Theo Science Alert, 6 mảnh thiên thạch nói trên thuộc về cùng một thiên thạch lớn hơn, có nguồn gốc là một đồng bằng núi lửa trên Mặt Trăng.
Đây là loại đá bazan có nguồn gốc từ magma bên trong Mặt Trăng, sau khi chảy ra và nguội đi nhanh chóng, sau đó được bao phủ bởi nhiều lớp bazan hơn bên ngoài, vì vậy giữ được thành phần nguyên thủy của vệ tinh Trái Đất .
Trái Đất nhìn từ Mặt Trăng - Ảnh: NASA
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà hóa học vũ trụ Patrizia Will, trước đây làm việc tại ETH Zurich - Thụy Sĩ, nay thuộc Đại học Washington ở St.Louis - Mỹ, đã xem xét loại đá này tại Phòng thí nghiệm Khí quý ETH Zurich.
Họ đã tìm thấy các hạt thủy tinh núi lửa nhỏ hơn đơn vị mm trong thiên thạch, thứ giữa lại các đồng vị của heli và neon một cách hoàn hảo, đóng vai trò những "viên nang thời gian". Chúng lưu giữ bằng chứng về gió Mặt Trời cổ đại. Vì đá bazan không được tiếp xúc với gió Mặt Trời, nên chúng phải đến từ nơi khác.
Phân tích sâu hơn cho thấy tỉ lệ đồng vị của neon rất giống với tỉ lệ đồng vị của neon trong các lớp phủ Trái Đất, tức lớp nằm dưới vỏ Trái Đất, chứa các vật chất có khả năng rất ít xáo trộn từ khi hành tinh được hình thành 4,5 tỉ năm trước.
Khám phá này cung cấp thêm bằng chứng về khả năng Mặt Trăng và Trái Đất có cùng một nguồn gốc, hay nói cách khác Mặt Trăng chính là Trái Đất bị vỡ ra, đi lang thang ngoài vũ trụ rồi bị lực hấp dẫn của hành tinh quy tụ lại thành một khối trên quỹ đạo.
Các yếu tố liên quan đến gió Mặt Trời cũng dẫn đường đến một thứ thú vị khác - hành tinh giả thuyết tên Theia.
Theia được lấy tên theo nữ thần Theia trong thần thoại Hy Lạp, mẹ của nam thần Helios (hiện thân của Mặt Trời), nữ thần là Selene (hiện thân của Mặt Trăng) và nữ thần Eos (thần Rạng Đông).
Từ lâu đã có giả thuyết rằng Theia, hành tinh thứ 9 bí ẩn của hệ Mặt Trời sơ khai, kích thước tương đương Sao Hỏa, đã đâm vào Trái Đất khi nó mới ra đời. Hai hành tinh hợp nhất và một phần của cả 2 đã vỡ ra, bay lên quỹ đạo rồi kết tụ thành Mặt Trăng.
Như vậy, nghiên cứu mới đã đưa ra bằng chứ ngoạn mục củng cố thêm cho giả thuyết trên.
Nguyên nhân khiến các nhà khoa học đi tìm câu trả lời chính là sự bất thường của Mặt Trăng. Hầu hết mặt trăng của các hành tinh khác hình thành từ việc lực hấp dẫn của hành tinh "bắt cóc" các khối đá lang thang trong không gian, ví dụ như cặp mặt trăng hình củ khoai tây của Sao Hỏa.
Chỉ có Trái Đất sở hữu một vệ tinh tự nhiên kỳ dị, kích thước tận 1/4 hành tinh, với nhiều sự đồng nhất khó giải thích. Vì vậy giới khoa học hành tinh ngày một tin rằng Mặt Trăng thật ra là một phần cơ thể cổ đại của Trái Đất.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.