Mùa đông thành 'đồng minh' của Nga

Thái An |

Nguồn cung cấp năng lượng đã và đang trở thành một loại vũ khí trong cuộc đối đầu Nga - Liên minh châu Âu (EU); và mùa đông sẽ trở thành một “đồng minh” của Nga.

Lo hệ thống sưởi không thể hoạt động vì thiếu khí đốt, nhiều người dân châu Âu đang tích trữ củi, viên nén gỗ. Ảnh: Getty Images

Lo hệ thống sưởi không thể hoạt động vì thiếu khí đốt, nhiều người dân châu Âu đang tích trữ củi, viên nén gỗ. Ảnh: Getty Images

Trong bài phát biểu nhân dịp sáp nhập 4 khu vực của Ukraine vào Nga mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rõ rằng, ông coi cuộc chiến hiện tại là cuộc đấu tranh sinh tồn với phương Tây để định hình tương lai thế giới. Ngày 19/10, Tổng thống Putin thông báo ông đã ký ban hành luật thiết quân luật tại 4 khu vực Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk.

Ngoài việc sáp nhập khoảng 15% lãnh thổ Ukraine, ông Putin cũng tuyên bố điều động lực lượng dự bị lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết. Những ngày qua, các lực lượng Nga không kích nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine. Các tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái cảm tử đã khiến phần lớn miền bắc và miền đông Ukraine rơi vào tình trạng thiếu điện, mất điện trên diện rộng. Ngày 18/10, hơn 1.000 khu dân cư ở Ukraine bị mất điện, Bộ Năng lượng nước này thông báo hôm qua.

Ngày 19/10, Kryvyi Rih ở miền trung Ukraine trở thành thành phố mới nhất bị mất điện do cơ sở năng lượng bị không kích, Thị trưởng Oleksandr Vilkul thông báo trên Telegram. Ngày 18/10, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, trong ngày, lực lượng vũ trang Nga tiếp tục đánh trúng các hệ thống năng lượng, kho đạn, khu chỉ huy quân sự của Ukraine bằng vũ khí chính xác.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo, kể từ hôm 10/10, gần 1/3 số nhà máy điện của nước này đã bị phá hủy. Với mùa đông đang đến gần, người dân Ukraine phải đối mặt viễn cảnh toàn bộ các khu vực bị mất điện và mất hệ thống sưởi trong tiết trời lạnh giá. Hậu quả đối với dân thường có thể rất thảm khốc.

Mùa đông không lò sưởi

Bộ Ngoại giao khuyến cáo người Việt ở Ukraine

Tình hình xung đột tại Ukraine thời gian qua tiếp tục có diễn biến rất phức tạp và khó lường. Do đó, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao vừa đưa ra khuyến cáo đối với công dân và cộng đồng người Việt Nam. Đối với người đang ở Ukraine, cần sẵn sàng phương án tốt nhất để giữ an toàn cho bản thân và gia đình, trong đó có việc sơ tán khỏi các thành phố lớn, tránh xa các khu vực nguy hiểm. Giữ liên lạc thường xuyên với các hội đoàn và Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine. Đối với người hiện chưa đến Ukraine, không đến Ukraine trừ trường hợp thực sự cần thiết. Thường xuyên theo dõi những thông tin cảnh báo của Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) để phản ứng kịp thời. Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, người dân có thể liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine: +380.931152166; Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga: +7(903)6821617…

Tình hình hiện tại ở Liên minh châu Âu (EU) rõ ràng không quá bi đát như tình trạng khó khăn của Ukraine, nhưng các quốc gia EU cũng đang phải đối mặt viễn cảnh về một mùa đông cực kỳ khó khăn do nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Khoảng 70% hệ thống sưởi ấm của châu Âu hoạt động bằng khí đốt tự nhiên hoặc điện. Lo ngại hệ thống sưởi không thể hoạt động vì thiếu khí đốt, nhiều người dân châu Âu đang đổ xô đi mua tích trữ củi, gỗ ở dạng viên nén. Ở Pháp, giá viên nén gỗ đã tăng gần gấp đôi lên 600 euro/tấn; Romania phải áp giá trần đối với củi trong 6 tháng; Hungary cấm xuất khẩu củi dạng viên…

Nguồn cung cấp năng lượng đã và đang trở thành một loại vũ khí trong cuộc đối đầu Nga-EU; và mùa đông sẽ trở thành một đồng minh của Nga. Các vụ nổ gần đây trên đường ống Nord Stream dù bên nào gây ra cũng cản trở việc EU tiếp nhận khí đốt từ Nga trong những tháng mùa đông sắp tới, gây áp lực lên các nhà lãnh đạo EU, buộc họ chấm dứt ủng hộ Ukraine.

Điều này đang tạo tiền đề cho những gì một số nhà quan sát dự đoán sẽ là mùa đông châu Âu khó khăn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng. Hóa đơn năng lượng đã và đang làm tăng chi phí sinh hoạt, với lạm phát tăng lên mức kỷ lục trên toàn châu Âu. Giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cao hơn sẽ ảnh hưởng các hộ gia đình nghèo và có thể gây ra bất ổn chính trị trên khắp lục địa.

Theo giới quan sát, các đặc vụ Nga đã làm việc với các đồng minh địa phương trong EU để truyền đi thông điệp rằng, mọi thứ có thể được giải quyết bằng cách từ bỏ Ukraine. Trong khi người châu Âu tính cái giá phải trả cho cuộc đối đầu Mátxcơva về mặt tài chính, người Ukraine đang phải trả một cái giá cao hơn nhiều. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong bảy tháng qua, từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát cuối tháng Hai. Hàng triệu người đã mất nhà cửa hoặc buộc phải đi sơ tán.

Đã có một số khu vực trong EU kêu gọi chấm dứt giao tranh bằng cách nhượng bộ Điện Kremlin. Một số khác cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu nên tái khẳng định cam kết của họ đối với chiến thắng của Ukraine và chứng minh rằng quyết tâm của họ sẽ không bị phá vỡ bởi mối đe dọa hạt nhân hoặc cặp bài trùng “vũ khí” năng lượng-mùa đông. Những tháng sắp tới sẽ không dễ dàng cho bất kỳ ai. Một số sẽ lạnh hơn hoặc đói hơn bình thường. Những người khác sẽ phải đối mặt bom đạn và tình trạng mất điện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại