Nga đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm dưới nước đối với ngư lôi trang bị đầu đạn nhiệt hạch Poseidon.
Đây là một chiếc tàu lặn tự động dài hơn 24m, sử dụng năng lượng hạt nhân. Về cơ bản, nó giống như một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) dưới nước.
Poseidon được thiết kế để có thể di chuyển tự động qua quãng đường dài hàng nghìn km, phát nổ bên ngoài một thành phố biển của đối phương và phá hủy nó bằng cách tạo ra một cơn sóng thần cực mạnh.
“Tại khu vực biển đang được một đối thủ tiềm năng của Nga bảo vệ bằng phương tiện do thám, các cuộc thử nghiệm dưới nước đối với hệ thống đẩy hạt nhân của Poseidon đã được tiến hành” - Một quan chức quốc phòng giấu tên của Nga nói với hãng thông tấn TASS.
Theo TASS, Poseidon sẽ được trang bị đầu đạn 2-megaton, có thừa sức công phá để phá hủy một thành phố.
Ảnh đồ họa ngư lôi hạt nhân Poseidon.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Michael Peck trên tạp chí National Interest, điều này làm dấy lên câu hỏi:
Tại sao Nga lại lựa chọn tàu lặn không người lái để tấn công hạt nhân thành phố Mỹ (ngay cả nếu nó có thể di chuyển với tốc độ 160km/h), trong khi chỉ cần một quả ICBM cũng có thể làm được điều đó trong vòng 30 phút?
Nga ngụ ý rằng, Poseidon sẽ là vũ khí trả đũa Mỹ trong trường hợp Washington tấn công phủ đầu, ngay cả nếu các hệ thống phòng thủ của Mỹ có đủ khả năng chặn đứng hàng trăm ICBM của Nga.
Song, ông Peck cho rằng, ngay cả trong trường hợp Mỹ có thể đánh chặn tới 500 (hoặc nhiều hơn) tên lửa đạn đạo của Nga thì một hệ thống phải mất tới vài ngày, hoặc thậm chí vài tuần, để tiếp cận được mục tiêu cũng khó có thể trở thành phương tiện răn đe hiệu quả.
Điều gây tò mò hơn cả là thông tin Poseidon có thể được sử dụng để tấn công các tàu sân bay Mỹ. Không thể phủ nhận rằng, một phương tiện không người lái tốc độ cao, được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ khiến các hệ thống phòng thủ chống ngầm của Mỹ khó lòng ngăn chặn.
Trong Thông điệp liên bang hồi tháng 3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả phương tiện này “có thể di chuyển ở độ sâu lớn - tôi muốn nói là độ sâu cực lớn - xuyên lục địa, với tốc độ cao gấp nhiều lần tốc độ của tàu ngầm, các loại ngư lôi tiên tiến và tất cả các tàu mặt nước hiện nay, kể cả những loại nhanh nhất.
Điều đó thực sự tuyệt vời. Chúng êm ái, có khả năng cơ động cao và hầu như không có lỗ hổng nào để kẻ địch khai thác được. Đơn giản là, không có thứ gì trên thế giới có thể chống chọi lại chúng”.
Ông Putin nói thêm rằng, động cơ hạt nhân của Poseidon được thiết kế chuyên cho các tàu cỡ nhỏ, nó nhỏ hơn động cơ trên các tàu ngầm hiện đại tới một trăm lần nhưng vẫn rất mạnh mẽ, và có thể chuyển sang trạng thái chiến đấu với công suất tối đa, nhanh hơn 200 lần.
Song, theo chuyên gia Peck, ở đây lại làm dấy lên một câu hỏi “tại sao” khác. Nếu Nga thực sự đạt đến mức độ tiên tiến đó trong thiết kế lò phản ứng thì tại sao các tàu ngầm hạt nhân thông thường của họ lại không thần thánh đến vậy?
Câu hỏi khó hiểu ở đây là tại sao Nga lại cần tới một tàu ngầm robot không lồ để phát nổ đầu đạn hạt nhân gần tàu sân bay Mỹ, trong khi Poseidon có lẽ quá đắt đỏ để lãng phí nó.
Nếu mục tiêu là đánh chìm tàu sân bay Mỹ thì tại sao Nga không thể vô hiệu hóa hàng phòng thủ của tàu sân bay bằng một loạt các tên lửa siêu vượt âm trang bị đầu đạn thường như Khinzal?
Và cho dù có dùng tới hạt nhân thì Nga cũng không thiếu tên lửa, bom và các máy bay (có thể mang vũ khí hạt nhân) tấn công tàu chiến Mỹ.
Liệu Poseidon có phải là sự bổ sung đáng kể cho lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga hay không? Câu hỏi này vẫn còn ẩn chứa nhiều hoài nghi, cũng như khả năng Poseidon sẽ trở thành “sát thủ tàu sân bay” vậy.
*** Bài viết là quan điểm riêng của chuyên gia Michael Peck
Cận cảnh tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon