Một doanh nghiệp Việt kín tiếng trên sàn chứng khoán đang sở hữu mỏ Niken, cổ đông "mừng rơi nước mắt" khi giá Niken tăng điên rồ 111%

An Vũ |

Đà tăng của niken được cho là ngày càng trở nên điên rồ và không còn phản ánh bất kỳ nguyên tắc cơ bản nào. Giá niken ngày 8/3 vừa tăng phi mã, vượt qua mốc 100.000 USD/tấn trên Sàn giao dịch kim loại London (LME).

Trước đà tăng "điên rồ' của kim loại này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ở Việt Nam trữ lượng Niken là bao nhiêu? Doanh nghiệp nào trên sàn sở hữu mỏ Niken và được phép khai thác?

Giá niken đã có thời điểm tăng tới 111% chỉ sau 2 phiên, hiện giao dịch quanh ngưỡng 101.365 USD/tấn. Trong phiên giao dịch ngày 7/3, kim loại này cũng đã tăng kỷ lục 66% so với phiên trước đó. Tại sàn Thượng Hải (Trung Quốc), đã có lúc niken tăng tới 74% và được giao dịch ở mức 83.500 USD/tấn.

Trong bối cảnh thị trường hàng hoá trên sàn LME bị siết chặt nguồn cung, còn giới bán khống lại buộc phải mua vào tại thời điểm thanh khoản thấp, giá niken đã tăng chóng mặt thêm 72.000 USD/tấn chỉ sau vỏn vẹn 1 tuần.

"Đà tăng của kim loại này ngày càng trở nên điên rồ. Nó không còn phản ánh bất kỳ nguyên tắc cơ bản nào của ngành nữa", Jiang Hang, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Yonggang Resources cho biết.

Chưa bàn đến tác động do sự kiện giữa Nga và Ukraine thì Niken vốn vẫn là loại tài nguyên được các nhà chuyên môn dự báo tăng giá trong tương lai do nhu cầu sử dụng tăng.

Niken có tính chất đặc biệt nên hiếm khi được sử dụng ở dạng tinh khiết mà chủ yếu được sử dụng như một thành phần hợp kim: hợp kim chống ăn mòn, hợp kim từ, hợp kim chịu nhiệt, hợp kim có tính chất đặc biệt,...

Khoảng 70% lượng niken được dùng để sản xuất thép không gỉ, 17% được dùng để làm "siêu hợp kim" và 7% được dùng trong công nghiệp mạ, còn lại được ứng dụng trong các lĩnh vực khác, như: pin sạc, chất xúc tác và các hóa chất khác, đúc tiền, sản phẩm đúc và đồng bảng kim loại.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất thép không gỉ đang tăng trưởng, tiêu thụ niken dự kiến ​​sẽ tăng đều đặn trong giai đoạn sắp tới, từ 2,4 triệu tấn vào năm 2019 lên 2,8 triệu tấn vào năm 2025, dự kiến tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khoảng 2,2% một năm.

Tỷ lệ niken được sử dụng trong sản xuất pin hiện chiếm khoảng 4% tổng sản lượng niken thế giới. Tăng trưởng trong sản xuất pin phụ thuộc vào doanh số bán xe điện, vốn đã chậm lại vào năm 2019 với việc loại bỏ trợ cấp ở Trung Quốc, nhưng đã phục hồi vào cuối năm 2020.

Nhu cầu sử dụng rất lớn ở Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tiêu thụ kim loại này trong giai đoạn sắp tới. Trung Quốc hiện đang chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ niken của thế giới và dự báo ​​sẽ tiếp tục tăng do hoạt động sản xuất thép không gỉ và sản xuất pin ngày càng tăng.

Tại Indonesia, nước khai thác quặng niken lớn nhất thế giới, từ tháng 1/2020, Chính phủ đã quyết định khôi phục lệnh cấm xuất khẩu quặng niken, nhằm giữ lại nguồn quặng cho ngành công nghiệp chế biến niken trong nước.

Quặng niken hàm lượng cao đang ngày càng cạn kiệt, quặng niken xâm tán hàm lượng thấp đang trở thành nguồn thay thế quan trọng để sản xuất niken kim loại hay hợp kim có niken, vì vậy loại quặng có trữ lượng lớn này trở lên có giá trị kinh tế đáng kể.

Khoáng sản niken của nước ta không nhiều, tổng trữ lượng và tài nguyên ước khoảng 3,6 triệu tấn niken kim loại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Cao Bằng. Trong đó phần lớn tài nguyên niken ở dạng tồn tại xâm nhiễm trong quặng crôm vùng mỏ crômit Cổ Định (Thanh Hóa), hiện chưa có giải pháp thu hồi hiệu quả. Còn quặng niken ở khu vực Sơn La và Cao Bằng chủ yếu là loại hình quặng niken - đồng xâm tán.

Một doanh nghiệp Việt kín tiếng trên sàn chứng khoán đang sở hữu mỏ Niken, cổ đông mừng rơi nước mắt khi giá Niken tăng điên rồ 111% - Ảnh 1.

Trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng niken ở Việt Nam - ThS. Đào Công Vũ, ThS. Phạm Đức Phong, ThS. Trần Thị Hiến - Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim.

Trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, chỉ có Công ty cổ phần tập đoàn PC1 (tên cũ là Công ty cổ phần Xây lắp điện 1, doanh nghiệp mới chính thức đổi tên vào ngày 02/03/2022, tên viết tắt mới là PC1 Group thay cho PCC1, mã chứng khoán PC1 - sàn HOSE) sở hữu gián tiếp một mỏ Niken - Đồng qua công ty con.

Trong năm 2021, PC1 Group đã mua lại 57,27% cổ phần của Công ty cổ phần khoáng sản Tấn Phát và hợp nhất doanh nghiệp này trong BCTC cuối năm.

Công ty cổ phần Khoáng sản Tấn Phát là chủ sở hữu mỏ Niken - Đồng tại khu vực xã Quang Trung và xã Hà Trì, tỉnh Cao Bằng. Theo thống kê, tổng trữ lượng của mỏ này khoảng hơn 52.000 tấn kim loại Niken.

Ngày 03/07/2021, Công ty Cổ phần Khoáng sản Tấn Phát đã tổ chức buổi lễ khởi công công trình “Khai thác lộ thiên khoáng sản Niken – Đồng” thuộc hai xã Quang Trung & xã Hà Trì, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng". Theo BCTC của PC1 Group, dự án có tổng mức đầu tư 1.502 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành khai thác quý IV/2022. Nguồn vốn tài trợ dự án: 30% vốn tự có và 70% vốn vay thương mại.

Một doanh nghiệp Việt kín tiếng trên sàn chứng khoán đang sở hữu mỏ Niken, cổ đông mừng rơi nước mắt khi giá Niken tăng điên rồ 111% - Ảnh 2.

Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám Đốc PCC1 phát biểu tại Lễ khởi công dự án Khai thác lộ thiên khoáng sản Niken – Đồng tại Cao Bằng

Về mặt lý thuyết, triển vọng sau khi đi vào hoạt động dự án Khai thác lộ thiên khoáng sản Niken – Đồng tại Cao Bằng sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp trong thời buổi "đắt như Niken". Tuy nhiên trên thực tế, khai khoáng không phải là việc làm đơn giản và có tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã có những doanh nghiệp đầu tư dự án khai khoáng nhưng không hiệu quả, chưa kể việc triển khai tiến độ dự án bị chậm, kéo dài,...

Quay trở lại câu chuyện của PC1, năm 2016, Liên đoàn Địa chất Đông Bắc và thăm dò và báo cáo kết quả thi công Đề án “Thăm dò quặng nickel – đồng tại khu vực thuộc xã Quang Trung - Hà Trì, tỉnh Cao Bằng”. Các năm sau đó nhiều nhà nghiên cứu ở Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim vẫn tiếp tục khảo sát, thăm dò đánh giá địa chất khu mỏ này làm cơ sở khoa học để xem xét đầu tư khai thác mỏ và xây dựng cơ sở chế biến

Tháng 5/2020, trong bản báo cáo Đánh giá khả năng thu hồi niken từ mỏ Quang Trung - Hà Trì (tỉnh Cao Bằng) của nhóm thạc sĩ đến từ Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim có nêu ra một số vấn đề như "Do chưa có điều kiện nghiên cứu sâu hơn về loại hình quặng, các chế độ công nghệ, chế độ thuốc tuyển, ... nên mặc dù đã thu được sản phẩm tinh quặng niken có hàm lượng Ni và MgO đạt yêu cầu thương phẩm, nhưng hệ số thu hồi các khoáng vật có ích còn chưa cao, sản phẩm trung gian giàu MgO chưa được quan tâm xử lý. Do vậy, giai đoạn tới cần tiếp tục có các đầu tư, nghiên cứu để thu hồi thêm khoáng vật có ích từ sản phẩm trung gian giàu MgO; đồng thời cần nghiên cứu bổ sung biện pháp kiểm soát được hàm lượng MgO trong tinh quặng niken hợp lý mà vẫn đảm bảo thu hồi tinh quặng từ khu mỏ đạt hiệu quả tốt nhất."

Trước thông tin Niken tăng giá, nhiều nhà đầu tư rất vui mừng và kỳ vọng mỏ Niken mà PC1 đang sở hữu quyền khai thác sẽ là một "kênh hái ra tiền" của doanh nghiệp. Thiết nghĩ, từ "kỳ vọng" luôn để dành nói về tương lai, và chúng ta hãy theo dõi xem, "kỳ vọng" này bao lâu sẽ trở thành hiện thực?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại