Một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, "điểm đến hấp dẫn" của Vùng Đông Nam Bộ

Pha Lê |

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cửa khẩu thông thương với Campuchia, tỉnh này có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là "điểm đến hấp dẫn" của Vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách.

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%. Kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%.

GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt khoảng 7%/năm. Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, PAR Index, ICT Index thuộc nhóm khá của cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước.

Không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững; xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là "điểm đến hấp dẫn" của Vùng Đông Nam Bộ.

Một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, điểm đến hấp dẫn của Vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Các đột phá phát triển

Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 3 huyện biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh, Cửa khẩu phụ Tân Tiến) và 1 lối mở. Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nên Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí cách không xa Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đồng thời lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia, Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 9,1%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra 7 - 7,5%). Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,66%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 16,24% (riêng công nghiệp tăng 18,7%), dịch vụ tăng 8,73%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,06%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 5%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 85,1 triệu đồng (tương đương 3.550 USD), tăng 11,6% so với năm 2021.

Thu ngân sách năm 2022 của tỉnh là 14.535 tỷ đồng, bằng 119% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 102% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua và tăng 6% so với năm 2021 (theo báo cáo của UBND tỉnh).

Di tích núi Bà Rá - Thác Mơ. Ảnh: binhphuoc.gov.vn

Để đạt được những mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh chú trọng đến 3 vấn đề đột phá phát triển.

Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), sân bay chuyên dùng Hớn Quản.

Phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Về phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng an sinh xã hội để ổn định và phát triển lâu dài. Đẩy mạnh công tác phân luồng gắn với tư vấn, hướng nghiệp; liên kết có hiệu quả với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước để nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về cải cách thủ tục hành chính: hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại