Mưa lớn chưa từng có
Từ ngày 22/5, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đón một đợt mưa lớn xối xả chưa từng có. Chỉ tính riêng từ 19h ngày 22/5 đến 19h ngày 23/5, nơi đây ghi nhận lượng mưa 464mm. Lật lại lịch sử, trận mưa lớn nhất trong tháng 5 ở khu vực này vào năm 2012 có cường độ 216,2mm.
Mưa lớn chưa từng có đã khiến nhiều nhà dân chìm trong nước, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Tại Tuyên Quang trong cùng khoảng thời gian trên cũng ghi nhận mưa 226mm, vượt qua kỷ lục được thiết lập năm 1994 là 204,7mm.
Mưa lớn khiến thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) ngập sâu. Người dân đánh bắt cá ngay trên đường phố
Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), miền Bắc và Bắc Trung bộ vừa trải qua những ngày đỉnh điểm mưa lớn do tác động của rãnh áp thấp và vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh. Mưa bao phủ một vùng rộng lớn khắp Bắc bộ và Bắc Trung bộ với nhiều kỷ lục được thiết lập so với cùng thời kỳ những năm trước. Cường độ mưa trong 3 ngày (từ 19h ngày 20/5-19h ngày 23/5), theo số liệu của Tổng cục Phòng chống Thiên tai, phổ biến từ 150-300mm. Ngập úng diện rộng đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc…
Thanh Hóa: Mưa lớn gây thiệt hại nhiều nơi
Mưa lớn những ngày qua cùng với lượng nước lớn từ các tỉnh thượng nguồn Tây Bắc và Lào đổ về theo các hệ thống sông suối đã gây ngập lụt với nhiều thiệt hại về hoa màu, nhà ở và công trình công cộng nhiều địa phương ở Thanh Hóa.
Ngày 24/5, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa phát đi 3 công điện để cảnh báo lũ mức báo động I trên sông Bưởi, sông Yên và sông cầu Chày.
Hoàng Lam
Dự báo từ hôm nay (25/5), mưa ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ giảm về cường độ. Riêng vùng núi và trung du Bắc bộ tiếp tục có mưa rào và dông đến hết tháng 5, thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm, cục bộ có mưa vừa đến mưa to. Trước khi bước vào đợt mưa lớn đang diễn ra, miền Bắc đón một đợt không khí lạnh có cường độ khá mạnh vào giữa tháng 5 khiến nền nhiệt giảm sâu, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-23 độ, vùng núi Bắc bộ dưới 19 độ. Đây là đợt lạnh hiếm gặp kể từ năm 2012 đến nay.
Theo ông Năng, so với những năm trước, tháng 5 năm nay, miền Bắc đón nhiều đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa rào và dông. Nền nhiệt những ngày qua ở miền Bắc cũng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ. Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều hình thái thời tiết dị thường đã xuất hiện trên cả nước như mưa lớn trái mùa ở Nam Trung bộ, mưa lũ ở nhiều nơi, trên Tây Bắc Thái Bình Dương xuất hiện 2 cơn bão sớm.
Theo ông Năng, tác động của biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tính bất thường và cường độ của cực đoan khí hậu. Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời tiết sẽ ngày càng dị thường, khó dự đoán, vượt xa mọi kinh nghiệm dân gian tích lũy qua hàng thế kỷ.
Đề phòng bão mạnh, trái quy luật, mưa lũ dồn dập
Theo ông Năng, trạng thái La Nina (nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương chuyển sang pha lạnh) sẽ duy trì từ nay cho đến mùa đông với xác suất 55-65%. Do sự chi phối của La Nina, thiên tai năm nay được dự báo sẽ phức tạp, khốc liệt, khó dự đoán hơn năm 2021.
Tại miền Bắc, mưa sẽ tăng hơn so với trung bình nhiều năm. Trong đó, đợt mưa rất lớn vừa qua chỉ là bắt đầu mùa mưa ở miền Bắc, dự báo trong tháng 6 và tháng 7 mưa sẽ gia tăng, cần hết sức đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng. Tại miền Trung, mùa mưa sẽ đến muộn nhưng dồn dập trong tháng 10 và tháng 11.
Theo các chuyên gia, những năm có La Nina, mưa bão thường xuất hiện dồn dập vào dịp gần cuối năm. Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta từ 4 - 6 cơn. Theo ông Năng, mùa bão năm nay có khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh, dị thường, trái quy luật. Riêng nắng nóng năm nay ở miền Bắc và Bắc Trung bộ đến muộn, ít gay gắt và kéo dài như mùa hè 2020 và 2021.