Một khối vật chất nặng khổng lồ vừa được phát hiện bên dưới miệng núi lửa lớn nhất của Mặt Trăng, nhiều khả năng là tàn tích của một thiên thạc cổ đại hoặc một đại dương dung nham đã cô đặc.
Điểm dị thường mới phát hiện này có kích thước lớn gấp 5 lần đảo Big Island của Hawaii - theo Trợ lý Giáo sư ngành địa vật lý hành tinh Peter B. James của Đại học Baylor, Waco, Texas.
James cho biết nhóm của ông thực ra đã phát hiện thấy điểm dị thường này vài năm trước, nhưng chưa công bố ngay vì phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để đảm bảo kết quả chính xác.
Khối vật chất nói trên nằm sâu gần 200 dặm dưới bề mặt của lưu vực South Pole-Aitken (SPA), một trong những miệng núi lửa lớn nhất từng được biết đến trong hệ Mặt Trời.
Với bề ngang trải dài 1.500 dặm suốt phía xa của Mặt Trăng, tương đương với khoảng cách từ Bosto đến New Orleans - lưu vực SPA được ước tính đã hình thành từ khoảng 4 tỷ năm trước bởi một tảng thiên thạch rộng 100 dặm va chạm vào bề mặt Mặt Trăng lúc bấy giờ còn khá trẻ.
Vị trí điểm dị thường ở lưu vực SPA
James và các đồng nghiệp đã nghiên cứu lưu vực SPA bằng những bộ dữ liệu thu thập được từ hai sứ mệnh Mặt Trăng của NASA: Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) và Gravity Recovery and Interior Laboratory (GRAIL).
Tàu LRO đã bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng trong gần một thập kỷ và đã ánh xạ được địa hình bề mặt của nó với độ chi tiết chưa từng có trước đây.
Hai tàu thăm dò không gian GRAIL thì thực hiện những đo lường mở rộng về trường trọng lực và cấu trúc bên trong của Mặt Trăng trước khi bị rơi xuống bề mặt "Chị Hằng" vào năm 2012.
Bằng cách đặt chồng những hình ảnh quan trắc địa hình của LRO với những phát hiện về trọng lực của GRAIL, nhóm của James đã xác định được khối vật chất khổng lồ bên dưới miệng núi lửa, vốn chưa từng được đề cập đến trong các nghiên cứu trước đây.
Khối vật chất này có thể là một lõi giàu kim loại của một thiên thạch cổ đại đã góp phần tạo nên lưu vực SPA, hoặc có thể là tàn tích oxide cô đặc của một đại dương dung nham cực lớn từng tồn tại trên bề mặt Mặt Trăng.
Nhằm tìm hiểu xem liệu điểm dị thường kia là một lõi thiên thạch hay đại dương dung nham cổ đại, các nhà khoa học sẽ cần phải thực hiện nhiều giả lập tinh vi hơn nữa về địa hình miệng núi lửa Mặt Trăng và lớp phủ đối lưu.
Các tàu hạ cánh Mặt Trăng trong tương lai được trang bị các máy đo địa chấn có thể sẽ giúp trả lời cho câu hỏi này bằng cách thực hiện những đo đạc tỉ mỉ về trọng lực trên bề mặt Mặt Trăng.
Sứ mệnh Change-4 của Trung Quốc, hiện đang hoạt động tại lưu vực SPA, vẫn chỉ giới hạn trong việc quan sát bề mặt, nhưng ngay cả những dữ liệu đó cũng có thể mang lại những thông tin nhỏ hữu ích về những điểm dị thường dưới bề mặt Mặt Trăng.
"Change đang nghiên cứu các khối đá cũng được hình thành qua sự kiện lớn kia, do đó những hoạt động điều tra mà nó thực hiện đều là một phần của nỗ lực nhằm làm sáng tỏ những chi tiết về vụ va chạm thảm khốc này" - James nói.
Dù Mặt Trăng là vật thể ngoài hành tinh được con người khám phá nhiều nhất, phát hiện mới nhất này cho thấy chúng ta mới chỉ "cào sơ" bề mặt của những bí ẩn mà nó đang ẩn giấu mà thôi.
Tham khảo: Vice