"Mua vali giá chỉ 50 nghìn đồng": Trò lừa mê hoặc những người ham rẻ - Đặt mua xong không thấy vali đâu, chỉ thấy uất ức vì tiền mất ồ ạt!

Mạnh Kiên |

Chiêu trò dụ người dùng mua vali giá sốc chỉ 50 nghìn đồng trên Facebook đang khiến nhiều người bị lừa. Khi đặt mua, tài khoản người dùng sẽ bị rút sạch tiền.

Mua va li giá 50 nghìn đồng

Hãy cẩn thận với những lời mời chào sản phẩm có giá quá rẻ, bởi đó có thể là trò lừa rút cạn tiền trong tài khoản của bạn.

Một trong những trò lừa phổ biến nhất thời gian gần đây là chào mời mua vali của hãng Samsonite danh tiếng chỉ với giá 1,95 euro (50 nghìn đồng). Các bài đăng kiểu này đang lan truyền trên Facebook và các mạng xã hội ở khắp nơi trên thế giới.

Tin nổi không, khi một chiếc vali thương hiệu nổi tiếng như vậy có giá chỉ bằng bát phở?

Thực chất đây chỉ là chiêu dụ dỗ người dùng tin rằng họ đang mua được một món hàng tốt giá rẻ, khiến họ chủ quan và dễ sa vào chiếc bẫy mà kẻ gian giăng ra.

Giám đốc tiếp thị kỹ thuật số của Samsonite, Joeri Van Holder, cảnh báo: "Hiện đang có một chiến dịch lừa đảo trực tuyến mạo danh chúng tôi. Bạn không bao giờ nhận được chiếc vali như mong muốn, mà thay vào đó 50 euro (1,2 triệu đồng) sẽ tự động bị rút khỏi tài khoản của bạn mỗi tuần".

Những kẻ lừa đảo đang hoạt động thông qua nhiều trang web và ứng dụng nhưng nơi chúng hoành hành nhiều nhất là trên Facebook. Samsonite đang theo dõi chặt chẽ việc này và phối hợp với Meta, công ty mẹ của Facebook để loại bỏ các trang web và tài khoản giả mạo.

Mua vali giá chỉ 50 nghìn đồng: Trò lừa mê hoặc những người ham rẻ - Đặt mua xong không thấy vali đâu, chỉ thấy uất ức vì tiền mất ồ ạt! - Ảnh 1.

"Tuy nhiên, mọi nỗ lực không khác gì chắn sóng đại dương chỉ bằng một cái đê. Cứ mỗi trang giả mạo bị xóa, hai trang mới sẽ ngay lập tức thế chỗ", quan chức từ Samsonite cảnh báo.

Giám đốc tiếp thị kỹ thuật số Joeri Van Holder cho biết: "Ngày càng có nhiều người báo cáo rằng họ đã đặt mua một chiếc vali với giá 1,95 euro nhưng không hề nhận được sản phẩm."

"Ngay khi bạn nhập số thẻ tín dụng của mình trong trang mua hàng giả mạo, bạn sẽ trở thành nạn nhân của trò gian lận trực tuyến."

Theo giám đốc của Samsonite, những chương trình khuyến mãi giả mạo dưới danh nghĩa Samsonite này đã diễn ra trong nhiều tháng. Chúng đã tăng lên trong những tuần gần đây khi mùa du lịch đến gần.

"Mọi chuyện bắt đầu cách đây khoảng 7 tháng. Ban đầu, bạn chỉ tìm thấy những chiếc vali được chào bán với giá 1,95 euro ở Benelux, nhưng giờ đây, mạng lưới lừa đảo đã mở rộng khắp châu Âu, Mỹ và Canada cũng như châu Á và Nam Phi".

Trò lừa ngoạn mục

Christoph Bonte, tổng giám đốc của Samsonite ở Benelux cho biết: "Chúng tôi đã xem xét kỹ các bài đăng giả mạo trên Facebook và phát hiện ra rằng những kẻ lừa đảo đang áp dụng một cách tiếp cận rất chuyên nghiệp".

Theo đó, kẻ gian đánh lừa người tiêu dùng bằng cách photoshop những bức ảnh thật về kho hàng và cửa hàng của Samsonite, rồi thêm thông tin sai lệch.

Chương trình khuyến mãi của chúng cũng bắt chước y hệ bộ nhận diện công ty. Ngoài ra, chúng còn thuê người đăng những bình luận giả mạo của khách hàng như: "Tôi vừa nhận được vali của mình", kèm theo một bức ảnh để chứng minh.

Mua vali giá chỉ 50 nghìn đồng: Trò lừa mê hoặc những người ham rẻ - Đặt mua xong không thấy vali đâu, chỉ thấy uất ức vì tiền mất ồ ạt! - Ảnh 2.

Những kẻ lừa đảo cũng có một lời giải thích đáng tin cậy cho việc giảm giá sốc như vậy. Chúng khiến khách hàng tin rằng đây là một đợt bán cổ phiếu khổng lồ của Samsonite sau khi các chi nhánh ở Nga bị đóng cửa do chiến sự Ukraine.

"Đúng là doanh số bán hàng của chúng tôi ở Nga đang giảm, nhưng đó không phải là lý do khiến chúng tôi phải tặng va li với giá rẻ như vậy", Bonte nói.

Rất may cho người dùng, Facebook giờ đây đã đưa ra các công cụ để hạn chế trò lừa kiểu này.

Meta đã cung cấp cho chúng tôi một công cụ bảo vệ thương hiệu để loại bỏ các trang giả mạo ngoại tuyến trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể bị nhầm lẫn giữa các trang thật với trang giả mạo. Vì sự khác biệt giữa hai trang gần như không hề có. Những kẻ lừa đảo mưu mô đã sao chép mọi thứ từ trang chính chủ.

Lừa đảo mua đồ giá rẻ trên mạng không phải mới nhưng vẫn khiến nhiều người mắc bẫy. Tuy nhiên, nếu tỉnh táo, người dùng sẽ nhận thấy rằng không có thứ gì là cho không.

"Sản xuất một chiếc vali với giá 1,95 euro đơn giản là điều không thể. Ngày nay, bạn sẽ không mua được một ổ bánh mì với số tiền đó chứ đừng nói đến một chiếc vali", Bonte nói.

Nói cách khác nếu thứ gì giá rẻ đến mức vô lý thì gần như có thứ gì đó mờ ám ở đằng sau.

Các chuyên gia khuyên người dùng nên mua hàng ở các cửa hàng chính hãng. Nếu mua hàng trên mạng, hãy cẩn thận xem xét trang web bán hàng có phải là nền tảng uy tín hay không. Tham khảo giá bán ở nhiều nơi để có cân nhắc phù hợp nếu như thấy giá bán ở gian hàng trực tuyến này có vấn đề.

Nếu như tất cả các cửa hàng đều bán giá giống nhau, chỉ một cửa hàng bán giá rẻ đến mức khó tin, hãy nghi ngờ và tránh việc điền thông tin thẻ tín dụng hay thanh toán trước khi nhận hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại