"Một sở có 46 cán bộ mà 44 lãnh đạo thì ai là nhân viên?"

Hoàng Đan |

"Một Sở có 46 cán bộ mà lại bổ nhiệm đến 44 lãnh đạo thì ai là nhân viên?", đại biểu Đỗ Văn Sinh nêu rõ.

Xung quanh việc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 công chức nhưng có tới 44 lãnh đạo từ cấp phòng trở lên, bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên TT Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu tỉnh Quảng Trị nêu rõ:

"Một Sở có 44/46 cán bộ là lãnh đạo thì chắc là có vấn đề, đồng thời đây là sự cảnh báo với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị không thực hiện một cách nghiêm túc Chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về công tác cán bộ".

Trả lời tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua là đúng quy trình. Chúng ta có thể hiểu là đúng quy trình của pháp luật còn chất lượng đến đâu là do người đứng đầu, do cấp ủy. Ông nghĩ sao về điều này?

ĐB Đỗ Văn Sinh: Thực ra, tất cả các quy trình bổ nhiệm cán bộ có đủ hết, từng bước rất rõ ràng nhưng tôi cho rằng, cái quan trọng là vai trò của người đứng đầu đơn vị.

Anh biết là cần bao nhiêu cán bộ quản lý và thời điểm này cần bao nhiêu người, thời điểm khác cần bao nhiêu người, đồng thời, anh là thủ trưởng thì thừa biết là ai là người đủ năng lực.

Vai trò người đứng đầu rất quan trọng trong việc sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Với vấn đề 44/46 cán bộ ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đều là lãnh đạo thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

ĐB Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng, khi thành lập một tổ chức nào đó thì bao giờ cũng có chức năng, nhiệm vụ, được giao biên chế, cơ cấu tổ chức phải được một cấp thẩm quyền phê duyệt. Anh phải căn cứ vào đó để thực hiện.

Quốc hội sẽ giám sát tối cao

Chúng ta nên hoàn thiện các quy định pháp luật như thế nào để tăng cường vai trò giám sát, đặc biệt của Quốc hội trong việc bổ nhiệm cán bộ này?

ĐB Đỗ Văn Sinh: Tôi cho rằng, việc này, rất quan trọng, cần thiết nên Quốc hội khóa 14 đã có một chương trình giám sát tối cao về công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vào năm 2017 để chúng ta cùng với chính phủ đánh giá một cách toàn diện về tổ chức bộ máy, đặc biệt là hệ thống công chức, viên chức.

Bởi suy cho cùng, tất cả để phục vụ dân là từ hệ thống công quyền, nếu chúng ta không làm tốt thì ai phục vụ dân. Đây là trách nhiệm vì chúng ta ăn lương từ thuế của dân đóng góp.

Trong thời gian tới chúng ta phải làm rất cương quyết việc này.

Trong Luật cũng đã có quy định là người đứng đầu không được bổ nhiệm người thân vào các vị trí kế toán trưởng hay là các vị trí về tổ chức nhân sự nhưng thực tế vẫn diễn ra. Chúng ta cần làm gì để xử lý việc này?

ĐB Đỗ Văn Sinh: Việc quy định này là đúng và nếu là con ruột, vợ, anh em ruột của người đứng đầu thì không được vào các vị trí kế toán trưởng, tổ chức nhân sự. Nhưng nếu là người thân như cháu con ông anh, con bà bác, dì... thì rất phức tạp.

Ở đây, kẽ hở cần chấn chỉnh nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề xử lý, quản lý con người và cái đó là cực kỳ quan trọng. Thứ hai cần phải chuẩn hóa, đánh giá trên công việc còn tất cả chỉ chung chung thì không biết ai làm tốt, ai làm xấu.

Có một câu chuyện là chúng ta nêu trách nhiệm thuộc người đứng đầu đơn vị nhưng từ trước đến nay chưa một người đứng đầu nào bị xử lý cũng chưa có người đứng đầu nào xin lỗi về việc này.

Và chính Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã chia sẻ về việc "chạnh lòng" khi báo chí nói đúng quy trình. Ông nghĩ sao về điều này?

ĐB Đỗ Văn Sinh: Chính vì thế, tôi mới nói là Quốc hội, Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề này và sang 2017, Quốc hội sẽ có giám sát tối cao về hệ thống tổ chức bộ máy, công chức viên chức. Trên tinh thần đó, sẽ cùng Chính phủ bàn giải pháp tốt nhất để xử lý vấn đề này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại