*Lời kể của chị Bích Ngọc, 34 tuổi đang sống tại Hà Nội.
Sau khi được truyền cảm hứng từ một vài bài báo về những tấm gương đạp xe đạp đi làm hàng ngày, chồng tôi cũng quyết định mua một chiếc xe đạp. Mục đích thì cũng cao cả như báo nói là "giảm tiền xăng, tăng sức khỏe" nhưng đến tận bây giờ (sau gần 3 tuần) vẫn chưa đạp đi làm được buổi nào.
Ngoài lý do "đang đau chân", "khi nào khỏi sẽ đi", "sợ cảm nắng" thì chồng tôi cũng phải chờ cho đủ các loại phụ kiện (mà chồng tôi bảo là cần thiết) về hàng để gắn cho con xe nhằm phục vụ cho những chuyến hành trình sắp tới. Thú thực là tiền xăng tiết kiệm chưa thấy đâu nhưng số tiền chồng tôi bỏ ra để mua "đồ chơi" cho xe đạp đã "kha khá" rồi.
1. Mũ bảo hiểm
Là một người cố gắng tự giác chấp hành luật giao thông và luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy nên thứ đầu tiên chồng tôi mua sau khi có xe đạp chính là mũ bảo hiểm dành cho người đi xe đạp. Đây là một trong những phụ kiện quan trọng và không thể thiếu đối với bất cứ biker nào.
Không thể phủ nhận rằng mũ bảo hiểm có tác dụng bảo đảm an toàn cho đầu của chúng ta trong quá trình di chuyển, bởi vậy tôi nghĩ rằng bỏ ra vài trăm ngàn để mua một chiếc mũ có chất lượng tốt, kích thước phù hợp với vòng đầu là hoàn toàn hợp lý.
2. Quần áo đạp xe, quần áo phản quang
Cái này do tôi chủ động mua cho chồng, bởi việc đạp xe đi làm xa cần phải có những đồ phù hợp. Các loại quần áo đạp xe được thiết kế với chất liệu co giãn, bó sát mang tới cảm giác thoải mái khi đạp xe, bởi vậy đây là món phụ kiện thứ hai cần nghĩ tới – sau mũ bảo hiểm.
Với những người có thói quen đạp xe vào buổi tối hoặc sáng sớm (những thời điểm ánh sáng bị hạn chế) thì có thể lựa chọn loại quần áo phản quang để tạo hiệu ứng tương phản, giúp cho người xung quanh nhìn thấy bạn và tránh được các trường hợp va chạm đáng tiếc. Giá của những bộ đồ như thế này dao động từ trên dưới 100 ngàn đến cả triệu đồng.
3. Khóa xe đạp
Trên thị trường có nhiều loại khóa khác nhau được sản xuất dành riêng cho xe đạp truyền thống lẫn xe đạp thể thao, nhưng phổ biến nhất vẫn là loại khóa dây nhựa có lõi thép bên trong. Người xưa có câu "Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy", do vậy chồng tôi đã đặt mua một chiếc khóa số bự chảng để bảo vệ cho chiếc xe vì cái khóa được shop tặng kèm trông rất mong manh.
Dù đã mua loại khóa 5 số (tức là phải thử 100.000 lần thì mới mò ra được mã) nhưng chồng tôi vẫn luôn nhắc nhở: mình mua khóa là để phòng người ngay thôi, và lúc nào cũng phải nêu cao cảnh giác.
4. Đồ sửa xe, vá lốp
Mặc dù tôi tin chắc chồng mình mua xe đạp địa hình về cũng chỉ để đạp trong thành phố - nơi mà chẳng khó khăn gì để tìm hàng sửa xe - nhưng ông xã vẫn nhất định phải mua cho được một bộ đồ nghề vá xe cơ bản gồm tool vặn ốc đa năng, keo dán, mấy miếng vá con con và một chiếc bơm hơi gấp gọn.
Ông ấy lý luận rằng tự mình trang bị đồ nghề thì sẽ đỡ bị chặt chém, nghe thì cũng hơi có lý nhưng thực tế thì tôi chưa thấy chồng mình luyện tập tháo lắp xe đạp bao giờ. Không hiểu đến khi lâm trận thì sẽ loay hoay kiểu gì đây?
5. Đèn chiếu sáng
Chồng tôi thuộc tuýp người không thể sống thiếu ánh sáng, tức là trong nhà lúc nào cũng cần phải "sáng choang" - dù là ban đêm hay ban ngày. Do vậy, mục tiêu chính khi mua xe là để đi làm ban ngày nhưng chồng tôi vẫn mua đèn pin để gắn xe đạp.
Trong ký ức của tôi thì đèn xe đạp là loại gắn vào bánh trước, mỗi khi xe chạy là sẽ làm quay trục phát điện (dynamo), còn bây giờ thì đèn pin đã được làm với vỏ nhôm, tháo lắp dễ dàng và có cổng sạc để cắm như sạc điện thoại vậy – rất tiện.
Phụ kiện này phát huy tác dụng tối đa khi di chuyển vào lúc trời tối. Ngoài tác dụng soi sáng đường, nó còn giúp báo hiệu cho những phương tiện giao thông khác để tránh tai nạn.
6, 7, 8, 9 và vân vân
Còn rất rất nhiều những thứ lặt vặt, nho nhỏ chồng tôi đặt mua nữa mà kể ra đây thì chắc đến mai cũng không hết như giỏ xe, bao tay chống nắng, chuông, giá gắn gương, đèn nháy đuôi,… Mỗi thứ chỉ từ vài chục đến 1, 2 trăm ngàn đồng nhưng cộng vào thì cũng là một khoản không nhỏ.
Chồng tôi thì cứ đợi cho đủ đồ về để lắp lên xe thì mới yên tâm đi xa, trong khi thỉnh thoảng lại nghĩ ra món mới để đặt mua tít tận bên Trung Quốc về cho rẻ nữa. Thật chẳng biết đến khi nào mới dùng chiếc xe đúng với mục đích ban đầu khi mua.
Xu hướng dùng xe đạp đi làm trong giới trẻ
Tạm kết
Như các bạn thấy, không phải cái gì người khác làm được thì mình cũng sẽ làm tốt. Điển hình như chồng tôi – cho dù lúc mua xe đã đặt ra mục tiêu phấn đấu nhưng có lẽ quyết tâm chưa đủ lớn, hoặc do tính quá cầu toàn nên muốn cái xe đạp cũng phải tiện nghi đầy đủ gương đèn như xe máy… Do vậy, những bạn nào đang có ý định mua xe đạp thì cần phải cân nhắc kỹ để tránh tình trạng bỏ ra cả đống tiền nhưng xe thì bỏ xó.