“Tôi cảm thấy may mắn vì viết và bán sách mang lại cho tôi nguồn thu nhập bổ sung. Nếu không có nguồn thu nhập này, cuộc sống của tôi 'chết gí' trong vòng luẩn quẩn", Hideya Tokiyoshi nói.
Tokiyoshi thuộc thế hệ người lao động Nhật Bản hầu như không được tăng lương trong suốt cuộc đời làm việc của mình. Giờ đây, khi giá cả tăng sau nhiều thập kỷ giảm phát, Nhật Bản buộc phải tính đến vấn đề mức sống giảm sút và các công ty chịu áp lực phải tăng lương cho người lao động.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Tháng trước, ông kêu gọi các công ty tăng lương cao hơn mức lạm phát, và một số doanh nghiệp đã hưởng ứng.
Năm 2021, mức lương trung bình hằng năm ở Nhật Bản là 39.711 USD, cao hơn không đáng kể với mức 37.866 USD từ năm 1991, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Điều này có nghĩa là người lao động được tăng lương dưới 5%, so với mức tăng 34% ở các nền kinh tế trong Nhóm 7 nước kinh tế phát triển (G7), như Pháp và Đức, trong cùng thời kỳ.
Các chuyên gia chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến tiền lương không tăng, trong đó quan trọng nhất là giá cả hàng hoá ở Nhật Bản tương đối ổn định.
Vấn đề tăng lương được đặt ra sau khi CPI của nước này tăng 4% trong tháng 12/2022, thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu, nhưng trở thành mức cao nhất trong 41 năm qua ở Nhật Bản.
Theo bà Shintaro Yamaguchi - Giáo sư kinh tế tại Đại học Tokyo, khi lạm phát tăng lên, mọi người có thể bắt đầu phàn nàn về việc không tăng lương. “Cho đến thời điểm hiện tại, người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng đến hầu bao của mình hoặc cảm thấy cần phải đòi hỏi mức lương cao hơn,” bà nói.
Theo CNN