Năm 1986, ông Phan Văn Trường được chọn làm Phó Chủ tịch Alsthom Power - công ty đa quốc gia của Pháp. Thời điểm đó, Alsthom Power có chi nhánh ở 60 nước với số nhân viên khoảng 25.000 người, trong đó có 5.000 kỹ sư, nhiều người trong số đó không chỉ kỳ cựu mà còn xuất thân quý tộc.
“Đặt lên trên những người đó là một anh chàng Việt Nam 39 tuổi, cao một thước sáu, mũi tẹt, da vàng không chung ngôn ngữ”, ông Trường nói và nhớ lại những thách thức mà ông gọi là “kinh khủng” khi đặt chân vào Alsthom Power.
Alsthom theo ông là đang rơi vào tình trạng trì trệ do tâm thế của một công ty lớn. “Họ không quan tâm lắm đến những đổi thay và cho rằng đợi đợt sóng cuối cùng rồi nhảy cũng không sao”, ông Trường chia sẻ và nhận xét: Không dễ để điều khiển các nhân viên, kỹ sư trong tập đoàn bởi sự ngạo mạn có sẵn trong từng người.
Trước ông, hai lãnh đạo cao cấp nhất của tập đoàn đã bị quét khỏi vị trí vì sự chống đối đến từ nghiệp đoàn – đại diện cho những người lao động công ty. Chính bản thân ông Trường không ít lần đã được nghe những câu hỏi kiểu đến bao lâu thì đến lượt ông bị “đá khỏi” Alsthom Power.
Việc bị “đá đít” khỏi tập đoàn có thể xảy ra nhanh hơn khi ông Trường được đặt vào một thế khó. Lúc bấy giờ trên thế giới có 2 siêu dự án điện, một ở Mexico và một ở biên giới Đức – Hà Lan, được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử điện thế giới, trị giá 5 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án tại Đức đã được công ty Siemens ký nháy hợp đồng.
“Cả nghiệp đoàn đang nhìn vào tôi. Hội đồng quản trị cũng sẵn sàng cắt chức tôi tương tự hai người trước. Ẩn ý của họ khi đưa một người Việt Nam lên khá rõ ràng, nếu phải chém một lần nữa thì cũng không mất nhiều người”, ông Phan Văn Trường cho biết.
Thay vì chờ bị “chém”, ông Trường nói rằng ông sẽ coi đó là lợi thế để hành động trước. Ông đã nghĩ đến cách dùng văn hoá Việt Nam để biến đổi công ty có 25.000 nhân sự của Pháp.
Sau nhiều ngày suy nghĩ trên phông nền văn hoá Việt, ông nhận ra rằng một người nếu cứng cỏi ở bên trong, hoà nhã ở bên ngoài sẽ rất khó bị người khác tấn công. Chuyển nghĩa, cứng ở bên trong tức là “chuyên nghiệp – professional”; hoà nhã, dịu dàng bên ngoài tức là “nice”.
“Tôi đã quyết định dùng hai chữ đó để áp đặt lên công ty”, ông Trường cho biết.
Trước hàng nghìn nhân viên, ông Trường tuyên bố mục đích số 1 là đưa Alsthom Power trở về vị trí hàng đầu. Và để làm được việc này, mọi nhân viên phải có làm việc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi người đều là thành viên của công ty, tức là làm việc cho công ty, nên không có lý do gì để bức xúc với nhau mà nên hoà nhã. Hai yêu cầu của ông nhận được sự tán đồng dù ông nhận xét có lẽ nhân viên không hề biết ẩn ý sau đó.
Có được cam kết, ông Trường giám sát chặt chẽ các nhân viên của mình theo hai yêu cầu này. Từ những công việc nhỏ như lưu trữ giấy tờ, báo cáo công việc,... đều được ông áp chuẩn phải chuyên nghiệp và nhắc nhở ngay khi làm sai.
Mặt khác, khi chứng kiến những lần to tiếng trong các cuộc họp, ông chỉ nhẹ nhàng bảo mâu thuẫn là quan trọng khi giải quyết vấn đề, nhưng cãi nhau thì không cần thiết bởi tất cả đều đang làm cho công ty, đấy là vấn đề chung chứ không phải là bức xúc cá nhân.
Ở thời gian đầu, sự chuyển biến rất chậm nhưng thông tin trong tập đoàn được truyền đi nhanh chóng. Sau vài tuần, công ty đã làm việc chuyên nghiệp hơn. Ở vai trò là lãnh đạo, bản thân ông Trường, dù tự nhận mình đôi khi diễn kịch, cũng luôn tỏ rõ thái độ chuyên nghiệp, cầu thị và làm việc không ngừng.
Cuối cùng, sau 9 tháng, Alsthom Power thực sự thay đổi. “Chúng tôi đã thắng dự án ở Mexico và lấy khỏi hàm răng Siemens dự án đã ký nháy. Alsthom Power đã ký được dự án điện lịch sử, hơn thế, 15 dự án khủng long sau đó chúng tôi cũng lấy được 100%”, ông Phan Văn Trường cho biết.
Theo ông, thực ra văn hoá ông áp dụng vào công ty thực ra rất đơn giản nhưng lại từng chút từng chút một mang lại lợi thế cho công ty trước những đối thủ tương đương.
“Giống như chơi tennis, chỉ cần chính xác một chút, cẩn thận một chút, nhanh một chút… bạn sẽ thắng”, ông Phan Văn Trường cho biết.