Trung Quốc có sự phát triển vượt trội về kinh tế trong nhóm BRICS. Ảnh: AFP
Theo báo Deutsche Welle (Đức), cho đến nay những dự đoán về việc các nước BRICS là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới đã không hoàn toàn chính xác. Nhưng thay vào đó, khối này hiện đang cung cấp một diễn đàn ngoại giao và tài chính phát triển bên ngoài phương Tây.
Phó Giám đốc Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế của Đức (SWP) Günther Maihold nhận định: "Kỳ vọng sáng lập của các nền kinh tế mới nổi đã phai nhạt. Các nước BRICS đang trải qua thời khắc địa chính trị của họ".
Những phát triển kinh tế gần đây nhất ở các quốc gia thành viên BRICS không như kỳ vọng ban đầu mà nhóm này được thành lập. Trong số năm thành viên, chỉ có Trung Quốc đã đạt được sự tăng trưởng bền vững và sâu rộng kể từ đó.
Khi tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng từ 6 nghìn tỷ USD năm 2010 lên gần 18 nghìn tỷ USD vào năm 2021, các nền kinh tế như Brazil, Nam Phi và Nga đã bị đình trệ. GDP của Ấn Độ đã tăng từ 1,7 nghìn tỷ USD lên 3,1 nghìn tỷ USD nhưng bị bỏ xa bởi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc.
Nhưng Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang tìm cách khẳng định mình là đại diện của Nam bán cầu, cung cấp "một mô hình thay thế cho G7". G7 là một "diễn đàn không chính thức" của các nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, được thành lập vào năm 1975. Đức, Pháp, Anh, Italy, Nhật Bản, Canada và Mỹ là thành viên, cũng như EU.
Từ BRIC, ban đầu là viết tắt của Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China), được đặt ra bởi Jim O'Neill vào năm 2001, khi ông là nhà kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs.
Vào thời điểm đó, 4 quốc gia này có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững và BRIC tượng trưng cho sự lạc quan về kinh tế đối với tương lai của các nước đó. Những người phản đối cho rằng các quốc gia quá đa dạng trong một khối và đó thực sự chỉ là một thủ thuật tiếp thị của Goldman Sachs.
Nhưng điều đó đã dần khuyến khích các nhà đầu tư và BRIC đã phát triển thành một nền tảng cho sự hợp tác liên chính phủ tương tự như G7. Năm 2009, bốn quốc gia đã gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Yekaterinburg của Nga. Năm 2010, Nam Phi được mời tham gia nhóm, trở thành BRICS.
Thách thức mô hình tài chính phương Tây
Vào năm 2014, với 50 tỷ USD tiền vốn, các quốc gia BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới như một giải pháp thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ngoài ra, họ đã tạo ra một cơ chế thanh khoản được gọi là Thỏa thuận dự trữ dự phòng để hỗ trợ các thành viên đang gặp khó khăn với các khoản thanh toán.
Điều này không chỉ hấp dẫn đối với bản thân các quốc gia BRICS mà còn đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác đã từng trải qua giai đoạn đau đớn với các chương trình điều chỉnh cơ cấu và các biện pháp thắt lưng buộc bụng của IMF. Đây là lý do tại sao nhiều quốc gia cho biết họ có thể quan tâm đến việc tham gia nhóm BRICS.
Ngân hàng BRICS đã mở cửa cho các thành viên mới. Năm 2021, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Uruguay và Bangladesh có cổ phần. Tuy nhiên, những khoản này thấp hơn nhiều so với khoản đầu tư 10 tỷ USD tương ứng của các thành viên sáng lập ngân hàng.
Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết sự quan tâm trên toàn thế giới đối với nhóm BRICS là "rất lớn". Vào đầu tháng 3 năm nay, bà Pandor nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng họ đã nhận được “12 lá thư từ các quốc gia quan tâm đến BRICS, trong đó Saudi Arabia, UAE Ai Cập, Algeria và Argentina, cũng như Mexico và Nigeria”.
Bà Pandor nói: “Một khi chúng tôi đã định hình được các tiêu chí [để cho vay], chúng tôi sẽ đưa ra quyết định”, đồng thời lưu ý rằng chủ đề này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8 sắp tới ở Nam Phi.
Không trừng phạt Nga
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các nước BRICS ngày càng "xa rời" phương Tây. Cả Ấn Độ, Brazil, Nam Phi hay Trung Quốc đều không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga. Điều này ngày càng được minh chứng rõ ràng bởi mối quan hệ thương mại lịch sử giữa Ấn Độ và Nga, hay sự phụ thuộc của Brazil vào phân bón của Moskva.
"Về mặt ngoại giao, cuộc xung đột ở Ukraine dường như đã vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa một nước Nga được phương Đông hậu thuẫn và phương Tây. Do đó, một số nhà hoạch định chính sách EU và Mỹ lo ngại rằng BRICS có thể không còn là một câu lạc bộ kinh tế của các cường quốc đang lên đang tìm cách gây ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển toàn cầu, mà trở thành một câu lạc bộ chính trị được xác định bởi chủ nghĩa dân tộc của họ", nhà khoa học chính trị Matthew Bishop tại Đại học Sheffield nhận định.
Chuyên gia Maihold cũng đồng tình với quan điểm trên, lưu ý rằng nhóm BRICS là một diễn đàn để tăng cường tư tưởng chủ quyền và tự trị. Trong một thế giới lưỡng cực, ông Maihold cho rằng Nam Phi, Ấn Độ và Brazil chỉ đơn giản là "tranh giành những điều khoản tốt hơn".
Mặt khác, Trung Quốc đang sử dụng nền tảng này cho tham vọng chính trị toàn cầu của mình, ông Maihold nói thêm, chỉ ra những lời đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga – Ukraine và các cuộc tập trận quân sự chung mà nước này tổ chức với Nga ở Nam Phi.
Chuyên gia Maihold nhấn mạnh rằng phương Tây đã nhận thấy sự thay đổi trong chiến thuật này và đang nỗ lực đối phó: "Họ đang theo dõi rất kỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức vào năm 2022, họ đã đưa ra quan điểm mời Nam Phi và Ấn Độ, để ngăn chặn quan điểm rằng G7 đang đối đầu với BRICS".