Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố (thành phố Bắc Kạn) và 7 huyện (Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm) với 108 xã, phường, thị trấn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03/11/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bắc Kạn, quy mô 4.859,96 km2.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng với hệ thống không gian phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa.
Kinh tế phát triển theo hướng xanh và năng động với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định, bền vững; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Kạn có nền kinh tế năng động, kinh tế phát triển khá so với các địa phương trong cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đồ thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững; trở thành điểm đến về du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, là một trong những địa phương có môi trường đáng sống của cả nước.
Một góc Bắc Kạn. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bắc Kạn
Các đột phá để phát triển
Để thực hiện được mục tiêu trên, Bắc Kạn đưa ra các đột phá để phát triển. Cụ thể, tỉnh xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm; chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đưa thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, có vai trò động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác với hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Tỉnh; nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và kim loại màu.
Hồ Ba Bể.
Tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm đồng bộ, hiện đại với trọng tâm là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Ưu tiên triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại thành phố Bắc Kạn, các thị trấn, đô thị trên địa bàn Tỉnh; hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tăng cường đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất; nghiên cứu triển khai các chương trình khoa học công nghệ có hiệu quả ứng dụng cao trong thực tiễn để tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng của Tỉnh. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trên địa bàn Tỉnh.
Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động; chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ kỹ thuật cao.
3 hành lang kinh tế, 5 vùng kinh tế - xã hội và 4 cực tăng trưởng
Cùng với đó, Bắc Kạn xác định 3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế gắn với trục động lực bao gồm hành lang tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng và tuyến đường quốc lộ 3; Hành lang kinh tế gắn với tuyến Quốc lộ 3C và Hành lang kinh tế gắn với các trục Đông Tây, Quốc lộ 279, Quốc lộ 3B, trực đường Ba Bể - Thành phố Bắc Kạn.
5 vùng kinh tế - xã hội của Bắc Kạn gồm vùng trung tâm động lực, tiểu vùng phía Đông, tiểu vùng phía tâu, tiểu vùng phía Tây Bắc và tiểu vùng phía Bắc.
Theo quy hoạch, Bắc Kạn có 4 cực tăng trưởng. Đầu tiên là Thành phố Bắc Kạn là cực phát triển tổng hợp, đa dạng đóng vai trò là hạt nhân của vùng trung tâm và là đô thị hạt nhân của Tỉnh sẽ là động lực và là cầu nối giữa các trung tâm đô thị của các đơn vị hành chính trong Tỉnh giúp thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của toàn Tỉnh.
Huyện Chợ Mới là cực tăng trưởng về công nghiệp - đô thị phía Nam tỉnh Bắc Kạn; phát triển cụm đô thị thị trấn Đồng Tâm và đô thị Sáu Hai với vai trò là đô thị trung tâm của huyện Chợ Mới và là trọng điểm cửa ngõ của tỉnh Bắc Kạn, kết nối với tỉnh Thái Nguyên và vùng Thủ đô; phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên hành lang tuyến cao tốc và quốc lộ 3.
Huyện Ba Bể là cực tăng trưởng về du lịch với hạt nhân là hồ Ba Bể. Hình thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hiện đại, giàu bản sắc với các loại hình du lịch đa dạng, hấp dẫn, có chất lượng cao; phát triển kinh tế ban đêm cho phép đa dạng hóa hoạt động du lịch.
Cuối cùng, huyện Chợ Đồn là cực tăng trưởng về công nghiệp - đô thị - du lịch. Phát triển thị trấn Bằng Lũng có vai trò là trung tâm của huyện Chợ Đồn; phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, hình thành các cụm công nghiệp trên hành lang tuyến quốc lộ 3C và quốc lộ 3B; phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng với trọng tâm khu ATK.