Đồng thanh tương ứng
Mục tiêu chính trị của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm thúc đẩy hợp tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đang gia tăng thay vì suy yếu. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất cho sự phát triển của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mặc dù mục tiêu của chiến lược này ở 4 quốc gia trên không hoàn toàn giống nhau và càng không thể đồng nhất với nhau cũng như trên thực tế, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chưa tạo ra bất kỳ ảnh hưởng an ninh lẫn lợi ích kinh tế nào cho các bên tham gia, nhưng 4 nước trên đều thúc đẩy hợp tác với một sự nhất trí ngày càng được củng cố vững chắc.
Cùng thời điểm, mối quan hệ giữa 4 nước này với Trung Quốc đang lao dốc và không có dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng này sẽ được cải thiện trực tiếp trong tương lai gần. Đây chính là một cơ sở quan trọng khác để định hình tương lai của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thực tế trên sẽ thúc đẩy Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia xích lại gần nhau, và vì thế sẽ tiếp tục khiến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương phát triển.
Trong những lý do trên, sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã tạo ra những tác động lớn. Quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Australia từ lâu vẫn là sự căng thẳng chiến lược vì thế không có nhiều sự thay đổi đáng kể về tính chất trong cách thức các nước này tương tác với nhau. Tuy nhiên, Ấn Độ từ một quốc gia theo đuổi chính sách không liên kết, độc lập về đối ngoại và cân bằng trong quan hệ với các nước lớn đã trở nên ngày càng thận trọng với Trung Quốc và tham gia vào nhóm các nước trên.
Căng thẳng ở Thung lũng Galawan giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 6/2020 chính là một dấu mốc đưa quan hệ 2 nước xuống một mức thấp mới. Thậm chí, sự kiện này còn được nhiều nhà quan sát cho là bước ngoặt trong quan hệ Trung - Ấn bởi Ấn Độ có thể sẽ điều chỉnh chính sách cân bằng và thận trọng của mình để tận dụng vai trò của nhóm Bộ Tứ nhằm đảm bảo an ninh của mình. Một dấu hiệu cho sự thay đổi này chính là sự tham gia của Ấn Độ trong cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ, Nhật Bản và Australia ở Vịnh Bengal vào tháng 11/2020.
Quad 2.0
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương đã dần đi từ một nội dung mơ hồ sang một hình thức rõ ràng hơn với những cơ chế không chính thức. Trong quá trình này, Quad, cơ chế đối thoại giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đóng vai trò then chốt. Mỗi một quốc gia trong 4 nước trên đều có quan điểm riêng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng Quad đã trở thành “sợi dây” kết nối các quốc gia này lại với nhau.
Ban đầu không hề liên quan đến chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, Quad được thành lập như một cơ chế đối thoại giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm làm giảm nhẹ tác động của thiên tai sau trận sóng thần ở Ấn Độ Dương vào tháng 12/2004. Nhóm này sau đó cũng không còn được nhắc đến nhiều ngoài cuộc họp duy nhất vào năm 2007.
Tuy nhiên, cùng với sự ra đời của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, Quad đã được kích hoạt lại như một Quad 2.0.
Từ năm 2017, tần suất các hoạt động của Quad dần tăng lên với 1 - 2 cuộc đối thoại cấp bộ trưởng gần như vào mỗi năm. Nhóm này cũng mở rộng chương trình nghị sự khi bao gồm cả những vấn đề liên quan đến an ninh, dân chủ, kinh tế, trật tự quốc tế, an ninh mạng, cơ sở hạ tầng... Vào tháng 3/2021, Quad được nâng cấp từ cấp bộ trưởng lên cấp nguyên thủ quốc gia, một dấu hiệu cho thấy ông Biden không những không từ bỏ di sản đối ngoại của cựu Tổng thống Trump mà còn có ý định phát triển nó mạnh hơn và lớn hơn.
Với mối quan hệ chặt chẽ giữa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và Quad, sự phát triển của Quad gần như đi cùng với quá trình thể chế hóa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Quad càng phát triển, việc thể chế hóa chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương càng mạnh mẽ. Trong tương lai, xu hướng này có thể tạo điều kiện để hình thành một khung cơ chế của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên Quad nhưng mức độ như thế nào vẫn là một câu hỏi.
NATO ở châu Á
Ngày càng nhiều người đặt câu hỏi liệu Quad có thể trở thành "NATO châu Á" hay không. Rõ ràng, Mỹ muốn Quad đi theo hướng này nhưng trong môi trường chính trị quốc tế hiện nay, khả năng thành lập một liên minh quân sự quốc tế theo kiểu NATO đã không còn khả thi nữa. Tuy nhiên, không trở thành "NATO châu Á" không có nghĩa là Quad không có ý nghĩa về mặt an ninh và quân sự.
Không trở thành một liên minh quân sự chính thức nhưng Quad vẫn có thể hoạt động như một cơ chế hợp tác về an ninh. Dù vậy, việc xây dựng một liên minh quân sự nhiều quốc gia với thái độ thù địch nhắm vào một mục tiêu gần như công khai là Trung Quốc, sẽ gặp không ít khó khăn. Mặc dù với Mỹ và Trung Quốc, an ninh quan sự có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng sẽ quá hạn hẹp nếu chỉ nhìn nhận Quad trên khía cạnh quân sự. Ý nghĩa của Quad vượt ngoài những tính toán an ninh và chính trị bởi ảnh hưởng và các chức năng của nó rộng lớn hơn nhiều.
Mỹ có các đồng minh quân sự như Nhật Bản và Australia, vì thế, việc Quad có thành một liên minh quân sự hay không phụ thuộc vào Ấn Độ. Với Ấn Độ, thành lập một liên minh quân sự là vấn đề căn bản có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến những chính sách an ninh, ngoại giao và chính trị của nước này. Hợp tác an ninh là một chuyện, tham gia vào một liên minh quân sự lại là chuyện khác. Hình thành một liên minh quân sự với Ấn Độ cùng hàm ý như việc tự buộc mình vào "cỗ xe ngựa" mà mình không thể kiểm soát hoàn toàn. Việc tiến hành bước đi này là điều rất khó khăn với Ấn Độ, trừ khi nước này đối mặt với mối đe dọa chiến tranh cực kỳ lớn.
Điểm giao lợi ích toàn cầu
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể mở rộng và thu hút thêm các quốc gia mới như Hàn Quốc, New Zealand, Bangladesh... Nếu thành công, việc này sẽ mở rộng quy mô của chiến lược và đem đến cho nó một sức đẩy mới. Từ đó, Quad có thể được mở rộng và hình thành các mô hình Quad+ để tạo nên một diễn đàn đối thoại linh động hơn giữa các quốc gia.
Châu Âu cũng đang hình thành và thực hiện chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình - một động thái thúc đẩy thêm sự phát triển của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung. Bộ Quốc phòng Pháp công bố Chiến lược Quốc phòng Ấn Độ - Thái Bình Dương của nước này vào tháng 5/2019. Sau đó, tháng 4/2021, Pháp thông báo sẽ tham gia Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương do Ấn Độ đề xuất năm 2019 và cử một tàu sân bay duy nhất Charles de Gaulle đến Ấn Độ Dương để tập trận chung với Ấn Độ.
Chính phủ Đức cũng ban hành chỉ dẫn chính sách ở Ấn Độ - Thái Bình Dương vào tháng 9/2020 với tiêu đề: "Đức - châu Âu - châu Á: Định hình thế kỷ 21 cùng nhau". Cùng thời điểm, Anh cũng quyết định đưa Ấn Độ - Thái Bình Dương trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại và an ninh, đánh dấu sự dịch chuyển chiến lược sang Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều này được phản ánh qua tài liệu công bố vào tháng 3/2021 với tiêu đề: "Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh: Bản đánh giá chung về Chính sách đối ngoại, phát triển, quốc phòng và an ninh". Giống như Pháp, Anh đã cử tàu sân bay duy nhất HMS Queen Elizabeth trong hành trình tới Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Đáng chú ý nhất, vào tháng 4/2021, với sự thúc đẩy từ Pháp, Đức và Hà Lan, EU đã công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình, gọi là "Chiến lược Hơp tác của EU tại Ấn Độ - Thái Bình Dương", cho thấy sự dịch chuyển sang Ấn Độ - Thái Bình Dương đã trở thành chiến lược chung của 27 nước châu Âu.
Mặc dù có nhiều khác biệt về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương giữa EU và Mỹ nhưng hai bên đều có những điểm chung quan trọng. Đó là về mặt địa chiến lược, cả hai đều coi Trung Quốc là mối đe dọa chính và hướng đến việc kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng chiến lược của nước này.
Do vị trí địa lý và ảnh hưởng truyền thống, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của EU có thể bao gồm cả khu vực Arab và châu Phi, mở ra một quy mô địa lý vô cùng lớn cho chiến lược này.
Nếu chiến lược của châu Âu và chiến lược của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia có thể hình thành một kiểu kết nối nào đó, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể được thúc đẩy ở mức độ hợp tác cao hơn với quy mô và tầm ảnh hưởng thậm chí ở mức toàn cầu./.