Nhiều thập kỷ trước khi chúng ta biết loài chim có thể cảm nhận được từ trường Trái đất, Albert Einstein đã lờ mờ dự đoán được điều đó. Trong một bức thư gửi người hâm mộ vào năm 1949, ông nói rằng các loài động vật có thể sở hữu những siêu giác quan mà con người chưa khám phá ra.
Bức thư được viết cho Glyn Davys một kỹ sư đã qua đời vào năm 2011 trước khi nó được phát hiện trong tủ đồ của ông. Vậy nên, chúng ta sẽ vĩnh viễn không biết chính xác Davys đã hỏi Einstein điều gì. Nhưng câu trả lời của nhà vật lý thiên tài phần nào tiết lộ nội dung của cuộc trao đổi:
"Chúng ta có thể nghĩ một cách hợp lý rằng việc nghiên cứu hành vi của các loài chim di cư và bồ câu đưa thư, một ngày nào đó, có thể dẫn đến những hiểu biết về một số quá trình vật lý chưa từng được biết đến".
Lật lại lịch sử, thập niên 1940 là khoảng thời gian mà vật lý và sinh học đang hợp nhất vào một dòng chảy chung của khoa học. Bức thư mới được phát hiện cho thấy Einstein rõ ràng là đang rất hứng thú với chủ đề này.
Và có thể chính suy nghĩ về các siêu giác quan của các loài động vật đã cho ông hình dung về các lực vật lý vô hình mà mắt người không thể quan sát được.
Bức thư của Einstein được gia đình kỹ sư Glyn Davys tìm thấy và tặng lại cho Đại học Hebrew ở Jerusalem, Israel sau khi ông ấy mấy. Đại diện nhà trường cho biết:
"Thật đáng ngạc nhiên khi từ năm 1949, Einstein đã có thể dự đoán được điều này. Đó là hàng thập kỷ trước khi chúng ta có các bằng chứng thực nghiệm tiết lộ một số loài động vật thực sự có thể nhận biết từ trường và sử dụng thông tin đó để điều hướng".
Đó là linh cảm tuyệt vời của một nhà vật lý, hơn 70 năm sau, bây giờ chúng ta biết nhiều loài chim có thể cảm nhận được từ trường của Trái Đất bằng cách sử dụng các cơ quan cảm quang đặc biệt trong mắt của chúng.
Những con chim này rất nhạy cảm với sự thay đổi tinh vi trong từ trường. Đó là lý do tại sao chúng có thể bay trên quãng đường di cư dài hàng nghìn km mà không bị lạc.
Các loài động vật khác, như rùa biển, chó và ong, cũng sở hữu các siêu giác quan trong việc cảm nhận từ trường Trái Đất, mặc dù chúng không nhất thiết tích hợp nó vào thị giác của mình.
Trở lại với bức thư năm 1949, Einstein đã có một vài manh mối cho suy nghĩ của mình. Đó là giai đoạn mà khoa học sinh học và khoa học vật lý bắt đầu hợp nhất với nhau hơn bao giờ hết. Các nhà động vật học đã biết dơi có thể sử dụng sóng siêu âm để xác định vật cản. Và từ đó, các nhà vật lý cũng bắt đầu học tập chúng để phát triển công nghệ radar.
Trên thực tế, bản thân Davys cũng từng là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này. Đó có lẽ là lý do tại sao ông ấy quan tâm đến các giác quan kỳ lạ khác của động vật, như cảm giác của ong. Einstein tỏ ra khá hứng thú với câu hỏi của ông ấy. Và có vẻ như nhà vật lý nổi tiếng cũng đã bị cuốn hút bởi khoa học sinh học như một cánh cửa sổ để nhìn vào các lực vật lý vô hình.
Albert Einstein và Karl von Frisch
Trong bức thư gửi Davys, Einstein thừa nhận ông rất quen với Karl von Frisch, nhà sinh học đã phát hiện ra loài ong sử dụng mô hình phân cực của ánh sáng để di chuyển và điều hướng trong không gian.
Einstein đã dự thính một trong những bài giảng của von Frisch tại Đại học Princeton 6 tháng trước khi bức thư được gửi đi. Ông ấy thậm chí đã có một cuộc gặp gỡ riêng với von Frisch, và những lần hội ngộ này rõ ràng đã để lại nhiều ấn tượng.
Qua bức thư trả lời Davys, chúng ta biết người hỏi đã quan tâm đến việc những kiến thức sinh học mới có thể được ứng dụng thế nào vào vật lý để tạo ra các công nghệ tương lai. Einstein cho rằng con người luôn cần tìm hiểu thêm về các quá trình sinh học và nếu có một thứ gì đó có ứng dụng gần nhất, nó sẽ liên quan đến loài ong.
"Tôi chưa thấy tính ứng dụng của những kết quả đó trong nghiên cứu vật lý cơ bản. Nhưng nếu điều đó xảy ra, nếu một loại giác quan mới được phát hiện, tương ứng với các kích thích của chúng, thì chúng ta sẽ biết điều đó thông qua hành vi của loài ong".
Quả thực, kể từ khi bức thư hồi đáp của Einstein được gửi đi, chúng ta đã học được rất nhiều điều từ loài ong và cách những con côn trùng tò mò này nhìn nhận thế giới. Đúng như Einstein dự đoán, kiến thức đó đã giúp chúng ta cải tiến rất nhiều công nghệ, chẳng hạn như cảm biến camera có thể cho ra các bức ảnh chân thực hơn nhờ nghiên cứu thị giác của loài ong.
Tuy nhiên, bất chấp nhiều thập kỷ nghiên cứu, sinh học vẫn luôn còn ẩn chứa rất nhiều bí ẩn. Các cơ chế chính xác mà các loài động vật cảm nhận ánh sáng hoặc cảm nhận từ trường Trái Đất vẫn chưa được thống nhất và nó có thể không giống nhau đối với mọi loài.
Ví dụ, ong dường như cảm nhận được từ trường bằng bụng của chúng, trong khi các loài chim và chó dường như làm như vậy chủ yếu thông qua các cơ quan cảm thụ ánh sáng đặc biệt trong mắt được gọi là cryptochromes.
Ngay cả tế bào của con người cũng tạo ra cryptochromes, và nghiên cứu gần đây cho thấy những tế bào này phản ứng linh hoạt với những thay đổi trong từ trường.
Nhưng cũng thật mỉa mai bởi để một tế bào cảm thụ quang có thể cảm nhận được từ trường, nó sẽ yêu cầu các electron bên trong tế bào vướng víu lượng tử nhau, và Einstein vào thời điểm đó đã bác bỏ ý tưởng này, gọi nó là "hành động ma quái ở khoảng cách xa".
Rõ ràng, Einstein không phải lúc nào cũng đúng, nhưng bức thư mới được công bố cho thấy ngay cả khi nói đến các lĩnh vực khoa học bên ngoài chuyên môn của mình, ông vẫn thể hiện được mình là một người có bộ não siêu việt.
Các tiết lộ mới về bức thư thất lạc của Einstein được công bố trên Tạp chí Journal of Comparative Physiology A .
Tham khảo Sciencealert