Mua đồ ăn trên mạng, người phụ nữ dừng ngay khi thấy dấu hiệu lừa đảo: Không ngờ vẫn còn "lớp bẫy thứ hai" - 100 triệu mất sạch!

Mạnh Kiên |

Tự nhận là người rất cẩn thận vì đã từng bị lừa trước đây, Li vẫn không thoát được thủ đoạn ranh ma lần này.

Mua đồ ăn bị lừa mất trăm triệu

Bị ru ngủ bởi cảm giác an toàn giả tạo với cam kết "thu tiền khi nhận hàng" từ người bán hàng trực tuyến, một phụ nữ đã bị lừa hơn 7.000 SGD (125 triệu đồng) sau khi mua một hộp cua cuộn có giá vỏn vẹn 8 SGD (140 nghìn đồng).

Người phụ nữ 59 tuổi, họ Li, nói với Shin Min Daily News rằng bà xem một quảng cáo trên Facebook vào ngày 1/6 về món “cua cuộn giòn" và đã liên hệ với người bán qua WhatsApp.

Li, một người bán hàng rong, chia sẻ bà có ý định mua 10 hộp cho gia đình mặc dù giá 8 SGD/hộp không hề rẻ.

Tuy nhiên, chính vì cái giá trông có vẻ đáng tin mà Li đã cho phép mình mất cảnh giác.

"Tôi kinh doanh trong lĩnh vực F&B và biết đồ ăn giá rẻ bán trên mạng thường là lừa đảo. Nên tôi không nghi ngờ người bán vì thấy món ăn không khuyến mãi và thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng", Li nói.

Sau khi liên hệ với người bán, bên kia đã xác nhận đơn đặt hàng và gửi một liên kết quảng cáo các sản phẩm thịt và món tráng miệng. Họ cũng gửi một liên kết khác yêu cầu Li tải xuống một ứng dụng để trả khoản cọc 5 SGD.

Li chia sẻ rằng mình không nghĩ gì nhiều về lời yêu cầu đó và tiếp tục nhấp vào liên kết, thứ đưa bà đến trang thanh toán ngân hàng. Nhưng khi đang điền chi tiết thẻ tín dụng, Li đột nhiên nhớ ra rằng mình nên cẩn thận khi thao tác thông tin tài chính cá nhân trên các ứng dụng của bên thứ ba và ngay lập tức rút khỏi giao dịch.

Mua đồ ăn trên mạng, người phụ nữ dừng ngay khi thấy dấu hiệu lừa đảo: Không ngờ vẫn còn lớp bẫy thứ hai - 100 triệu mất sạch! - Ảnh 1.

"Giao diện liên tục hiển thị là đang được xử lý nhưng tôi không nhập bất kỳ thông tin chi tiết nào khác và thoát ra. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là nếu mua hàng mà phải làm đủ thứ rắc rối như vậy thì tôi không mua nữa", Li nói.

Tuy nhiên, Li kể rằng điện thoại của mình sau đó dường như đang trong quá trình "tải xuống thứ gì đó" và không thể hoạt động bình thường.

Tiếp tục câu chuyện, Li cho biết đã nhận được cuộc gọi từ phía người bán, thúc giục bà kiểm tra sao kê tài khoản ngân hàng của mình để tìm hai giao dịch không xác định. Li nói thêm rằng người bán gọi cho bà mỗi giờ để báo cáo tình hình. Nhưng khi Li mở ứng dụng ngân hàng, bà thấy mình không thể đăng nhập.

Trong lúc đó, Li tiếp tục nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ tự xưng là nhân viên ngân hàng. Li từ chối yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cho người gọi.

Tuy nhiên, ngày hôm sau, Li nhận được một thông báo qua email cho biết giới hạn chuyển khoản cho tài khoản ngân hàng của mình đã được tăng lên 10.000 SGD vào ngày hôm trước và số tiền 7.430,20 SGD đã được chuyển thành công.

Li đã báo cảnh sát vào ngày 2/6.

Mua đồ ăn trên mạng, người phụ nữ dừng ngay khi thấy dấu hiệu lừa đảo: Không ngờ vẫn còn lớp bẫy thứ hai - 100 triệu mất sạch! - Ảnh 2.

Thủ đoạn ranh ma

Li nói với tờ Shin Min Daily News rằng số tiền bị lừa bao gồm tiền lương hàng tháng cũng như các khoản quyên góp được cho tổ chức từ thiện. Trước đó, bạn bè đã giúp gây quỹ 5.000 SGD cho một viện dưỡng lão ở Thái Lan mà Li quyên góp hàng năm.

Từ lúc sự việc xảy ra, bà đã nói với bạn bè về vụ lừa đảo cho biết sẽ chịu trách nhiệm về những tổn thất. Tuy nhiên, bà vẫn chưa dám kể sự việc với gia đình.

"Tôi tự coi mình là người rất cẩn thận. Nhiều năm trước, tôi đã mua một chiếc nồi cơm điện của Đức cho con gái mình qua mạng và trả hàng trăm SGD, nhưng bên kia đã biến mất. Kể từ đó, tôi đã đề phòng những trò lừa đảo như vậy trên mạng”, Li chia sẻ.

Bà nói thêm rằng tài khoản ngân hàng của mình ban đầu có hơn 60.000 SGD, nhưng thật may mắn vì phần lớn số tiền đó đã được chuyển vào tài khoản chung với con trai.

“Nếu không chuyển 60.000 SGD đó ra ngoài, tôi chắc rằng số tiền đó đã bị lấy mất”, Li nói.

Thủ đoạn của kẻ lừa đảo Li rất tinh vi. Trong lúc nhấp vào liên kết thanh toán, mặc dù Li đã cảnh giác khi không nhập thông tin ngân hàng của mình nhưng ứng dụng độc hại đã tự động tải xuống điện thoại lúc đó.

Tiếp theo, kẻ lừa đảo yêu cầu Li kiểm tra sao kê tài khoản ngân hàng để tìm hai giao dịch không xác định. Chính lúc này, khi Li đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng, nhiều khả năng ứng dụng độc hại kia đã đánh cắp được tên đăng nhập và mật khẩu của Li.

Lời khuyên của cảnh sát và chuyên gia bảo mật là không nhấp vào bất kỳ liên kết khả nghi nào từ bên thứ ba, cũng như tải xuống các ứng dụng không rõ nguồn gốc, đặc biệt với các thiết bị Android.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại