Đọc kỳ 1: Xâm nhập "chân rết" của Đức Quốc xã, phát hiện địa ngục căm hận của người Do Thái
"Đức Quốc xã sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai ngáng đường chúng, cách duy nhất để lật đổ chúng là thâm nhập từ bên trong." - Đó chính là cuộc cách mạng tư tưởng của công dân Đức Kurt Gerstein.
Từ một thanh niên xấc xược, hay trốn học, khi chứng kiến những bất công vô lý của trùm phát xít Adolf Hitler và Đức Quốc xã, người thanh niên ấy cảm thấy căm hận, tức giận và đã có những hành động bột phát nhằm chống lại chế độ độc tài của Hitler.
Tuy nhiên, sau hai lần bị quân Đức giam giữ, anh đã thay đổi. Trở thành vỏ bọc hoàn hảo là "công dân Đức đã hoàn lương", Kurt Gerstein lên kế hoạch thâm nhập vào bên trong lực lượng vũ trang của Hitler nhằm vạch trần tội ác man rợ của chúng trước thế giới.
Liệu kế hoạch của anh có thành công, mời độc giả theo dõi kỳ 2.
Kỳ 2: Xâm nhập "trại tử thần" Đức Quốc xã, khóc như đứa trẻ khi kể về tội ác diệt chủng
"Cứu với! Hãy cứu chúng tôi với!" - Từ bên trong "buồng tử thần" vọng lên những tiếng la hét vừa căm phẫn vừa tuyệt vọng. Họ là những người dân Do Thái vô tội bị Đức Quốc xã lùng sục khắp Ba Lan, bắt đến trại tập trung Belzec (thuộc phần lãnh thổ Ba Lan bị quân Đức chiếm đóng).
Sau khi thâm nhập Waffen-SS (Lực lượng vũ trang SS, một "chân rết" của Vệ binh SS Đức Quốc xã) thành công, Kurt Gerstein nhanh chóng chiếm được lòng tin của cấp trên, trở thành chuyên gia hàng đầu của Viện Vệ sinh (Berlin) - Nơi giới khoa học Đức thực hiện các thí nghiệm hóa học độc ác cho Văn phòng An ninh chính Reich.
Hai tháng sau khi nhận nhiệm vụ [Chở khí đặc biệt đến trại tập trung ở Ba Lan], Kurt Gerstein cùng đoàn xe chứa đầy thùng khí độc Zyklon B (khí độc gây cản trở hô hấp của tế bào) đến Belzec.
Lối vào nhà gà ở Belzec. Nguồn: Holocaustresearchproject
Tại đây, anh tận mắt chứng kiến sự tàn bạo mà "chân rết" của Hitler thực hiện trong chiến dịch gọi là "Cuộc khử trùng xã hội Đức" (bằng cách tiêu diệt hết người Do Thái) trong phòng hơi ngạt, còn gọi là "buồng tử thần".
Sau khi lùa những người Do Thái xuống xe, đám lính Đức dùng roi vọt chuyển họ tập trung tại một khu vực trước "buồng tử thần". Một tên lính béo phị, nom hiền lành trấn tĩnh: "Đừng lo, chỉ cần hít một hơi đầy phổi là xong!"
"Buồng tử thần" nhanh chóng chật cứng người. Tiếng la hét, khóc than kèm phẫn nộ của những người Do Thái vô tội càng khiến cho đám lính Đức hả hê.
Lorenz Hackenholt, Trung sĩ SS, đứng lên. Hắn ta chịu trách nhiệm mở van xả khí độc vào buồng hơi ngạt. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà van không mở được. Chỉ huy trại tập trung Christian Wirth (một trong những cánh tay đắc lực của Hitler) hét lên giận dữ.
Từng phút trôi qua chậm chạp khi ở bên ngoài, đám lính Đức loay hoay với cái van xả khí độc. Còn bên trong, hàng trăm người không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra với mình, họ chỉ biết than khóc, la hét. Rồi tiếng hét im bặt!
Đó là khi van xả khí độc đã mở. Hơn nửa giờ đồng hồ đã trôi qua. Trong buồng hơi ngạt chồng chất những thi thể không còn sinh khí, trên gương mặt hằn nguyên nỗi đau đớn đầy căm hận.
Christian Wirth hả hê. Y còn cho Kurt Gerstein xem "chiến lợi phẩm" cướp được từ tay những con người mà vào chục phút trước còn hô hấp khí trong lành.
Khi hắn nhón tay nhét hai đồng vàng vào túi, miệng nói với Kurt Gerstein: "Việc van xả khí gặp trục trặc hôm nay chưa từng xảy ra trước đây" rồi yêu cầu Kurt Gerstein giữ miệng.
Vì muốn có bằng chứng trong kế hoạch vạch trần tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã trước toàn thế giới, trên chuyến đi sang Ba Lan cùng đoàn xe chở những thùng khí độc Zyklon B, Kurt Gerstein lấy cớ kiểm tra và nói với đám lính Đức rằng, một thùng chứa bị rò rỉ, buôc phải chôn thùng khí độc đó dọc đường.
Kurt Gerstein có báo cáo lại sự việc này cho Christian Wirth. Đôi bàn tay anh khi đó nắm chặt!
01.
Địa ngục chìm sâu trong vũng bùn
tội ác
Trở về Đức một mình trên chuyến tàu đêm đến Berlin, Kurt Gerstein tình cờ gặp một nhà ngoại giao Thụy Điển là Nam tước Gotran von Otter.
Trong ánh sáng yếu ớt của đoàn tàu đêm, Kurt Gerstein khóc òa như một đứa trẻ khi mô tả lại những gì "mắt thấy tai nghe" tại địa ngục Belzec mà Đức Quốc xã gây ra cho những người Do Thái vô tội.
"Nếu ông tố cáo tội ác này của Đức Quốc xã với quân Đồng minh, họ sẽ thả hàng triệu tờ rơi phơi bày sự tàn ác của Hitler và phe cánh của hắn trên khắp nước Đức. Như thế người ta không còn bị tên trùm đó "ru ngủ" nữa, thậm chí còn nổi dậy để chống lại hắn.", Kurt Gerstein rút hết ruột gan nhờ cậy Nam tước Gotran von Otter.
Đồng cảm trước lòng dũng cảm và tình cảm của Kurt Gerstein, Nam tước Gotran von Otter đã báo cáo toàn bộ sự việc cho chính phủ Thủy Điển. Tuy nhiên, vì giữ thế trung lập và không muốn gây ảnh hưởng lên mối quan hệ với Hitler, chính phủ Thụy Điển đã chọn cách giữ im lặng!
Trở về Berlin, Kurt Gerstein thuật lại toàn bộ sự việc tại trại tập trung ở Ba Lan cho quân đoàn Thụy Sĩ đóng tại Berlin khi đó. Cũng giống như Thụy Điển, Thụy Sĩ cũng sợ phải đối kháng với Hitler, họ cũng giữ im lặng.
Cuối cùng, Kurt Gerstein tìm đến giáo hoàng địa phương. Nhưng anh không hay biết ông ta cũng đã thỏa hiệp với Văn phòng An ninh chính Reich thuộc Đức Quốc xã, chịu một phần trách nhiệm trong cuộc diệt chủng Holocaust.
"Hy vọng cuối cùng đã vụt tắt!" - Kurt Gerstein cay đắng nghĩ. Một mình anh quá cô độc và nhỏ bé trong cuộc "vào hang bắt cọp" này.
Trở lại nơi làm việc dưới vỏ bọc là một công dân Đức phục mệnh Hitler, Kurt Gerstein càng bị đẩy xa hơn vào nỗi kinh hoàng, như thể anh chính là một trong những nguồn cơn gây nên tội ác cho những người Do Thái vô tội.
"Mọi thứ từ khí độc đến hệ thống máy móc đều được chuẩn bị chu đáo. Tất cả sẵn sàng cho những "địa ngục" giăng sẵn cho người Do Thái vô tội. Những thứ ấy, chính mắt tôi chứng kiến. Một ngày nào đó, chính tôi sẽ làm nhân chứng!", Kurt Gerstein đem nỗi căn hận Đức Quốc xã giãy bày với bạn thân.
02.
Kurt Gerstein: Anh đã sống một
cuộc đời không lãng phí!
Năm 1945, Đức Quốc xã sụp đổ!
Kurt Gerstein nắm lấy cơ hội làm chứng vạch trần tội ác của bè lũ Hitler. Anh nhanh chóng từ bỏ chức vụ, lái xe về phía Tây và đầu hàng lực lượng Pháp.
Ban đầu, khi được xem là một công dân Đức chống Đức Quốc xã chân chính, Kurt Gerstein đã viết một bản báo cáo rất dài, tố cáo những tội ác mà quân Đức thực hiện trong các "trại tử thần".
Tuy nhiên, khi tình báo quân đội Pháp đưa anh đến Paris, họ cáo buộc anh là tội phạm chiến tranh và giam giữ để phục vụ điều tra.
Ngày 25/7/1945, Kurt Gerstein được phát hiện chết trong tư thế treo cổ ở phòng giam... Khi đó, anh 40 tuổi.
Cùng lúc đó ở Ba Lan, các nhà điều tra phải đối mặt với nỗi kinh hoàng đã xảy ra ở các "trại tử thần" Sobibor, Treblinka và Belzec, nơi ước tính 1,4 triệu người Do Thái ở châu Âu đã bị sát hại.
Tháng 8/1950, công bằng đã được lập lại với Kurt Gerstein.
Kurt Gerstein trong bộ đồng phục SS, ảnh chụp năm 1941. Nguồn: History Channel
Một tòa án chống phát xít ở Đức được mở để lấy lại danh tiếng cho Kurt Gerstein. Tòa án khôi phục danh dự cho Kurt Gerstein là một công dân Đức chống Đức Quốc xã chân chính.
Mặc dù việc chôn hủy một lượng nhỏ khí độc Zyklon B cũng không thể ngăn chặn "cỗ máy diệt chủng" của Hitler nhưng ít nhất cuộc đời của Kurt Gerstein đã không bị lãng phí khi ở giữa nước Đức khi đó, anh vẫn hiểu về lòng nhân đạo và dũng cảm một mình đương đầu với thế lực tàn bạo.
Và trên hết, Kurt Gerstein không phải khóc như một đứa trẻ oan ức cho chính cuộc đời của mình mãi về sau nữa!
Bài viết sử dụng nguồn: History Channel