Ảnh chụp màn hình tin đồn về cái chết của Barib Yariel
Tin đồn đến từ đâu?
Theo trang The Paper (Trung Quốc), ngày 8/11, tài khoản @intelligenfnt lần đầu tiên đăng một bài đăng liên quan đến tin đồn về cái chết của Barib Yariel trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).
Ngày 9/11, một người dùng khác có tên Jackson Hinkle đã đăng một thông tin tương tự.
Theo tờ báo Do Thái lâu đời nhất thế giới The Jewish Chronicle, Jackson Hinkle là người phát tán nhiều thông tin sai lệch nhất trên mạng xã hội X và mô tả anh ta là một "nhà hoạt động chống Israel".
Theo The Jewish Chronicle, Jackson Hinkle là người phát tán nhiều thông tin sai lệch nhất trên mạng xã hội Twitter (hiện tại là mạng xã hội X). Ảnh chụp màn hình bài báo
Barib Yariel đã chết chưa?
Trang web chính thức của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không ngừng đăng tải theo thời gian thực về thông tin danh tính của những binh sĩ Israel đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra xung đột Israel – Hamas vào ngày 7/10. Tuy nhiên, tính đến thời điểm lên bài trên trang The Paper, tìm kiếm trên trang web này không tìm thấy thông tin nào liên quan đến cái chết của "Barib Yariel".
Và vào ngày 9/11, một người dùng trên mạng xã hội X có tên "Barib Yariel" đã phản hồi bài đăng của Jackson khi viết bằng tiếng Do Thái rằng: "Vớ vẩn. Tôi vẫn còn sống và có thể tiếp tục bắn." Tuy nhiên, vì tài khoản chưa được xác thực và hình đại diện được sử dụng không rõ ràng nên vẫn không thể xác định danh tính thực sự của người dùng này.
Ngày 9/11, một người dùng trên mạng xã hội X có tên "Barib Yariel" đã phản hồi bài đăng của Jackson khi phủ nhận cái chết của mình.
Theo The Paper, khi tìm kiếm với từ khóa "Barib Yariel" bằng tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập, chỉ tìm thấy tài khoản trên mạng xã hội X nói trên, không có thông tin liên quan nào khác được hiển thị.
Những hình ảnh trên mạng đến từ đâu?
Theo The Paper, thao tác tìm kiếm ngược lại bức ảnh đi kèm trong tin đồn trực tuyến cho thấy bức ảnh này đã được các kênh truyền thông khác sử dụng khi đưa tin trước khi bùng nổ xung đột Israel - Hamas.
Ngày 3/10/2019, Cơ quan Thông tấn Sinh viên (Student News Agency) của Iran đã sử dụng bức ảnh này và cho biết binh lính Israel đã bắn bị thương hai thanh niên Palestine vào đêm hôm trước.
Ngày 5/9/2020, hãng thông tấn Sanad News Agency của Palestine đã sử dụng bức ảnh này làm hình minh họa cho một bài báo và nói rằng trong cuộc xung đột tại trại tị nạn Jenin ở phía bắc Bờ Tây vào ngày hôm trước, hai anh em người Palestine đã bị thương do đạn của quân đội Israel đang chiếm đóng tại đây bắn vào.
Ngày 19/10/2022, bức ảnh lại xuất hiện trong một tin tức của hãng truyền thông Royal News của Jordan. Nội dung liên quan cho thấy, vào ngày hôm đó, lực lượng chiếm đóng của Israel đã làm bị thương một thanh niên Palestine gần khu định cư Adumim phía đông Jerusalem. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ thanh niên này mà không biết mức độ thương tích của anh ta.
Ảnh chụp màn hình tin tức liên quan vào ngày 19/10/2022 của hãng truyền thông Royal News của Jordan.
Theo The Paper, điều đáng chú ý là mặc dù bức ảnh này xuất hiện thường xuyên trong các thông tin liên quan đến xung đột giữa Palestine và Israel nhưng không có kênh truyền thông nào cung cấp thông tin cơ bản về bức ảnh và nhân vật trong ảnh.
Tóm lại, theo The Paper, hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy "Barib Yariel - một trong những tay súng bắn tỉa giỏi nhất của Israel - đã bị lính bắn tỉa Hamas tiêu diệt". Bức ảnh được lan truyền trên mạng đã xuất hiện trong một tin tức vào năm 2019 và kể từ đó thường xuyên được các kênh truyền thông trích dẫn làm hình minh họa cho các tin tức về xung đột giữa Palestine và Israel. Ngoài ra, tính đến thời điểm lên bài, không có thông tin nào về cái chết của tay súng bắn tỉa Barib Yariel trong danh sách thương vong của IDF.