Chính phủ vừa có báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Theo đó, Chính phủ đề xuất hàng loạt giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Trong đó Chính phủ nhấn mạnh đến nguyên tắc phân công quản lý nhà nước “một cơ quan làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.
Chính phủ cũng đưa ra cam kết: “Từ nay chấm dứt tình trạng quy định tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước”.
Quy định khung số lượng cấp phó
Đề cập đến nhóm giải pháp thể chế chính sách về tổ chức bộ máy, Chính phủ nói sẽ rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Chính phủ, Thủ tướng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, điều chỉnh, sắp xếp lại một số cơ quan nhà nước có nhiệm vụ giao thoa, trùng lắp về quản lý nhà nước, bảo đảm liên thông về phạm vi, đối tượng quản lý.
Quy định cụ thể khung số lượng đầu mối, biên chế, cấp phó và các tiêu chí thành lập tổ chức tổng cục, cục, vụ làm cơ sở để rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để giảm đầu mối, biên chế, lãnh đạo.
Tổ chức bộ máy của bộ, ngành |
Để triển khai cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình.
Trong đó, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm cấp trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng đúng các tiêu chí về thành lập vụ, cục, tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Nghiên cứu đề xuất thí điểm hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau: 3 văn phòng (đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh) thành 1 văn phòng; Thanh tra và Kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và Nội vụ thành 1 cơ quan; văn phòng các tổ chức đoàn thể, chính trị thành 1 đầu mối.
Chính phủ cũng yêu cầu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ hoặc tổ chức lại các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các Đảng ủy Khối: Doanh nghiệp TƯ; cơ quan TƯ và địa phương.
Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Chính phủ yêu cầu thực hiện chủ trương cải cách tổ chức tổ chức bộ máy như quy định khung số lượng cơ cấu tổ chức, biên chế, cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Tổ chức bộ máy cấp tỉnh, huyện |
Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện quyết định hợp nhất, thành lập hoặc không thành lập cơ quan chuyên môn thuộc cấp mình quản lý theo quy định.
Đề nghị xử lý các bộ, ngành, địa phương vượt biên chế
Để thực hiện những việc này, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì xây dựng luật sửa đổi các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các luật hiện hành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước (dự kiến trình Quốc hội năm 2018) và sửa đổi, bổ sung hàng loạt văn bản liên quan.
Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị có nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để các cơ quan trong hệ thống chính trị thống nhất tổ chức triển khai trong thời gian tới...
Chính phủ cũng đề nghị Ban chỉ đạo TƯ về quản lý biên chế chỉ đạo, kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện đúng các quy định về quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các Bộ, ngành, địa phương sử dụng vượt số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao.
Đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2016 qua rà soát chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ có 22 vấn đề gồm: 16 vấn đề chồng chéo, giao thoa, đan xen; 2 vấn đề còn bỏ trống; 4 vấn đề cần tăng tường phối hợp.
Cuối năm 2016 còn 21 vấn đề còn có sự giao thoa, còn có ý kiến khác nhau. Đến nay, còn 3 vấn đề có sự giao thoa và 9 vấn đề cần có sự phân công, phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành.