Bổ nhiệm người thân
Sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2016 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2015, số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người).
"Song tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao 993.127 bản, số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm. Dư luận và báo chí phản ánh việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, thiếu trung thực", bà Nga nói.
"Đặc biệt, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân.
Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.
Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước", bà Nga nêu.
Từ thực tế đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.
Phân tích về tình trạng này, báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu: "Thiếu tiêu chí khoa học, khách quan để người đứng đầu đánh giá chính xác cán bộ, công chức.
Sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu.
Với quy định "biên chế suốt đời", "có vào không có ra", "có lên không có xuống" đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ.
Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng "dĩ hòa vi quý", "dễ mình dễ ta".
Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa tương xứng
Đáng chú ý, theo báo cáo thẩm tra, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.
Năm 2016 việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Cụ thể, năm 2016 có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự. Năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự.
Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình. Chỉ có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý trong khi có tới 159 vụ/402 bị cáo TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm.
Trong năm 2016, tổng số vụ án tham nhũng được phát hiện mới còn ít và giảm so với năm 2015. Cụ thể, cơ quan điều tra tiến hành khởi tố 128 vụ/272 bị can, giảm 39% về số vụ và 16,5 % số bị can; Viện kiểm sát truy tố 236 vụ/548 bị can, giảm 31% về số vụ và 27% số bị can;
Tòa án xử sơ thẩm 159 vụ/402 bị cáo, giảm 63,5% về số vụ và 28,6% số bị cáo.
Công tác thanh tra đã phát hiện vi phạm 92.723 tỉ đồng, 14.266 héc-ta đất, kiến nghị thu hồi cho nhà nước 19.316 tỉ đồng và 6.508 héc-ta đất (đã thu hồi 9.528 tỉ đồng, đạt gần 50% và 739 héc-ta đất, đạt 11,3%).
Qua công tác kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 20.432 tỉ đồng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước và trả lại cho công dân 51 tỉ đồng, 86 héc-ta đất.
Việc thu hồi, xử lý tài sản năm 2015 đạt 912,4 tỉ đồng (tỷ lệ 68,9%), việc thu hồi, xử lý tài sản năm 2016 được 3.155 tỉ đồng, đạt 75%; qua thực hiện kết luận kiểm toán năm 2014 với niên độ ngân sách 2013 về xử lý tài chính là 14.733 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản qua kết luận thanh tra và kiến nghị kiểm toán vẫn còn thấp; việc kiến nghị xử lý trách nhiệm qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu tập trung vào xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự.
Qua thanh tra đã ban hành 94.512 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 11,929 tỉ đồng, nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý 53 vụ/77 đối tượng có dấu hiệu tội phạm.
So với năm 2015, Thanh tra các cấp chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra giảm 12 vụ (giảm 18%) và tăng 27 đối tượng (tăng 44%).
Đáng lưu ý, thời hạn chuyển hồ sơ các vụ, việc tham nhũng có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra còn chậm, có những vụ sau hơn 1 năm kể từ khi phát hiện mới chuyển sang…
Công tác kiểm tra, tự kiểm tra để PCTN còn yếu nên hầu như rất ít phát hiện được tham nhũng; có trường hợp đã phát hiện được nhưng lại xử lý nhẹ hoặc xử lý nội bộ.
Đáng chú ý, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít, trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng.
"Vẫn còn một số vụ án tham nhũng xử lý kéo dài, hình phạt trong một số trường hợp có biểu hiệu chưa nghiêm; tỷ lệ cho hưởng án treo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các vụ án tham nhũng tại một số địa phương còn cao.
Đơn cử như Thanh Hóa xét xử 8 bị cáo về các tội danh tham nhũng, cho hưởng án treo 3 bị cáo, chiếm tỷ lệ 23,3%, 25% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Nghệ An xét xử 7 bị cáo phạm tội về tham nhũng thì cho 3 bị cáo được hưởng án treo, 100% số bị cáo được xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; Hà Nội xét xử 46 bị cáo phạm tội về tham nhũng, cho hưởng án treo 11 bị cáo", báo cáo nêu rõ.