Năm 2022, theo thang điểm 30, ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) lấy điểm cao nhất với 29,25 xét tổ hợp C15 (Toán, Văn, Khoa học xã hội). Như vậy, trung bình điểm mỗi môn là 9,73 mới trúng tuyển, nghĩa là thí sinh phải đạt gần 10 điểm một môn. Ngành học này năm trước cũng có mức điểm trúng tuyển đứng đầu với 28,6 điểm.
Với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin, ngành Truyền thông đa phương tiện (Multimedia) ngày càng phát triển, kéo theo đó là nhu cầu nhân lực tăng cao. Đây là một trong những ngành phát triển mạnh trong thời đại công nghệ số hiện nay. Ngành học được nhiều bạn trẻ yêu thích do có tính sáng tạo cao, không bị gò bó thời gian và có thu nhập hấp dẫn.
TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN LÀ GÌ?
Nếu như trước đây, truyền thông chỉ được hiểu là những bài viết, những mẫu quảng cáo đơn giản được đăng trên báo giấy hay truyền hình thì ngày nay, thông điệp truyền thông được truyền tải ngày càng tinh tế, hiện đại và phong phú hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thông qua các phương tiện như: Văn bản, âm thanh, hình ảnh, video,… Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng, kiến thức của các cử nhân.
Ngành Truyền thông đa phương tiện là một ngành học hot, được nhiều bạn trẻ quan tâm. (Ảnh minh họa)
Sinh viên theo ngành Truyền thông đa phương tiện sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về mỹ thuật và công nghệ thông tin, kiến thức chuyên sâu cùng những kỹ năng thuần thục về báo chí, truyền thông và quảng cáo để có thể viết các ấn phẩm báo chí, biên tập nội dung, sáng tạo nội dung video, làm phong phú thông tin trên website bằng các hiệu ứng đồ họa hiện đại.
Ngoài những kiến thức và kỹ năng trên, các bạn còn cần trang bị thêm kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và khả năng thích nghi trong mọi tình huống để có thể gắn bó lâu dài với công việc.
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP NGÀNH TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN TỐT KHÔNG?
Trong thời đại công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp, tòa soạn báo, đài truyền hình, trung tâm sản xuất,… đều có nhu cầu truyền thông kỹ thuật số rất cao. Do đó, cơ hội nghề nghiệp của các sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện luôn rộng mở với nhiều vị trí khác nhau, đảm bảo mức lương hấp dẫn.
Một số vị trí công việc của ngành Truyền thông đa phương tiện gồm:
- Chuyên viên thiết kế các ấn phẩm truyền thông, thiết kế logo, hình ảnh,… cho các doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ.
- Nhân viên biên tập: Xây dựng nôi dung báo chí, ấn phẩm,… tại các cơ quan báo chí, nhà xuất bản.
- Nhân viên xử lý hình ảnh, âm thanh cho các đài truyền hình, hãng sản xuất phim, công ty âm nhạc.
- Nhân viên thiết kế, xây dựng giao diện, nội dung và chức năng cho website.
- Nhân viên thiết kế đồ họa, mô phỏng hình ảnh, không gian.
- Nhân viên quay phim, chụp ảnh, dựng phim tại các studio, đài truyền hình.
- Giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, giáo dục Đại học hoặc Trung cấp chuyên nghiệp có liên quan đến ngành.
Truyền thông đa phương tiện cũng là ngành có mức lương cao. Cụ thể như sau:
- Tổng thu nhập của sinh viên mới ra trường khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng.
- Tổng thu nhập người có 1 - 2 năm kinh nghiệm khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng.
- Đối với những người có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên, có gu thẩm mỹ và kỹ năng cao có tổng thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng hoặc có thể cao hơn đối với những người có năng lực vượt trội.
HỌC TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN Ở ĐÂU?
Những trường Đại học đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện gồm:
Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. HCM).
Đại học Hà Nội.
Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Đại học Thăng Long.
Đại học Quốc tế Hồng Bàng.