Mức án nào cho kẻ sát nhân trong vụ thảm án ở Quảng Ninh?

Hoàng Đan |

Theo các luật sư, với hành vi giết người man rợ, nhiều tình tiết tặng nặng... nghi phạm trong vụ thảm án sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh sẽ khó tránh khỏi án tử hình.

Sau hơn 60 giờ phá án, cơ quan điều tra đã bắt được Doãn Trung Dũng, nghi phạm chính gây ra vụ thảm án sát hại 4 bà cháu ở TP Uông Bí (Quảng Ninh).

Qua đấu tranh ban đầu tại cơ quan công an, đối tượng Dũng đã khai nhận mình là hung thủ gây ra vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng trên.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, thời gian gần đây trên cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ giết người hàng loạt với tính chất dã man, tàn bạo bởi hành vi thực hiện tội phạm của đối tượng không còn tính người đã khiến dư luận hoang mang lo sợ.

Mức án nào cho kẻ sát nhân trong vụ thảm án ở Quảng Ninh? - Ảnh 1.

Doãn Trung Dũng tại cơ quan công an

Không những thế, đối tượng gây án còn đang tâm tàn ác sát hại ngay cả những cháu bé, tuổi còn rất nhỏ. Đây là những đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ.

"Với động cơ mục đích giết người để cướp tài sản và tước đoạt tính mạng của cả các cháu nhỏ là hành vi vô cùng tàn ác với đồng loại, không còn tính người của đối tượng gây án.

Hành vi đó đã xâm phạm quyền được sống là quyền cao quý nhất của con người được Hiến pháp và Pháp luật bảo vệ.

Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, gây bất bình trong dư luận cả nước nên cần phải xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật", luật sư Thơm nói.

Mức án nào cho kẻ sát nhân trong vụ thảm án ở Quảng Ninh? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Theo luật sư Thơm, với vụ án sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh, hiện đã bắt được nghi phạm chính là Doãn Trung Dũng và nếu Dũng bị kết tội, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì bản án nghiêm khắc nhất là tử hình sẽ khó tránh khỏi, kể cả trong trường hợp là đồng phạm.

Theo quan điểm của luật sư, hành vi phạm tội của các đối tượng gây án đã phạm Tội giết người; Tội cướp tài sản; Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a, c, g, p Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự; Điều 133 Bộ luật hình sự.

"Nếu bị kết tội, nghi phạm Dũng sẽ phải chịu bản án nghiêm khắc nhất là tử hình", luật sư Thơm nhìn nhận.

Đồng quan điểm đó, luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho hay, với những lời khai ban đầu của nghi phạm Doãn Trung Dũng thừa nhận gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên thì sẽ bị khởi tố, điều tra về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS và cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS.

"Với tội giết người trong vụ án này với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết nhiều người, có tính chất côn đồ, để che giấu hoặc thực hiện tội phạm khác, giết trẻ em... thì mức hình phạt mà hung thủ này phải đối mặt sẽ là mức hình phạt cao nhất được quy định ở tội danh này là tử hình", luật sư Cường nêu rõ.

Còn theo luật sư Lê Văn Thiệp (Hà Nội) thì nếu bị kết tội thì bên cạnh các hành vi tội ác gây ra là giết người cướp tài sản, giết nhiều người, giết trẻ em, giết người man rợ thì việc nghi phạm Doãn Trung Dũng từng có tiền án, tiền sự trước đó cũng là một tình tiết tăng nặng.

"Với những hành vi, tình tiết tăng nặng này thì nếu nghi phạm bị kết tội, bị truy tố ở khoản 1 điều 93 BLHS cũng như điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành thì cũng đều có một mức án cao nhất là tử hình", luật sư Thiệp nêu rõ.

Khoảng 20h30’ ngày 26/9, tại chân cầu Bính, TP Hải Phòng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉn Quảng Ninh đã bắt được Doãn Trung Dũng - nghi phạm trong vụ án giết người, cướp tài sản tại TP Uông Bí ngày 24/9.

Bước đầu quá trình khai thác, đối tượng Dũng đã khai nhận mình chính là thủ phạm gây ra vụ thảm án sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh.

Theo đó khoảng 7 giờ ngày 24/9, chị Vũ Thị Thanh (33 tuổi) trú tại tổ 1, khu Hợp Thành, phường Phương Nam, TP Uông Bí, là nhân viên cây xăng của DNTN Phương Nam (cách nhà chị Thanh khoảng 700 m) hết ca làm đêm và về nhà.

Khi về đến nhà, chị Thanh mở cửa thì phát hiện có bốn người trong gia đình đã tử vong. Bốn nạn nhân gồm: Mẹ đẻ chị Thanh là bà Nguyễn Thị Hát, SN 1955; hai con ruột của chị Thanh là cháu Phạm Đình Hưng, SN 2007 và cháu Phạm Thu Hà, SN 2008; một cháu con của chị gái chị Thanh là Vũ Khánh Huyền, SN 2013.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

c) Giết trẻ em;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

p) Tái phạm nguy hiểm;

Điều 133. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 6. Công ước LHQ về quyền trẻ em ghi nhận:

1. Các Quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống.

2. Các Quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Điều 19 Hiến pháp 2013:

Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại