Hàng chục tỷ đồng chênh lệch
Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho biết, đã thanh tra 12 gói thầu (chưa kể 11 gói thầu đã được Kiểm toán Nhà nước khu vực XII kết luận), với giá trị trúng thầu (sau khi được Sở y tế phê duyệt) hơn 71,9 tỷ đồng.
Sở Y tế thuê Cty CP Tư vấn và Thẩm định giá Trung Tín thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá. Đơn vị tư vấn là Cty TNHH Công nghệ Y tế Môi trường SEVIMED. UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt kế hoạch đấu thầu (do Sở Y tế trình) mua sắm VTYT, hóa chất theo quy định. Thanh tra tỉnh Đắk Nông cho biết, số VTYT, hóa chất đã đấu thầu (đã có), nhưng Sở y tế lại mua sắm thêm vượt số lượng 8,626 tỷ đồng.
Kiểm tra 245 loại VTYT (các nhà thầu cung cấp chứng từ liên quan) đã trúng thầu hơn 46,9 tỷ đồng, nhưng kết quả xác định lại (của Thanh tra tỉnh Đắk Nông) giảm xuống chỉ còn hơn 38,2 tỷ đồng (chênh lệch 8,685 tỷ đồng). Trong đó, 44 loại VTYT có tỷ lệ chênh lệch so với giá trúng thầu trước từ 40% trở lên. Có 14 loại VTYT đã đấu thầu, nhưng các cơ sở khám chữa bệnh lại không mua sắm (trị giá hơn 2,5 tỷ đồng).
Mua cả thiết bị y tế không có nhu cầu sử dụng
Ban quản lý dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện trên địa bàn Đắk Nông (thuộc Sở Y tế) bàn giao cho 8 đơn vị trực thuộc 8 “thiết bị xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bằng công nghệ hấp ướt, tích hợp cắt nhỏ chất thải trong cùng 1 khoang xử lý” (do Hungari sản xuất). Thế nhưng, sau thời gian ngắn sử dụng, thiết bị này “không đáp ứng được nhu cầu khối lượng rác thải y tế phát sinh”.
Do đó, Sở Y tế phải xin thêm tiền (khoảng 45,6 tỷ đồng (trong đó hơn 39,3 tỷ đồng vốn ODA, còn lại của ngân sách tỉnh-PV) mua thêm máy nghiền cắt rác y tế (do Trung Quốc sản xuất). Theo cơ quan chức năng, thiết bị này đặt tại huyện Krông Nô và liên tục hư hỏng. Từ lý do này, Trung tâm Y tế huyện Krông Nô phải chuyển sang sử dụng lò đốt thủ công (chưa qua xử lý). Mỗi lần xử lý rác thải y tế, mùi hôi khó chịu ảnh hưởng tới nhiều nhà dân bên cạnh.
Kết luận thanh tra còn nêu, Sở Y tế mua sắm 28 trang thiết bị y tế (TTBYT) tốn hơn 8,4 tỷ đồng, nhưng chưa đưa vào sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh, do (các thiết bị) quá lớn, vượt quá công suất, không phù hợp; các cơ sở y tế không có nhu cầu sử dụng…
Ngoài ra, còn có 3 TTBYT (trị giá hơn 396 triệu đồng) đang tạm ngưng hoạt động do hóa chất sử dụng không phổ biến. Đặc biệt, có 43 TTBYT (trị giá hơn 5,6 tỷ đồng) đã hư hỏng, nhưng không sửa chữa, bởi các thiết bị này đã quá cũ không có linh kiện thay thế hoặc sửa nhiều lần vẫn không dùng được; thiếu người vận hành máy…
Thanh tra tỉnh Đắk Nông khẳng định, để xảy ra tình trạng trên là do công tác theo dõi, kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng quản lý chưa kịp thời, chặt chẽ; máy móc hư hỏng không được sửa chữa kịp thời; công tác xác định nhu cầu đầu tư TTBYT chưa phù hợp; mua máy sử dụng hóa chất không phổ biến…
Trách nhiệm này thuộc về giám đốc, phó giám đốc Sở Y tế; Chi cục dân số; Bệnh viện Đa khoa tỉnh và trung tâm y tế các huyện ( thời kỳ 2014-2019)… Thanh tra cũng kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đồng thời chuyển nội dung các khuyết điểm vi phạm của lãnh đạo Sở Y tế (nêu ở phần kết luận) sang Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để kiểm điểm, xử lý theo quy định.
“Chúng tôi mới nhận được kết luận của thanh tra tại Sở Y tế. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đang giao cho các phòng phụ trách nghiên cứu để có hướng thực hiện. Quan điểm của chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, không bao che nếu phát hiện vi phạm”.
Một lãnh đạo Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông