Một dịch vụ tưởng chừng thiết yếu bỗng biến mất ở châu Âu khi hết tiền

Hữu Hiển |

Các công ty giao hàng đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong đại dịch COVID-19. Nhưng liệu họ có thể bắt kịp khi cuộc sống ổn định sau đại dịch hay khách hàng sẽ bỏ qua và quay lại cửa hàng để mua trực tiếp?

Theo Hãng thông tấn DW (Đức), nhu cầu về dịch vụ giao hàng bùng nổ trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 năm 2020, cho phép các công ty khởi nghiệp thu hút được các khoản đầu tư lớn để mở rộng hoạt động kinh doanh của họ.

Một dịch vụ tưởng chừng thiết yếu bỗng biến mất ở châu Âu khi hết tiền - Ảnh 1.

Công ty giao hàng nào sẽ còn tồn tại vào cuối năm 2023? Ảnh: Picture Alliance

Gorillas và Flink - hai ứng dụng giao hàng có trụ sở tại Berlin (Đức) - đều đã thành công trong việc trở thành startup kỳ lân vào năm 2021, nghĩa là họ đã đạt được mức định giá trên 1 tỷ USD.

Trong khi đó Getir - một đối thủ cạnh tranh có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ - đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang Đức, Pháp và Hà Lan. Getir cũng trở thành startup kỳ lân thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ và đạt mức định giá 12 tỷ euro.

Theo DW, lĩnh vực thương mại nhanh, hay còn gọi là Q-commerce, thường nhắm tới việc giao hàng trong vòng chưa đầy 1 tiếng. Nhưng lạm phát tăng cao trong suốt năm 2022 đã làm giảm nhu cầu giao hàng nhanh nói chung của khách hàng.

Có lẽ điều quan trọng hơn đối với những công ty khởi nghiệp này là các nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn với hàng triệu USD của họ. Khi quỹ đầu tư cạn kiệt và các công ty giao hàng nhanh gặp khó khăn trong việc chứng minh khả năng sinh lời, có vẻ như bong bóng giao hàng cuối cùng đã vỡ.

Một năm sáp nhập và giá trị sụt giảm

Trong 1 năm qua đã chứng kiến rất nhiều sự sáp nhập trong lĩnh vực giao hàng, với việc các doanh nghiệp rời khỏi thị trường hoặc bị mua lại nhanh chóng.

Tháng 5/2022, Gorillas đã sa thải gần một nửa số nhân viên tại trụ sở chính và rút khỏi Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Hà Lan. Vào thời điểm đó, người phát ngôn của Gorillas nói với DW rằng, công ty đang tập trung vào hoạt động kinh doanh có lãi sau giai đoạn tăng trưởng ban đầu.

Theo DW, thời điểm đó có thể đánh dấu cho sự kết thúc của việc bùng nổ thương mại nhanh. Trong cùng tháng đó, Getir cũng sa thải nhân công và Flink mua lại Cajoo - một đối thủ cạnh tranh của Pháp.

Vào cuối năm 2022, Getir đã hoàn tất thỏa thuận mua lại Gorillas, sáp nhập hiệu quả hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất châu Âu và tăng cường sự thống trị của Getir tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, các điều khoản của thỏa thuận cho thấy sự sụt giảm đáng kể về giá trị của cả hai công ty.

Sáp nhập bằng mọi giá?

Theo Financial Times, tại thời điểm mua lại, Gorillas được định giá 1,2 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với mức định giá 3,1 tỷ USD mà công ty nhận được sau vòng gây quỹ cuối cùng vào tháng 9/2021.

Chi phí cao để thu hút khách hàng mới kết hợp với lạm phát kỷ lục là một thách thức mà không nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giao hàng có thể chịu đựng nổi. Có vẻ như Gorillas đã đốt hết 1,3 tỷ USD tiền đầu tư khá nhanh chóng và sau đó tìm kiếm người mua lại trước khi sụp đổ hoàn toàn.

Và Getir đã đạt được thỏa thuận.

Được biết, các nhà đầu tư của Gorillas sẽ nhận được khoảng 40 triệu USD tiền mặt cộng với vốn chủ sở hữu trong hoạt động kinh doanh đang diễn ra của Getir. Kagan Sümer - Giám đốc điều hành và là người sáng lập Gorillas - dự kiến sẽ rời công ty với khoản tiền hàng triệu USD.

Gorillas đã không trả lời yêu cầu bình luận của DW.

Người phát ngôn của Getir cho biết, việc mua lại "nhấn mạnh cách Getir dẫn đầu việc hợp nhất trong lĩnh vực này".

Nazim Salur - người sáng lập Getir - cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản rằng: "Ngành giao hàng siêu nhanh sẽ phát triển ổn định trong nhiều năm tới và Getir sẽ dẫn đầu lĩnh vực mà nó đã tạo ra cách đây 7 năm."

Một dịch vụ tưởng chừng thiết yếu bỗng biến mất ở châu Âu khi hết tiền - Ảnh 2.

Getir sẽ sở hữu 70 kho giao hàng "cửa hàng tối" của Gorillas trải rộng khắp 23 thành phố sau khi mua lại. Ảnh: Getty Images

Tại sao lại mua một công ty đang thua lỗ?

Theo DW, việc mua lại Gorillas của Getir đã được các nhân viên và những người quen thuộc với doanh nghiệp này bàn tán vài tuần trước khi thương vụ được hoàn tất. Nhiều người thắc mắc tại sao Getir lại mạo hiểm mua lại một công ty có vẻ đang thua lỗ.

Có thể đối với Getir, bất động sản của Gorillas có giá trị hơn giá trị của chính công ty. Gorillas đã thành công trong việc mở rộng nhanh chóng khắp châu Âu cho đến năm 2021 và bằng cách đó, họ đã thiết lập được một mạng lưới kho giao hàng, đôi khi còn được gọi là "cửa hàng tối". Tính đến tháng 5/2023, công ty đã vận hành 70 nhà kho kiểu này ở 23 thành phố.

Bắt đầu từ năm 2020, các "cửa hàng tối" mọc lên ở mọi khu phố trung tâm của Berlin và khắp các thành phố lớn khác ở châu Âu.

Ngay lập tức, những cửa hàng này đã hứng chịu những lời phàn nàn từ người dân địa phương, những người khó chịu với tiếng ồn, lượng xe tải giao hàng gia tăng và các nhóm nhân viên lảng vảng xung quanh.

Để đáp lại những lời phàn nàn này, một số thành phố ở Hà Lan đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với việc mở thêm các "cửa hàng tối" mới.

Luật tương tự đã được đề xuất ở các thành phố khác ở châu Âu. Nhận thấy rằng việc mở các cửa hàng tối mới có thể sẽ trở nên khó khăn hơn trong tương lai, Getir có thể đã muốn giành lấy những thứ mà Gorillas đã thiết lập sẵn.

Điều kiện làm việc bấp bênh khó có thể cải thiện

Theo DW, việc sáp nhập trong lĩnh vực giao hàng chưa chắc có lợi cho những người giao hàng và nhân viên kho hàng - những người đã tuyên bố rằng các doanh nghiệp giao hàng nhanh cung cấp điều kiện làm việc không an toàn và bóc lột nhân công.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ việc mua lại Gorillas của Getir có ý nghĩa gì đối với nhân viên. Một cựu nhân viên giao hàng của Gorillas nói với DW rằng, nhiều đồng nghiệp của họ không cảm thấy an tâm với công việc hiện tại. Họ nói thêm rằng, trong những tuần trước khi mua lại, các nhà quản lý đang tìm mọi lý do để sa thải nhân viên.

Cựu nhân viên Gorillas này muốn giấu tên vì họ đang khởi kiện công ty vì chưa trả lương.

Một dịch vụ tưởng chừng thiết yếu bỗng biến mất ở châu Âu khi hết tiền - Ảnh 3.

Đội ngũ giao hàng từ lâu đã phàn nàn về mức lương và điều kiện làm việc kém. Ảnh: DW

Ai còn lại trên thị trường giao hàng nhanh vào năm 2023?

Theo DW, khi năm 2022 kết thúc, chỉ còn lại ba ông lớn trong lĩnh vực giao hàng nhanh ở châu Âu: Getir, Flink và Gopuff có trụ sở tại Mỹ. Tất cả trong số họ vẫn phải đối mặt với thách thức khi khách hàng đang ngày càng ưu tiên lựa chọn tiết kiệm hơn là tiện lợi.

Tuy nhiên, một số công ty khởi nghiệp nhỏ hơn đã tìm cách thu hút thêm các khoản đầu tư bất chấp triển vọng khá ảm đạm của thị trường.

Oda có trụ sở tại Na Uy đã thành công trong việc huy động được khoảng 151 triệu USD vào tháng 12/2022 để tiếp tục mở rộng hoạt động tại Na Uy, Đức và Phần Lan.

Circus có trụ sở tại Hamburg (Đức) đã huy động được thêm 11 triệu euro để tiếp tục phát triển hoạt động giao đồ ăn. Nhưng theo DW, ai sẽ còn lại trên thị trường giao hàng vào cuối năm 2023 thì vẫn chưa rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại