Mục tiêu bị bỏ lỡ

Đức Anh |

Các chuyên gia đánh giá năm 2022 ghi nhận nhiều sự tiến bộ quan trọng của thế giới trong nỗ lực giảm phát thải, lý do chính khiến Trái đất nóng lên.

Những ngày cuối của năm 2022 đang trôi dần và thế giới đứng trước nỗi lo khi tiếp tục bỏ lỡ mục tiêu chung về khí hậu, trong bối cảnh những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, bão tuyết đang diễn ra với tần suất ngày càng cao và nghiêm trọng trong năm 2022.

Các chuyên gia đánh giá 2022 là một năm ghi nhận nhiều sự tiến bộ quan trọng của thế giới trong nỗ lực giảm phát thải, lý do chính khiến Trái đất nóng lên. Hàng loạt bộ luật mới được phê chuẩn tại Mỹ và châu Âu cũng như các thỏa thuận về khí hậu tại Liên Hợp Quốc đã giúp thế giới, đặc biệt là các quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu, nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn.

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất về khí hậu là giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp lại đang gặp nguy cơ thất bại, khi lượng khí thải carbon dioxide từ nhiên liệu hóa thạch, động lực chính của sự nóng lên toàn cầu, đang trên đà đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022.

Nhà khoa học khí hậu Robert Vautard, Giám đốc Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp cho biết, các hệ quả khí hậu xảy ra trong năm 2022 đối với nhân loại “mới chỉ là sự bắt đầu”. Bất chấp những tác động tự nhiên của La Nina, một hiện tượng xảy ra tự nhiên ở khu vực Thái Bình Dương làm mát bầu khí quyển, năm 2022 vẫn trở thành năm nóng thứ 5 trong lịch sử thế giới từng được con người ghi nhận.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng xấu đi này, nhằm tạo ra một hướng đi chung cho thế giới, các quốc gia trên thế giới đã cùng tham gia cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Ai Cập hồi tháng 11 vừa qua (COP27). Tại đây, thế giới đã đưa ra một quyết định lịch sử khi đồng ý thành lập một quỹ bồi thường thiệt hại khí hậu cho các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Hội nghị COP27 này chỉ mới giải quyết được vấn đề hậu quả của biến đổi khí hậu mà chưa giải quyết được nguyên nhân cốt lõi của nó là việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hội nghị đã không thể đưa ra được mức giảm phát thải cần thiết để hạn chế tổn thất và thiệt hại khí hậu trong tương lai.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu khí hậu của thế giới là duy trì giới hạn tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C. Theo tính toán, để duy trì được mức độ này thì lượng khí thải hiện nay cần phải được giảm 45% vào năm 2030 và giảm xuống bằng không vào năm 2050.

Trước đó tại Hội nghị COP26 tại Scotland năm 2021, các quốc gia được khuyến khích các cam kết giảm phát thải, nhưng chỉ có khoảng 30 quốc gia đưa ra cam kết cụ thể, trong đó có Việt Nam. Cho đến Hội nghị COP27 năm nay, vấn đề cắt giảm khí thải này vẫn chưa được giải quyết rộng hơn.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã chỉ trích thất bại của cuộc đàm phán về khí hậu trong việc cắt giảm mạnh lượng khí thải tại COP27. Ông tuyên bố “hành tinh của chúng ta vẫn đang ở trong phòng cấp cứu” khi đang trên đà nóng lên khoảng 2,5 độ C, cao hơn 1 độ C so với mục tiêu của thế giới.

Sau khi mục tiêu khí hậu đã bị bỏ lỡ trong năm nay, thế giới lại hy vọng vào cuộc họp về khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra vào tháng 11/2023 tại UAE.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo sự kiện này có thể sẽ bị chi phối bởi các thảo luận về ngành dầu khí mà không tập trung vào các biện pháp để có thể duy trì sự nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C, mức có thể giúp thế giới giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại