Một tỉnh Việt Nam sắp có dự án 400 triệu USD: Thuộc tam giác kinh tế trọng điểm, 'nam châm' hút đầu tư nước ngoài

Hoàng Linh |

Với nhiều điều kiện, tiềm năng, Bắc Ninh đang vươn lên thành "thủ phủ" của phát triển công nghiệp. Nơi đây là điểm đến của không ít tên tuổi lớn như Samsung, Microsoft, Suntory- PepsiCo, Foster...

Thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với ông Chen Tao, Chủ tịch Tập đoàn Victory Giant Technology (doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các linh kiện điện tử, chất bán dẫn có trụ sở tại Trung Quốc) về tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại tỉnh.

Sau một thời gian tìm hiểu, tập đoàn này quyết định lựa chọn khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh là địa điểm để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD, khi đi vào hoạt động dự kiến cho giá trị sản xuất mỗi năm đạt khoảng 1 tỷ USD.

Chia sẻ tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, các doanh nghiệp và cộng đồng người Trung Quốc chiếm hơn 50% người nước ngoài đang học tập, lao động, sinh sống tại đây, có đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời, mong muốn được đón Tập đoàn Victory Gaint Technology về đầu tư tại đây.

Một tỉnh Việt Nam sắp có dự án 400 triệu USD: Thuộc tam giác kinh tế trọng điểm, nam châm hút đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.

Tỉnh nằm top đầu các chỉ số phát triển

Bắc Ninh đang cho thấy đà phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong nhiều năm gần đây.

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,39%. Quy mô kinh tế tỉnh đạt gần 250.000 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước. GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, với tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 76,5%; dịch vụ chiếm 17,22%; nông nghiệp chiếm 2,53%.

Đáng chú ý, năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước, đạt gần 1,35 triệu tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ 2 cả nước với 83,7 tỷ USD trong năm 2022, xuất siêu 6,5 tỷ USD. Thu hút FDI tốt, hiện tổng vốn đầu tư FDI đạt 24,2 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2022, PCI xếp 7/63, chỉ số Xanh cấp tỉnh thứ 3/63. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022 xếp thứ 7/63. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên xuất hiện dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ tư với đặc thù nhiều khu công nghiệp, công nhân đông, di chuyển phức tạp.

Một tỉnh Việt Nam sắp có dự án 400 triệu USD: Thuộc tam giác kinh tế trọng điểm, nam châm hút đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Bắc Ninh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, Bắc Ninh là một trong những địa phương hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài (FDI), đứng thứ 4 cả nước sau TP. HCM, Bình Dương và Quảng Ninh. Sang năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng Bắc Ninh vẫn có nhiều chỉ số khởi sắc.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn có 139 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 570,43 triệu USD, tăng gấp 2,8 lần về số dự án và tăng gấp 4,8 lần về vốn đăng ký mới so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, Tỉnh điều chỉnh vốn cho 74 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 325,38 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 22 lượt với giá trị 9,84 triệu USD.

Lũy kế đến nay, Bắc Ninh có 1.934 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là hơn 24 triệu USD.

Vốn FDI đăng ký mới 7 tháng đầu năm 2023 đạt 768,8 triệu USD, tăng gần 4,6 lần so với cùng kỳ. Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 7 tăng 10,7% so với cùng kỳ.

Tiềm năng

Nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô, Bắc Ninh có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và thuận lợi cho giao thương. Tỉnh này cũng có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa lý, tập trung đầu tư đồng bộ, bài bản cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh cải cách hành chính… Nền tảng này đã giúp tỉnh trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chủ yếu tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo (phần lớn là công nghiệp điện tử). Các sản phẩm chính là điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm khoảng 75% giá trị sản xuất).

Đơn cử khu công nghiệp và đô thị với tổng diện tích 700 ha, tổng vốn đầu tư 169 triệu USD (trong đó 200 ha khu đô thị và 500 ha KCN) hiện đang là nơi thu hút những nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Europe tới thuê đất, xây dựng nhà xưởng sản xuất như: Microsoft, Suntrory- PepsiCo, Foster, Mapletree…

Khu công nghiệp Yên Phong 2 có diện tích 300 ha, Khu công nghiệp (KCN), đô thị Thuận Thành II, … thu hút rất nhiều tên tuổi lớn như Tập đoàn Samsung, Intops, Hanwha Techwin...

Một tỉnh Việt Nam sắp có dự án 400 triệu USD: Thuộc tam giác kinh tế trọng điểm, nam châm hút đầu tư nước ngoài - Ảnh 3.

Cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh.

Về phương hướng thời gian tới, Bắc Ninh phấn đấu phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại trong giai đoạn 2020-2025. Định hướng đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại