Tình hình thị trường chứng khoán tháng 6/2023
Trên thế giới, Fed tạm dừng 10 lần tăng lãi suất liên tiếp bằng cách giữ nguyên Fed Funds Rate ở mức 5% - 5,25% trong cuộc họp tháng 6 nhưng phát đi tín hiệu tăng lãi suất mục tiêu lên 5,6% vào cuối năm nếu nền kinh tế và lạm phát không tiếp tục chậm lại, trong khi các ngân hàng trung ương ở châu Âu tiếp tục tăng lãi suất chủ chốt để đưa lạm phát về mức mục tiêu.
Tại Việt Nam, Quốc hội khóa XV đã thông qua 8 Luật và 17 Nghị quyết có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế, kết hợp với việc NHNN cắt giảm lãi suất chủ chốt kéo theo lãi suất huy động giảm khá mạnh đã kích thích dòng tiền nhàn rỗi chảy vào thị trường chứng khoán.
Trong tháng 6, công ty Quản lý Quỹ UOB Malaysia (UOBAM Malaysia) đã ra mắt Quỹ United Vietnam Equities Fund (UVEF) giúp mang đến cơ hội nắm giữ cổ phiếu Việt Nam cho các nhà đầu tư Malaysia.
Tất cả những yếu tố trên đã có tác động mạnh đến thị trường chứng khoán trong nước. Thống kê trong tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tháng giao dịch sôi động với chỉ số VNIndex tăng 4,2% lên 1.120 điểm vào cuối tháng 6 sau khi đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 là 1.141 điểm. Cùng với đó, thanh khoản toàn thị trường cải thiện mạnh với giá trị giao dịch bình quân ngày tăng 38,5% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên VNIndex trong tháng 6 với giá trị ròng là 15,3 triệu USD làm đảo ngược giá trị ròng từ đầu năm thành bán ròng 12,7 triệu USD. Khối này bán ra nhiều nhất ở ngành F&B và Ngân hàng.
Philippines là thị trường chứng khoán duy nhất trong ASEAN nhận được lượng mua ròng của khối ngoại trong khi bốn thị trường khác bao gồm cả Việt Nam chứng kiến dòng vốn rút ròng trong tháng 6. Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng chứng khoán Ấn Độ trước kỳ vọng triển vọng kinh tế được cải thiện và chứng khoán Nhật Bản với kỳ vọng nỗ lực cải cách về quy chế quản trị công ty và chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Những cái tên hot
Theo số liệu từ Công ty chứng khoán ACB (ACBS), cổ phiếu Hòa Phát (HPG) được khối ngoại mua ròng không ngừng trong 11 tháng gần đây và đóng góp lớn nhất vào VNIndex trong tháng 6. Sau 1 tháng tăng mạnh và bứt khỏi kháng cự 21.x đồng, cổ phiếu Hòa Phát tăng 23,3% và trở lại vùng giá cũ cuối tháng 5/2022.
Tiếp theo là các mã ngân hàng như Vietcombank - VCB (tăng 6,4%), MBBank - MBB tăng 11,3%), Techcombank - TCB (tăng 8%) và Vinamilk - VNM ( tăng 7,4%). Mới đây, VNM công ty đã chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu mới lần đầu tiên sau 47 năm đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ cho chặng đường phát triển tiếp theo.
Eximbank - EIB (tăng 4,7%) được thêm vào MVIS Vietnam Local Index, chỉ số tham chiếu mới của Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), trong kỳ review gần nhất, nâng số cổ phiếu Việt Nam trong rổ này lên 42 mã.
Trên thị trường bảo hiểm, hãng bảo hiểm phi nhân thọ Hàn Quốc DB Insurance Co., Ltd (DBI) đã mua lại 75% cổ phần của Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), đơn vị chiếm thị phần lớn thứ 9 về bảo hiểm tài sản và thương vong tại Việt Nam (P&C). Trước đó, DBI đã mua lại 75% cổ phần của CTCP Bảo hiểm Hàng không Quốc gia (UPCoM: AIC) vào tháng 2/2023.
Dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường ước đạt 118 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/2023, tăng nhẹ 3% so với cuối quý trước và thấp hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở giao dịch TPHCM đã tăng số lượng cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ lên 87 cổ phiếu tại thời điểm 12/4/2023 từ 62 cổ phiếu trong quý 4/2022, con số này tại HNX giảm từ 84 cổ phiếu trong quý 4/2022 xuống còn 77 cổ phiếu. Tỷ lệ dư nợ margin so với vốn hóa thị trường freefloat giảm nhẹ xuống 6,8%.
Lĩnh vực môi giới chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng với tốc độ cao. Lĩnh vực môi giới chứng khoán mặc dù có nhiều dư địa tăng trưởng nhưng đồng thời có mức độ cạnh tranh rất cao. Tại Việt Nam có rất nhiều công ty chứng khoán trong khi sản phẩm ít có sự khác biệt.
Số lượng tài khoản mở mới trong năm 2022 đạt 2,6 triệu tài khoản, gấp gần 2 lần năm 2021. Số tài khoản giao dịch mở mới trong tháng 6 tăng mạnh với hơn 146 nghìn tài khoản (tăng 39% so với cùng kỳ tháng trước). Tính chung, toàn thị trường tính đến ngày 30/06/2023 có gần 7,3 triệu tài khoản, tương đương khoảng 7,3% dân số Việt Nam.
Lượng tài khoản mở mới tăng mạnh trong hai tháng gần đây. Trong thời gian tới, kỳ vọng rằng sẽ có dòng tiền nhàn rỗi mới chuyển sang thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất huy động giảm và thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm.