"Một vòng luẩn quẩn giữa các thế hệ: Lúc nhỏ ai cũng phấn đấu học hành, học nghề để lên thành phố, thoát cảnh đồng ruộng.
Thế nhưng đặt chân lên thành phố lại có suy nghĩ muốn về quê?
Cứ quẩn quanh đời này qua đời khác, sau này thế hệ con cháu phải chăng cũng nghĩ vậy?"
Thắc mắc này cũng là câu hỏi chung của nhiều người khi họ chứng kiến có những người rất trẻ, thậm chí chỉ vừa qua ngưỡng 20 đã chọn rời xa thành phố. Không chỉ bỏ phố về quê, mà còn bỏ phố về rừng, về đảo... chỉ cần không phải ở thành phố lớn bon chen nữa là được!
Cùng nghe xem những người trẻ này họ nghĩ gì khi lựa chọn rời bỏ phố thị.
Lý do nào khiến cho người trẻ ngày càng muốn rời xa thành phố?
Với Nguyễn Minh Tùng (SN 2000, TPHCM, làm việc tự do và du lịch), anh chàng chọn bỏ phố lớn về đảo Phú Quý để sinh sống và làm việc.
Tùng chia sẻ: "Mình nghĩ dù phố hay quê thì quan trọng vẫn là cơ hội kiếm tiền. Dù cơ hội đó lớn hay nhỏ, chỉ cần tận dụng tốt thì ở đâu cũng vậy.
Nguyễn Minh Tùng (TPHCM, làm việc tự do và du lịch)
Nhưng có một điều là ở đảo, ở quê sẽ tốt hơn với những người đã từng có tổn thương tâm lý như mình, chán nản với cuộc sống quá nhanh ở thành phố. Sau những ngày lao đầu vào kiếm cơm ở TPHCM, mình muốn tìm đến những nơi yên bình, nhịp sống chậm rãi để chữa lành và cảm thấy cân bằng hơn”.
Ở trong một trường hợp khác, Lâm (1990, Tây Nguyên, Bất động sản) xuất thân từ quê lên thành phố để lập nghiệp. Anh chàng cho biết: "Với những người từ quê lên phố như mình thường mang trong lòng mong muốn trở về quê khi tuổi càng nhiều. Lên TPHCM để học tập và làm việc, mình cưới vợ ở đây luôn. Sau nhiều năm cố gắng, cuối cùng cũng có nhà, có xe, tạm gọi là ổn định cho gia đình nhỏ. Khi này, mình càng mong muốn một cuộc sống an yên hơn bao giờ hết.
Nhưng không phải cứ muốn là được. Vậy nên mình lựa chọn một phương án: 80% ở phố và 20% ở quê. Tức là ngày trong tuần tụi mình sẽ làm việc, con sẽ học ở thành phố. Nhưng đến cuối tuần sẽ sắp xếp đi về quê để đổi gió và lấy lại năng lượng.
Cái chính muốn về quê, là không muốn hít bụi ở phố nữa. Nhưng hiện tại chưa thể chuyển về hoàn toàn nên vẫn chấp nhận đi đi đi lại lại thế này!".
Muốn bỏ phố về quê cần chuẩn bị tài chính thế nào?
Dù ở phố hay quê, không duy trì được thu nhập hoặc chuẩn bị tài chính kỹ càng thì sẽ đều bấp bênh. Nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi này thì bạn nên ở chuyên tâm ở một chỗ, không nên lăn tăn để vừa nặng lòng, vừa nặng gánh!
Minh Tùng đã chuẩn bị gần 10 năm tiền tiết kiệm để có thể thực hiện được ước mơ này: “Mình sống ở TPHCM từ nhỏ, nhưng lại sống tự lập nên đủ hiểu được cảm giác mệt mỏi khi phải gồng gánh mọi thứ. Vậy nên từ những ngày học cấp 2, mình đã tìm cách để kiếm tiền. Từ việc bán đồ linh tinh cho các bạn ở trong trường, đến việc kinh doanh online, rồi làm đủ các nghề cho tới khi cấp 3. Cứ vừa làm vừa tích góp lại không dám tiêu xài gì nhiều.
Chuẩn bị tài chính thật kỹ càng nếu muốn bỏ phố về quê. (Ảnh NVCC)
Rồi khi học xong cấp 3, mình cũng xin vào làm ở công ty một thời gian, vừa học hỏi kinh nghiệm vừa có thu nhập ổn định. Ngoài ra, thời điểm dịch bệnh mình kinh doanh online một số mặt hàng thiết yếu nên cũng kiếm được số vốn nhỏ.
Cho đến năm 22 tuổi, mình dùng hết số tiền tiết kiệm được của hơn 10 năm qua để bỏ phố ra đảo sống. Đổi khoảng thời gian tiết kiệm, không cafe không ăn ngoài hay tụ tập gì nhiều, nấu ăn ở nhà cho tiết kiệm... để lấy được những ngày tháng sống thư giãn nhất trong cuộc đời.
Hiện tại, mình vẫn tiếp tục những công việc online để có thu nhập ổn định. Ngoài ra, mình cũng đang trong quá trình tìm hiểu mô hình kinh doanh du lịch ở đảo Phú Quý và phát triển nó thành một nghề đủ để kiếm sống!”.
Còn với anh Lâm, không những cần chuẩn bị tài chính mà ngay cả tâm lý, kế hoạch lâu dài khi bỏ phố về quê là điều cần thiết: “Mình không còn ở độ tuổi quá trẻ để có thể bỏ tất cả về quê. Mình của hiện tại có vợ, có con nên về quê là cả một quá trình. Không chỉ cần tài chính thật vững mạnh, tạo ra nguồn thu nhập thụ động, quỹ tiết kiệm, bảo hiểm… mà còn là kế hoạch công việc cho vợ, học tập cho con. Vậy nên hơn 30 tuổi, mình vẫn chưa đủ can đảm để bỏ hết mà về.
Nhưng sự chuẩn bị thì luôn luôn sẵn sàng. Mình có trao đổi cùng vợ và tụi mình thống nhất lên kế hoạch cho tất cả những lo toan đó. Mình làm trong lĩnh vực bất động sản gần 10 năm, kinh nghiệm và tích lũy tài chính đều đang ở mức khá. Còn vợ làm trong nhà nước nên chuyển việc cũng không quá khó khăn. Điều tụi mình băn khoăn nhiều nhất là nguồn thu thụ động và việc học hành của con. Hai vợ chồng cùng nhau tìm hiểu dần dần chứ không dám làm cái gì quá nhanh: Chậm mà chắc!
Ngoài bỏ thêm thời gian để tìm hiểu về các vấn đề này, tụi mình cũng chuẩn bị dần tâm lý cho con về việc bỏ phố về quê này.
Một số yếu tố cần cân nhắc khi dịch chuyển từ phố về quê
Viễn tưởng bỏ phố về quê tuy đẹp, nhưng để bắt tay vào thực hiện rất khó. Về quê để giải tỏa, kiếm sống thì ai cũng có thể nghĩ đến. Nhưng để làm được điều này mà không cảm thấy hối hận, rồi 2-3 năm lại quay lại thành phố vì không sống nổi ở quê thì bạn cần cân nhắc thêm một vài yếu tố:
Mức sống và thu nhập thay đổi
Điều đầu tiên có thể kể đến là mức sống và thu nhập ở phố và quê hoàn toàn khác nhau. Minh Tùng cho biết: "Hồi còn ở TP HCM, dù không tốn tiền thuê nhà nhưng 1 tháng mình tiêu tốn hết 6-7 triệu đồng. Tuy nhiên, mức thu nhập cũng đủ để mình sống thoải mái.
Sau khi về Phú Quý, mức sống giảm xuống chỉ còn một nửa, khoảng 3-5 triệu/tháng cho một cuộc sống khá ổn. Hầu hết mọi thứ rẻ hơn khá nhiều. Nhưng trái cây, thịt thà thì đắt hơn do tốn phí vận chuyển”. Thêm nữa, mình cũng chấp nhận thu nhập sẽ không còn xông xênh như trước. Để kiếm tiền từ đảo cũng tốn cả một quá trình Minh Tùng dày công nghiên cứu.
Người trẻ chưa có vướng bận thì có thể thong thả hơn. Nhưng những người có gia đình, nếu muốn bỏ phố về quê thì cần cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác. (Ảnh minh họa Pinterest)
Đây chỉ là cuộc sống của một chàng trai trẻ độc thân và tự lo về mặt tài chính. Còn với những gia đình như anh Lâm thì mọi chuyện có phần phức tạp hơn: “Mình chưa chuyển hẳn về quê sống nhưng cũng có nghiên cứu qua. Đương nhiên những chi phí cho một gia đình ở quê sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cái bất cập đi kèm là khả năng kiếm tiền sẽ không được như trước. Dù có tiền tích lũy nhưng vẫn phải bươn chải khá nhiều chứ không thong thả đâu!”.
Chuẩn bị tâm lý vững vàng
Việc bỏ phố về quê trong mắt nhiều người, đặc biệt là thế hệ của cha chú chúng ta là việc "đi ngược số đông". Vì tốn kém tiền bạc để đưa con cái lên thành phố học tập, kiếm được công việc ổn định nhưng bỗng dưng con lại muốn quay về nơi bắt đầu. Không phải ai cũng thoải mái chấp nhận điều này. Vì thế, lúc này điều bạn cần là chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng trước việc không được ủng hộ
Ngoài ra, thì phải có kế hoạch đàng hoàng, mỗi bước đều cần tính toán và vững vàng chứ không chỉ là xách ba lô về và bỏ mặc tất cả.
Tạm kết
Mỗi người đều có một đích đến riêng trong cuộc sống, vì thế lựa chọn hành trình để đi không ai giống nhau. Hạnh phúc có thể là được vươn mình ra khỏi nông thôn, tiến tới chốn phố thị xa hoa để đổi đời, để học hỏi. Nhưng cũng có loại hạnh phúc là được sống chậm lại, tận hưởng sự yên bình trong từng nhịp sống.
Vậy nên, ai hợp với điều gì thì chọn đấy, không nhất thiết phải học theo người khác. Tuy nhiên, bất cứ sự lựa chọn nào cũng cần có kế hoạch cụ thể và sự chuẩn bị kỹ càng!