Sau cuộc khủng hoảng Crimea 2014, chính quyền thân phương Tây của Tổng thống Petro Poroshenko bắt đầu bắt tay vào việc nâng cao sức mạnh quân sự sau một thời gian dài bị bỏ ngỏ.
Ngoài lục quân, không quân, Ukraine đặc biệt đề ra tham vọng lớn nâng cấp hải quân – lực lượng mà từ nay phải thường xuyên đối địch với Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga nằm ngay "sát nách".
Tháng 4/2015, Tổng thống Petro Poroshenko công bố mong muốn của Ukraine muốn xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại, công nghệ cao có thể dễ dàng làm việc với các tàu NATO để phối hợp tuần tra Biển Đen.
Tuy vậy, "nói là một chuyện, làm được hay không là chuyện khác", từ đó tới nay nỗ lực lớn nhất mà Ukraine làm được là trang bị một loạt các tàu pháo 54 tấn Gruza-M. Mà cuộc xung đột trên biển ngày hôm qua với Nga đã cho thấy rằng đó như là "trò trẻ con".
Dẫu vậy, Kiev cũng có một chút gọi là nỗ lực vượt bậc khi đã đàm phán mua thành công 2 khinh hạm cỡ lớn Oliver Hazard Perry (gọi tắt là OHP) đã qua sử dụng của Mỹ.
Ngày 20/11, hãng thông tấn Interfax Ukraine dẫn lời tư lệnh Hải quân Ukraine Ihor Voronchenko cho biết, Washington sẽ cung cấp hai khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry đã qua sử dụng.
"Chúng tôi đã được cung cấp hai khinh hạm Oliver Hazard Perry mà Hải quân Mỹ cho ngừng hoạt động trong giai đoạn 2013-2015", ông Ihor Voronchenko cho hay.
Chắc hẳn vào lúc này đây, trong bối cảnh vừa xảy ra cuộc xung đột trên eo biển Krech với Hải quân Nga, Ukraine đang rất mong ngóng cặp chiến hạm khổng lồ, hiện đại từng được Hải quân Mỹ sử dụng suốt nhiều năm.
Sự thật phũ phàng chiến hạm "to, đẹp"
Thật vậy, OHP từng là khinh hạm "con cưng" của Hải quân Mỹ suốt giai đoạn 1970-1990. Có tới 71 chiếc được chế tạo suốt từ năm 1975 tới tận 2004.
OHP có lượng giãn nước toàn tải 4.100 tấn, dài tổng thể 138m, tốc độ 29 hải lý/h, dự trữ hành trình hơn 8.000km. Con tàu vốn được thiết kế cho nhiệm vụ hộ tống lực lượng tàu đổ bộ, tàu vận tải tổng hợp trước các mối đe dọa từ máy bay và tàu ngầm đối phương.
Chiến hạm Oliver Harazd Perry của Hải quân Mỹ.
Đương nhiên, với cả "đống vai trò" vô cùng quan trọng, Hải quân Mỹ đã trang bị cho OHP nhiều hệ thống vũ khí và radar hiện đại. Giá trị nhất là hệ thống tên lửa phòng không SM-1MR có tầm bắn lên tới 40km và tên lửa chống hạm Harpoon.
Ngoài ra, OHP còn được trang bị pháo hạm 76mm; pháo cao tốc Phalanx 20mm và hai bệ phóng ngư lôi Mk32 cỡ 324mm.
Con tàu được trang bị hệ thống radar cảnh giới trên không tầm xa AN/SPS-49 có tầm trinh sát đến 474km và radar cảnh giới mặt nước AN/SPS-55 có tầm trinh sát gần 100km. Đó là chưa kể đầy đủ hệ thống sonar thủy âm săn tìm tàu ngầm.
Dẫu vậy, đó là câu chuyện của OHP trước năm 2003, sau năm này cùng với việc loại biên chế tên lửa SM-1MR, lần lượt các tàu OHP đều bị loại bỏ bệ phóng tên lửa Mk13 dùng cho SM-1MR và Harpoon trên khinh hạm OHP.
Việc này đồng nghĩa với việc OHP sẽ không còn khả năng phòng không tầm trung và "nặng nề" nhất là mất cả tên lửa chống hạm Harpoon. Thay cho Mk13, các tàu OHP được lắp thêm bệ pháo tự động Mk 38 Mod 2 25mm không có mấy tác dụng trong cuộc chiến với "tàu địch".
Đây là sự thật "phũ phàng" mà Hải quân Ukraine nên học cách sớm chấp nhận khi Mỹ nhất trí cung cấp cặp khinh hạm OHP. Kiev phải chấp nhận rằng họ sẽ sở hữu chiến hạm to, đẹp, trông rất hoành tráng nhưng hệ thống vũ khí đủ dùng để tuần tra bảo vệ bờ biển.
Còn nếu sử dụng OHP như một tàu chiến chủ lực đối địch với Hải quân Nga thì không nên. Đơn giản, đó sẽ là hành động tự sát trước các "sát thủ diệt hạm" Nga.
Cũng như "soái hạm" U130 Hetman Sahaydachniy, OHP thậm chí có ít hơn cơ hội sống sót khi hệ thống vũ khí chỉ còn các loại pháo tầm thấp, tầm gần. Một phát bắn tên lửa là đủ để OHP "xuống đáy Biển Đen"!
Muốn sống lâu hơn thì phải chi đậm
Tất nhiên, việc thiếu Mk13 không hẳn là dấu chấm hết với khinh hạm OHP, điều kiện "cần và đủ" là Kiev phải chấp nhận việc bỏ thêm chi phí để Mỹ nâng cấp trước khi bàn giao. Chắc chắn, các nhà thầu vũ khí Mỹ sẽ không bao giờ từ chối cơ hội làm ăn béo bở.
Với khung thân vững chắc của OHP, tiềm năng nâng cấp của con tàu này rất lớn. Điển hình là chương trình hiện đại hóa G-Class nâng cấp các chiến hạm OHP được Mỹ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tàu chiến OHP Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa tên lửa ESSM.
Theo đó, người Thổ đặt hàng trang bị bệ phóng thẳng đứng Mk41 VLS cho phép triển khai đến 32 tên lửa phòng không tầm trung ESSM. Ngoài ra, loạt tàu của Thổ Nhĩ Kỳ mua trước thời điểm năm 2003 nên vẫn còn bệ phóng Mk13 cho phép bắn tên lửa hành trình Harpoon.
Nếu bị tháo gỡ bệ Mk13, trên OHP vẫn còn vô số vị trí để tích hợp bệ phóng tên lửa Harpoon.
Ví dụ như phương án của Đài Loan bố trí bệ phóng tên lửa chống hạm Hùng Phong II ngay trên khu vực thượng tầng.
Rõ ràng giải pháp tích hợp thêm vũ khí mới cho OHP là rất khả thi. Vấn đề còn lại là tiền đâu? Đó là câu hỏi mà giới chức Ukraine phải tự trả lời.
Còn nhớ năm 2016-2017, BQP Ukraine chỉ dám chi nửa triệu USD để sửa chữa "soái hạm" U130. Một số tiền quá ít ỏi với một con tàu lớn, kết quả U130 hỏng động cơ ngay lần đầu ra biển.
Tuy lỗi vụ việc nhanh chóng được đổ cho nhà thầu là một công ty ở TP Mykolaiv. Thế nhưng, số tiền đó chắc chắn không đủ khi phân bổ cho quá nhiều hạng mục khi sửa chữa một con tàu lớn.
Thế nên, bây giờ phải chi hẳn vài chục triệu USD nâng cấp cho ít nhất một tàu OHP chắc hẳn cũng là vấn đề lớn với Kiev. Tuy nhiên, nếu không thực hiện chắc chắn con tàu mà Ukraine sẽ nhận chỉ là "chú hổ giấy".
Chiến hạm OHP của Mỹ khai hỏa tên lửa SM-1MR bằng bệ phóng MK13