Một tỉnh sát Hà Nội sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò đô thị vệ tinh của Thủ đô

Pha Lê |

Đến năm 2030, đây sẽ là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ.

Bắc Ninh sẽ thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 343/TB-VPCP ngày 22/8/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bắc Ninh phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa Kinh Bắc, tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Phấn đấu xây dựng Bắc Ninh đến năm 2030 là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bắc Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 9/2023, trong đó, cập nhật hợp phần điện, bao gồm mạng lưới điện và các nguồn điện (kể cả các nhà máy điện rác, điện mặt trời mái nhà, …) vào Quy hoạch tỉnh. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung tái cấu trúc nền kinh tế để phát triển nhanh, bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh/tăng trưởng xanh… không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao nhằm giảm tình trạng thâm dụng lao động trong các ngành sản xuất công nghiệp trọng điểm.

Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc các dự án công nghệ cao, sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động; không thu hút những dự án FDI sử dụng nhiều đất, thâm dụng nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Thúc đẩy phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Một tỉnh sát Hà Nội sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò đô thị vệ tinh của Thủ đô - Ảnh 1.

Đô thị Quế Võ

Khẩn trương chuyển giao Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Sở Y tế về trực thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập trường Đại học xứng tầm với thành phố Bắc Ninh trong tương lai.

Đẩy mạnh quảng bá về du lịch lễ hội; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch (lễ hội, làng nghề, ẩm thực…); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, du lịch nói riêng; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Dân ca Quan họ"; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Về việc nghiên cứu, bổ sung quỹ đất để xây dựng Khu phức hợp y tế tại tỉnh Bắc Ninh vào Quy hoạch tỉnh với quy mô khoảng 200 ha: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023.

Thế mạnh của vùng đất "địa linh nhân kiệt"

Bắc Ninh - trung tâm Kinh Bắc xưa, là vùng đất "mỹ tục khả phong", "địa linh nhân kiệt", giàu truyền thống lịch sử, khoa bảng, văn hiến và cách mạng; có nền văn hóa phong phú lâu đời của ngàn năm lịch sử.

Tỉnh Bắc Ninh có diện tích 822,7 km2, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Theo niên giám thống kê năm 2022, dân số Bắc Ninh là 1.488.250 người, trong đó nam giới chiếm 49,2 %, nữ giới 50,8%. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, bao gồm: Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và 4 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình và Lương Tài với 126 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 70 xã, 52 phường và 4 thị trấn.

Bắc Ninh là tỉnh có các đường giao thông lớn quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hoá của miền Bắc. Quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn; đường cao tốc Quốc lộ 18 nối sân bay Quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương - Hải Phòng; trục đường sắt xuyên Việt đi Lạng Sơn và Trung Quốc. Mạng lưới đường thuỷ sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình chảy ra biển Đông. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và giao lưu với bên ngoài.

Một tỉnh sát Hà Nội sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò đô thị vệ tinh của Thủ đô - Ảnh 2.

Chùa Dâu - Ảnh: bacninhtv

Tháng 7/2023, mặc dù rất khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đạt mức tăng rất cao (tăng 23,84%) so với tháng trước, trong đó ngành công nghiệp cấp 2 chủ lực - Ngành SXSP điện tử, máy vi tính và quang học đạt mức tăng cao nhất (tăng 28,69%) so với tháng trước và là tháng đầu tiên đạt được mức tăng dương (0,32%) so với cùng kỳ kỳ (6 tháng trước đó đều bị giảm).

Thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tháng 7/2023, tiếp tục tăng cao so với cùng tháng năm trước (tăng 20,8%).

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 2.637 (lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 1.425); trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 32,7%, số doanh nghiệp quay trở lại thị trường tăng 6,2%. Vốn FDI đăng ký mới đạt 768,8 triệu USD, tăng gần 4,6 lần so với cùng kỳ.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/7/2023, tăng 2,88% so với tháng trước. Giá tiêu dùng trên địa bàn trong tháng 7/2023 tiếp tục được kiểm soát, không có biến động lớn. Sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản, từng bước được cải thiện so với hồi đầu năm.

Vận tải hành khách và hàng hóa cũng là một điểm sáng của nền kinh tế, vận chuyển hành khách, tháng 7/2023 tăng rất nhiều (tăng 68,4%) so với cùng tháng năm trước, vận chuyển hàng hóa tăng 13,5%.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế giảm sâu, 6 tháng đầu năm 2023, GRDP giảm 12,59%. Chỉ số IIP 7 tháng đầu năm 2023 giảm 16,62%. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI cao. Vấn đề ô nhiễm môi trường còn nhiều bức xúc. Văn hóa tuy được gìn giữ, bảo tồn nhưng chưa trở thành động lực, nguồn lực cho phát triển. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; nhiều lĩnh vực còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại