánh giá 14 năm, mở khóa nhiều gói tài trợ nhiều hơn. Tổng cộng, "giải thưởng tiềm năng" cho việc đồng ý đăng cai cơ sở lưu trữ hạt nhân ngầm này có thể lên đến 37 tỷ USD cho các khoản đầu tư.
Vì vậy, vào tháng 10 năm ngoái, quan chức của cả hai thị trấn đã nộp đơn làm ứng cử viên tiềm năng.
Đánh cá không còn đủ khả năng giữ vững kinh tế cho hai thị trấn nhỏ này.
Nhưng tất nhiên, viễn cảnh sống gần một bãi rác nguyên tử đã làm dấy lên sự phản đối của cư dân có liên quan, của cả hai thị trấn này. Chất thải hạt nhân có thể chứa các nguyên tố độc hại như uranium và plutonium. Những người ủng hộ chống hạt nhân ở thị trấn Suttsu thậm chí đã thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng hội đồng thành phố đã bỏ phiếu từ chối.
Một số nhà địa chất cũng tỏ ra lo ngại. Giáo sư Yugo Ono tại Đại học Hokkaido cho biết các trận động đất có cường độ cao có thể dẫn đến rò rỉ chất thải trong quá trình lưu trữ.
Thật đáng buồn khi các thị trấn nhỏ của Nhật Bản đang bị buộc phải đưa ra lựa chọn như vậy để bảo vệ sự ổn định kinh tế của họ. Nhưng đến một lúc nào đó, Nhật Bản sẽ cần phải đưa chất thải hạt nhân của mình vào một nơi nào đó . Hãy chỉ hy vọng khi điều đó xảy ra, nó sẽ diễn ra một cách an toàn.
Tham khảo Gizmodo