Bản đồ một đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. Ảnh: CNBC
Các hãng hàng không Phần Lan than khó
Hãng tin RT (Nga) dẫn thông tin từ tờ Iltalehti (Phần Lan) cho hay, việc Nga đóng cửa không phận đã khiến nhiều hãng hàng không của quốc gia EU này gặp nhiều khó khăn và chịu thiệt hại lớn.
"Mỗi tháng, chúng tôi mất khoảng 1,5 triệu euro phí điều hướng do lệnh cấm bay [qua không phận Nga]", ông Matts-Anders Nyberg, Giám đốc cơ quan kiểm soát không lưu Hà Lan nói với Iltalehti.
Nga đã đóng cửa không phận vào cuối tháng 2 nhằm trả đũa một số nước châu Âu, bao gồm Phần Lan khi những nước này cấm máy bay Nga bay vào không phận của họ để đáp trả hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Theo ông Nyberg, do đó, số lượng các chuyến bay từ Phần Lan và qua Phần Lan đến châu Á và trở lại đã giảm dần kể từ cuối tháng 2. Trước đây, nhiều chuyến bay từ Amsterdam và Copenhagen đến châu Á bay qua không phận Phần Lan giúp nước này thu lợi từ phí điều hướng hàng không. Tuy nhiên, giờ đây, các chuyến bay này phải chuyển hướng bay qua Caucasus hoặc Bắc Cực.
Giờ bay cũng đã bị kéo dài hơn. Ví dụ, một chuyến bay đến Tokyo hiện mất 13 giờ thay vì 9 giờ như trước đây và Phần Lan không còn nhận được phí điều hướng hàng không đối với các chuyến bay đến Châu Á. Ngoài ra, theo ông Nyberg, Nga không còn trả phí cho các chuyến bay qua Vịnh Phần Lan đến Kaliningrad.
Hãng bay của Phần Lan than khổ vì lệnh cấm bay của Nga. Ảnh: Getty
Việc Nga đóng cửa không phận cũng gây thiệt hại cho Finnair, hãng hàng không lớn nhất của nước này, tờ Helsingin Sanomat đưa tin. Ngay cả tương lai của hãng cũng đang bị đe dọa. Bởi vì khoảng cách từ Helsinki tới các thành phố lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ngắn hơn gần hơn các thành phố châu Âu khác nên Finnair từ lâu đã dựa vào vị trí địa lý thuận lợi này để phục vụ cho các chuyến bay đến châu Á.
Tuy nhiên, hiện Finnair phải bay vòng quanh Nga, điều này làm giảm đi rất nhiều lợi thế so với các đối thủ, đặc biệt là các hãng hàng không Trung Quốc vẫn được phép bay qua không phận Nga. Với thời gian bay trung bình tăng 40%, hãng hàng không của Phần Lan phải tốn thêm chi phí nhiên liệu, nhân sự và điều hướng. Khoản lỗ hoạt động của Finnair trong nửa đầu năm 2022 đã lên tới con số kỷ lục 133 triệu euro (140 USD) và hãng buộc phải cắt giảm nhân sự số lượng lớn và bắt đầu cho các hãng hàng không khác thuê máy bay có phi hành đoàn để giảm lỗ.
Bị Nga cắt khí đốt, Phần Lan chuyển qua mua LNG
Vào cuối tháng trước 21/5, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt đến Phần Lan do nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp.
Mới đây, bà Olga Vaisanen, phát ngôn viên của công ty năng lượng quốc gia Phần Lan Gasum xác nhận, công ty có hai hợp đồng khác nhau để nhập khẩu khí đốt Nga. Một trong số đó yêu cầu cung cấp bằng đường ống qua cửa khẩu Imatra và hợp đồng còn lại là nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu chở dầu.
"Nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống đã ngừng", bà Vaisanen cho biết, việc mua LNG không phải chịu các lệnh trừng phạt hoặc yêu cầu về đồng rúp .
Bà này cho biết thêm, thỏa thuận về việc cung cấp LNG của Nga là dài hạn và Gasum sẽ tiếp tục mua.
Phần Lan cũng nhập khẩu khí đốt của Nga thông qua một đường ống kết nối với Estonia. Theo nhà điều hành Latvia Conexus, lượng hàng giao hàng ngày trung bình khoảng 3 triệu mét khối, tương ứng với khối lượng mà Phần Lan nhận trực tiếp từ Nga trước khi nguồn cung đường ống bị cắt.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phần Lan Annika Saarikko còn cho hay, nhằm thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga, nước này đã ký hợp đồng 10 năm với dự án tàu cảng nổi lưu trữ và tái tạo khí (FSRU) của Công ty Excelerate Energy có trụ sở tại Mỹ.
Các container tại Cảng Vuosaari ở Helsinki vào tháng 4/2022. Ảnh: Helsinki Times
"Tàu cảng LNG này sẽ giúp chúng tôi có thể thoát khỏi sự phục thuộc vào khí đốt của Nga", hãng tin Reuters dẫn lời bà Saarikko.
Như vậy, hiện Phần Lan có một số nguồn cung cấp khí đốt thay thế cho nguồn cung truyền thống từ Nga.
Giao thương Nga-Phần Lan ảm đạm
Theo hãng thông tấn Phần Lan STT, kim ngạch nhập khẩu của Phần Lan từ Nga đã giảm gần một nửa so với tháng trước.
Số liệu sơ bộ của Hải quan Phần Lan công bố ngày 7/6 cho thấy, kim ngạch nhập khẩu của Phần Lan từ Nga đã giảm từ gần 998 triệu euro xuống gần 528 triệu euro trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2022.
Tuy nhiên, so với năm trước, kim ngạch nhập khẩu tăng gần 3% do giá năng lượng cao bất thường.
Kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm dầu từ Nga của Phần Lan trong tháng 4 chỉ đạt 61 triệu euro, giảm gần 90 triệu euro so với tháng 3.
Kim ngạch nhập khẩu dầu thô đã giảm từ 145 triệu xuống 45 triệu euro, một con số thấp đáng kể so với mức 316 triệu euro hồi tháng 2.
Nhập khẩu điện và khí đốt tự nhiên cũng giảm đáng kể so với trước đó, lần lượt giảm xuống gần 60 triệu vào tháng 3 và 100 triệu euro vào tháng 2.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu điện và khí đốt tự nhiên cao hơn đáng kể 295% và 333%. Cả hai hoạt động nhập khẩu đã ngừng hoàn toàn vào tháng 5.
Khí đốt tự nhiên chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong cơ cấu năng lượng của Phần Lan. Tương tự, nhập khẩu điện có thể được thay thế khá dễ dàng bằng cách tăng sản xuất trong nước và nhập khẩu từ các nơi khác trên thế giới, theo Fingrid.
Ông Olli-Pekka Penttilä, người đứng đầu bộ thống kê của Hải quan Phần Lan, cho biết nhập khẩu của Nga nói chung đã giảm gần một nửa từ tháng 3 đến tháng 4. Nhập khẩu giảm hơn nữa vào tháng 5 - "Ví dụ, không có mặt hàng dầu thô được nhập khẩu từ Nga trong tháng 5", ông này nói.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Phần Lan sang Nga cũng giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống gần 145 triệu euro vào tháng 4.