Hai kịch bản tấn công Iran: "Pháo đài bất khả xâm phạm" có thể khiến Mỹ sa lầy đau đớn

Bùi Mạnh Thành |

Với địa hình và dân số của Iran, Hoa Kỳ sẽ rất dễ sa lầy trong một cuộc chiến du kích. Giải pháp sử dụng vũ khí công nghệ cao chỉ giải quyết bài toán đầu tiên.

Tổng tham mưu trưởng Liên bang Nga – Đại tướng Valeriy Gerasimov nhận định: Chiến tranh trong thế kỷ 21 là cuộc chiến với công nghệ cao, sử dụng những phương tiện hủy diệt, có độ chính xác cao từ trên không, trên biển và từ vũ trụ, đồng thời ráo riết đẩy mạnh cuộc đối đầu thông tin.

Tuy nhiên, khi đặt vào bối cảnh từng cuộc chiến với chiến trường cụ thể, nhận định này không hẳn là chính xác. Trong cuộc chiến tranh với Iran (nếu có), sẽ là sai lầm chiến lược nếu Hoa Kỳ tự tin giành chiến thắng như những gì từng làm được trong chiến dịch " Bão cát sa mạc" năm 1991.

Iran có vị thế địa chiến lược cực kỳ đặc biệt, muốn chiến thắng và lật đổ Nhà nước Cộng hoà Hồi giáo Iran, tướng lĩnh Hoa kỳ nên học thêm về chiến tranh du kích.

Đây là điều khá khó khăn cho các tướng lĩnh Hoa Kỳ, vì bản chất thế giới đã bước sang thế kỷ 21, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang phát triển, ảnh hưởng và tác động đến tư duy chiến lược quân sự của Hoa Kỳ.

Sau chiến thắng trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (1991), tư duy về chiến tranh của tướng lĩnh Hoa Kỳ đã thay đổi và như những gì Tổng tham mưu trưởng Nga - Đại tướng Valeriy Gerasimov nhận định. Nếu không giải bài toán đầu tiền, Hoa Kỳ sẽ khó có thể chiến thắng.

Bài toán thứ hai là Hoa Kỳ cần phải có điểm tựa về chính trị và ngoại giao để phát động cuộc chiến. Nếu Hoa Kỳ không có lý do chính đáng, không thuyết phục được người dân Mỹ khi mở ra cuộc chiến với Iran, họ sẽ thất bại.

Yếu tố "danh chính ngôn thuận" là cực kỳ quan trọng, nó không chỉ thể hiện sự đồng lòng của người dân, hệ thống chính trị Hoa Kỳ vào cuộc chiến, nó còn là sự ủng hộ ngoại giao, quân sự các nước đồng minh cho Hoa Kỳ khi can thiệp quân sự vào Iran. Hoa Kỳ không thể chiến thắng nếu thiếu đồng mình.

Để làm điều đó, Hoa Kỳ cần phải có sự phê chuẩn của Hội đồng bảo an Liên hiệp Quốc về Nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực để ngăn cản Iran phát triển vũ khí hạt nhân hoặc Nghị quyết sử dụng vũ lực chống lại hành động Iran tấn công, phong toả eo biển Hormuz.

Điều này cực kỳ khó, vì trong 5 thành viên Hội đồng bảo an, việc thuyết phục Nga và Trung Quốc là cực kỳ khó khăn.

Tuy nhiên, với vai trò là Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, Tổng thống Trump hoàn toàn có quyền được sử dụng quân đội trong vòng 60 này trong việc không kích Iran. Trong thời gian dài hơn thì cần phải được sự cho phép của Quốc hội thông qua Nghị quyết.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu trong tình trạng xung đột với Iran gia tăng, Hoa Kỳ bị tấn công và nhiều người Mỹ thiệt mạng. Với lòng tự tôn dân tộc của người Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ hoàn toàn có thể thuyết phục được Quốc hội cho phép sử dụng vũ lực với Iran. Khi đó Tổng thống Trump có đủ " danh chính ngôn thuận" bước vào cuộc chiến.

Lợi thế lớn nhất của Tổng thống Trump là Hoa Kỳ là siêu cường độc bá của thế giới, có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới. Một cuộc chiến tranh quy mô lớn hoàn toàn sẽ hạ gục được hệ thống phòng thủ của Iran. Nhưng vấn đề là Tổng thống Trump có khả năng và ý chí để bước vào cuộc chiến này hay không ?

Khả năng được tính ở hai khía cạnh, một là khả năng quân sự và khả năng luật pháp. Ở điều này Tổng thống Trump hoàn toàn có đủ cơ sở để làm được.

Tuy nhiên về ý chí thì cần xem lại, Tổng thống Trump từng nhận định, việc Hoa Kỳ sa lầy ở hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan là sai lầm. Tổng thống Trump đang thực hiện chiến lược không can thiệp vào tình hình thế giới, Hoa Kỳ thu mình lại " nước Mỹ trên hết". Do đó, về ý chí, Tổng thống Trump sẽ rất cân nhắc khi bước vào cuộc chiến.

Ngoài ra, Iran có vị thế địa chiến lược đặc biệt, Tổng thống và tướng lĩnh quân đội khó có thể tự tin chiến thắng. Đây là yếu tố quan trọng nhất và Tổng thống Trump sẽ phải cẩn trọng, tránh trường hợp bị sa lầy như những gì Liên Xô từng trải qua ở Afghanistan hay Hoa Kỳ đang bị ở Iraq và Afghanistan.

Chiến lược quân sự của Hoa Kỳ

Khi Tổng thống Trump có được "danh chính ngôn thuận" bước vào cuộc chiến với Iran, Hoa Kỳ sẽ tiếp cận cuộc chiến theo hai cách :

Một là cách tiếp cận như những gì Hoa Kỳ từng làm trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần 1.

Tức là họ sẽ sử dụng các loại máy bay không người lái, máy bay tàng hình, tên lửa hành trình, các loại bom xuyên phá, bom thông minh được điều khiển….để tấn công các vị trí quan trọng, đầu não của Iran như cảng biển, sân bay quân sự, các nhà máy hạt nhân, căn cứ quân sự, hệ thống phòng thủ….để đánh gục ý chí quân sự của Iran.

Ở giải pháp này có lợi thế, với khả năng quân sự, trình độ công nghệ, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể giành chiến thắng bước đầu với thương vong hạn chế.

Song, hậu quả để lại sẽ rất lớn, Iran có thể phản công, tấn công tàu sân bay, căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở vùng Vịnh các thành phố lớn của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út, Bahrain….Khi đó Trung Đông sẽ hỗn loạn và buộc Hoa Kỳ phải tiến hành theo kịch bản thứ hai

Ở kịch bản thứ hai: Hoa Kỳ sẽ không đơn giản chỉ là tấn công nhằm vào các cơ sử hạt nhân hay căn cứ quân sự của Iran.

Trong kịch bản thứ nhất, Hoa Kỳ có thể ngăn cản trong ngắn hạn Iran phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa. Tuy nhiên, chế độ Nhà nước Hồi giáo vẫn còn…trong dài hạn sẽ là mầm bất ổn cho cả Trung Đông. Vì vậy, họ cần phải đưa quân tấn công vào Iran như những gì Hoa Kỳ từng làm trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần 2 (2003).

Ở kịch bản này, vai trò của Đồng minh là cực kỳ quan trọng, Hoa Kỳ cần phải có địa điểm tập trung hàng triệu tấn hàng hoá, vũ khí và hàng chục vạn nhân sự để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào Iran.

Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 và 2, Hoa Kỳ tập trung quân ở ba hướng chính: Một là cho quân đổ bộ vào khu tự trị của người Kurd ở phía Bắc Iraq, hai là tấn công từ Ả Rập Xê Út và ba là tập trung quân và tấn công từ hướng chính Kuwait.

Trong cuộc chiến với Iraq 2003, Hoa Kỳ thất bại khi không nhận sự ủng hộ từ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh Ả Rập trong khu vực.

Vì vậy, trong cuộc chiến với Iran, các tướng lĩnh quân sự Hoa Kỳ cần phải tính phương án tìm con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để sớm tấn công, chiếm được Thủ đô Tehran và đánh gục được ý chí chiến đấu của quân đội Iran và lực lượng Vệ binh cách mạng.

Vị trí địa chiến lược của Iran

Để tìm được một con đường tấn công vào Iran là cực kỳ khó vì bản thân Iran là một " pháo đài" bất khả xâm phạm.

Hai kịch bản tấn công Iran: Pháo đài bất khả xâm phạm có thể khiến Mỹ sa lầy đau đớn - Ảnh 1.

Iran là một pháo đài bát khả xâm phạm khi địa hình chủ yếu là những dãy núi lớn và sa mạc

Trong lịch sử, đế quốc Otoman từng có ý định tấn công quân sự vào Iran nhưng từng thất bại. Trường hợp của Anh và đế quốc Otoman từng thành công không phải nhờ vào chiến dịch quân sự mà nhờ vào chiến dịch ngoại giao, kết hợp thao túng, sử dụng các nhóm sắc tộc bên trong lật đổ chế độ.

Trong cuộc chiến giữa Iraq và Iran (1980 – 1988), Tổng thống Saddam Hussein không thể giành chiến thắng. Nguyên nhân một phần là vì sức chiến đấu của quân đội Iran, một phần vì Iran là "pháo đài" nên Iraq không thể tìm ra con đường có thể tấn công được.

Đối với Hoa Kỳ hiện nay, sau chiến thắng bước đầu bằng cuộc tấn công tổng lực của vũ khí công nghệ cao vào khu vực đầu não quân sự của Iran, Hoa Kỳ cần phải tìm được con đường tấn công vào Tehran.

Hoa Kỳ sẽ không có nhiều lựa chọn:

- Con đường ngắn nhất là con đường từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhiều mâu thuẫn, việc thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ cho Hoa Kỳ " mượn đường" là bất khả thi.

Trường hợp Iraq cũng là rất khó khăn. Hiện nay, Chính phủ Iraq đang do người Hồi giáo Shia lãnh đạo, có quan hệ mật thiết với Iran. Một trục ngoại giao giữa Iran – Iraq – Thổ Nhĩ Kỳ đang hình thành ở Trung Đông. Rất khó cho Hoa Kỳ có thể thuyết phục được Iraq.

Trong trường hợp thuyết phục được Iraq mượn đường, Hoa Kỳ sẽ tiến vào Iran như những gì Tổng thống Saddam Hussein tưng làm vào năm 1980.

Đó chính là tấn công theo dọc lưu vực giữa hai cong sông Tigris và Euphrates hợp thành để tạo thành tuyến đường thủy Shatt al-Arab. Đây là khu vực với đồng bằng khá rộng lớn, là nơi duy nhất của Iran có địa hình khá bằng phẳng, dễ di chuyển.

Tuy nhiên, cái khó cho Iraq vào năm 1980 và Iran hiện nay là khu vực đồng bằng phía Tây của Iran này là nơi có nhiều đầm lấy, rất thuận lợi cho việc phòng thủ.

Đây là nguyên nhân chính trong cuộc chiến tranh, Iraq không thể vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên của Iran.

Nếu Hoa Kỳ có thể chọc thủng được tuyến phòng thủ này, khó khăn sẽ tiếp đến cần phải vượt qua dãy núi Zagros, đây là dãy núi chảy dài khoảng 1500km từ biên giới phía tây bắc của Iran, giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia chạy dọc xuống eo biển Hormuz.

Muốn tấn công vào thủ đô Tehran, Hoa Kỳ cần phải vượt qua hai tuyến phòng thủ quan trọng này.

- Con đường thứ hai là con đường tấn công Iran từ Afghanistan. Đây là con đường cũng rất khó khăn.

Đầu tiên là hiện tại Afghanistan đang có nội chiến, Hoa Kỳ rất ngại khi đem vũ khí và đội quân lớn vào Afghanistan. Thêm vào đó, khu vực có thể tấn công vào Iran đang là vùng ảnh hưởng của lực lượng Taliban. Chính vì vậy, việc tập trung quân ở Afghanistan là rất khó.

Không những vậy, muốn tấn công vào Iran theo con đường từ Afghanistan thì Hoa Kỳ cần phải vượt qua được những dãy núi lớn, tiếp theo là vượt qua hai sa mạc Dasht-e Kavir và Dasht-e Lut. Đây là hai sa mạc có diện tích rất lớn, đặc trưng là có lớp muối ở trên và lớp bùn ở dưới đất. Rất khó để đưa vũ khí, các trang thiết bị khí tài hạng nặng đi qua.

- Con đường thứ ba chính là tiếp cận Iran từ Vịnh Ba Tư. Iran là nước có đường bờ biển dài, khoảng 1700km. Cảng quan trọng nhất của Iran là cảng Bandar Abbas nằm trên eo biển Hormuz. Iran không phải là cường quốc hàng hải và hải quân, nếu so với sức mạnh hải quân của Hoa Kỳ, hải quân của Iran không thể chống lại.

Tuy nhiên, đây là con đường mà Iran dễ bị tấn công nhất nên trong vài thập niên gần đây, Tehran tích cực lập chiến lược phòng thủ, chống tiếp cận/ xâm nhập (A2/AD) với những biện pháp như ngăn đồng minh Ả Rập ủng hộ Hoa Kỳ, hậu thuẫn các tổ chức khủng bố như Houthi, Hamas, Hezbollah tấn công khủng bố gây bất lợi cho Hoa Kỳ và đồng minh.

Bên cạnh đó, họ sẽ sử dụng các tên lửa hành trinh, tên lửa đạn đạo tến công các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Vùng Vịnh ,các trung tâm kinh tế…để giảm uy thế của Hoa Kỳ. Đây sẽ là bài toán phỏng thủ rất khó của Hoa Kỳ.

Trong trường hợp vượt qua được giai đoạn đầu của cuộc chiến, đổ bộ thành công lên Iran, Hoa Kỳ tiếp tục phải vượt qua dãy núi Zagros trên con đường tiến đến thủ đô Tehran.

Hai kịch bản tấn công Iran: Pháo đài bất khả xâm phạm có thể khiến Mỹ sa lầy đau đớn - Ảnh 3.

Dân cư Iran tập trung phần lớn ở vùng núi

Iran trong thời chiến là một pháo đài bất khả xâm phạm. Đây là đất nước mà địa hình phần lớn là núi cao và sa mạc, đồng bằng chỉ chiếm diện tích rất nhỏ.

Diện tích của Iran hơn 1,6 triệu km2 (bằng tổng diện tích của Tây Âu + Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Dân số Iran là gần 80 triệu người. Thêm vào nữa, dân số Iran tập trung ở vùng núi phía Bắc và Tây Bắc, thủ đô Tehran cũng nằm trên một ngọn đồi giữa những dãy núi lớn.

Với địa hình và dân số như vậy, Hoa Kỳ sẽ rất dễ sa lầy trong một cuộc chiến du kích. Giải pháp sử dụng vũ khí công nghệ cao chỉ giải quyết bài toán đầu tiên, phá huỷ được cở sở hạt nhân, căn cứ quân sự, trung tâm kinh tế của Iran… Nếu muốn chiến thắng được Iran, Hoa Kỳ cần phải thắng trong cuộc chiến tranh du kích với tương lai gần như mù mịt.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại