Một ấp nhỏ lập kỷ lục 8 cặp vợ chồng cùng sống qua tuổi 90

Nguyễn Khoát |

Trong gia đình cha mẹ và con cái đều trong hội người cao tuổi. Kỳ lạ hơn, Nhơn An cũng có nhiều cặp sống đến bách niên giai lão nhất. Đó là chưa kể tới trường hợp, có cụ ở tuổi gần đất xa trời vẫn... đi tìm vợ.

Chị Nguyễn Thị Hường, cán bộ văn hóa xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới (An Giang) khoe: “Xã Nhơn Mỹ là xã trường thọ nhất trong các tỉnh miền Tây. Trong xã, có ấp Nhơn An nhiều người sống qua ngưỡng bách niên”.

Cũng theo chị Hường, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe các cụ vẫn rất dẻo dai. Có người vẫn là lao động chính, đi làm công lương 500 nghìn đồng/ngày. Trong gia đình cha mẹ và con cái đều trong hội người cao tuổi.

Kỳ lạ hơn, Nhơn An cũng có nhiều cặp sống đến bách niên giai lão nhất. Đó là chưa kể tới trường hợp, có cụ ở tuổi gần đất xa trời vẫn... đi tìm vợ.

Cụ ông U70 vẫn là “Lao động tiên tiến”

Nhơn An nằm trong cù lao Ông Chưởng, quanh năm được bao bọc bởi dòng sông Hậu, đỏ nặng phù sa. Từ phà Sơn Đốc, nhìn về xã Nhơn An hoàn toàn không thấy bóng cây xanh.

Nhơn An chạy dọc theo chiều dài bờ sông Hậu, nơi đây còn giữ được khá nhiều ngôi nhà cổ, kiến trúc độc đáo. Đi quanh làng một vòng, điều mà chúng tôi nhận thấy, rất ít bóng thanh niên, chỉ toàn là người già, trẻ nhỏ.

Vài ba cụ tóc bạc trắng, răng rụng mồm móm mén nhưng da thịt vẫn hồng hào, ngồi uống trà nói chuyện, đánh cờ. Cách đó mấy căn nhà, lại có cụ ông đang làm nghề cắt tóc, cụ bà đang cuốc vườn, làm cỏ.

“Thanh niên đi làm ăn xa hết, giờ ở nhà toàn các cụ”, ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ấp cho biết. Cũng theo ông Sơn, nếu tính người trên 60 tuổi thì bậc cao niên trong ấp chiếm gần một nửa dân số xã.

Theo ông Sơn, khoảng ba thế hệ trở lại đây, người dân ấp Nhơn An đã sống thọ. Mọi người sống trẻ và có sức khỏe đặc biệt. Những cái chết trẻ ở ấp Nhơn An, hầu hết là bệnh họa, tai nạn lao động, giao thông.

“Thanh niên đi làm ăn xa, xứ này thiếu lao động trầm trọng. Nhiều cụ ông, cụ bà 70 đến 80 tuổi vẫn là thành phần lao động chính của ấp.

Với người dân ấp Nhơn An, tuổi ấy vẫn chưa phải là già, đi làm công, sức vóc thanh niên có khi còn theo không kịp”, ông Sơn cho biết. Điều ông Trưởng ấp chia sẻ, hoàn toàn là sự thật.

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh cụ nhiều cụ ông, cụ bà đi làm gạch thuê cho các lò. Dù đã ở tuổi 76, ông Huỳnh Văn Tiến vẫn đẩy xe cút kít chạy băng băng.

Trong khi đó, cụ ông Phạm Văn Lương (75 tuổi) đang giữ danh hiệu “Lao động tiên tiến” của lò. Trong vài lò gạch chúng tôi đến thăm, lao động chính hầu hết đều những người ở độ tuổi lên lão.

Theo ông Lương, người dân cù lao ít đất, nghề chính là đánh cá, làm gạch xây dựng. Hầu hết đều là những công việc nặng nhọc nhưng việc gì cũng đến tay các cụ. “Người trẻ học hành đi ra ngoài kiếm việc nhàn hạ.

Do vậy, lao động ở quê thành phần chính là những người có tuổi”, ông Lương cho biết. Với những người già nơi đây, lao động làm việc là ý nghĩa để sống mỗi ngày.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ là lương lao động của các cụ ở đây cao ngất ngưởng. Như ông Lương và ông Tiến, trung bình mỗi ngày thu nhập khoảng 500 nghìn đồng.

Còn mấy cụ đi phun thuốc trừ sâu, lương có thể lên đến cả triệu bạc mỗi ngày. Đặc biệt hơn, trong gia đình, ông Lương và ông Tiến đều chưa phải là già nhất.

Mẹ của hai ông đều bước qua ngưỡng bách niên. Con cái của hai ông cũng ở tuổi ngoài 50, đều là công nhân khu lò gạch.

Bí quyết sống trường thọ là… nghèo

Một ấp nhỏ lập kỷ lục 8 cặp vợ chồng cùng sống qua tuổi 90 - Ảnh 1.

Nhìn ông Miện ít ai nghĩ ông đã gần 75 tuổi

Ông Nguyễn Văn Thứng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhơn Mỹ, khoe: “Vùng đất Nhơn An này có rất nhiều cụ đại thọ. Hiện tại có ba cụ bà trên 100 tuổi, đó là cụ Lê Thị Nhộng và cụ Mạc Thị Trình, cụ Lê Thị Kiềm.

Trong đó, cụ Nhộng cao tuổi nhất, 112 tuổi”. Cũng theo ông Thứng thì cách đây vài năm, Nhơn An từng có nhiều đại lão như cụ Đoàn Văn Chấn, cụ Nguyễn Thị An, cụ Nguyễn Thị Thanh… Những cụ này đều sống tới xấp xỉ 117 tuổi.

“Có gia đình cha mẹ, con cái đều sinh hoạt trong Hội người cao tuổi. Ngày cụ Chấn còn sống, các con cụ cũng đã ngoài 80. Cụ Thanh, cụ An cũng vậy cả”, ông Thứng cho biết.

Chúng tôi đến viếng cụ Chấn. Lúc đó, con trai cụ là ông Tiển đang đốn hạ cây sau nhà. Nay đã 90 tuổi, ông Tiển vẫn khỏe mạnh, tinh nhanh, như chưa hề dấu hiệu sức khỏe xuống dốc.

Cũng tại ấp cù lao này, có 8 cặp vợ chồng cùng sống qua tuổi 90. Như vợ chồng cụ Đặng Văn Kỉnh, cụ Đoàn Văn Tuyến, cụ Phan Văn Hậu, cụ Đặng Văn Hậu, cụ Dương Văn Đồng…

Về cù lao, chúng tôi còn nghe được chuyện cụ ông ngoài 70 tuổi cưới vợ. Ngay cả ông Nguyễn Văn Luyên (75 tuổi) còn hóm hỉnh khi tiết lộ với chúng tôi rằng, dù đã có tuổi nhưng chuyện chăn gối giữa vợ chồng mình vẫn rất đều đặn.

Với người dân Nhơn An, đó là chuyện thường tình ở ấp. Tuổi đó, họ chưa coi là... già.

Số liệu mới nhất mà chị Hường thống kê, xã Nhơn Mỹ có 477 cụ, trong độ tuổi 80 trở lên. Trong đó, riêng ấp Nhơn An có tới 83 cụ (từ độ tuổi 90 – 100 có 13 cụ; 3 cụ trên 100 tuổi), cụ cao tuổi nhất là 112 tuổi.

So với thời điểm trước, con số này còn khiêm tốn, bởi Nhơn An từng có hơn 10 cụ ở tuổi đại lão, nhiều người sống tới 117 tuổi. Khi nghe những thông tin này chúng tôi rất bất ngờ, và không khỏi tò mò.

Dù vẫn biết theo quy luật tự nhiên, khi chất lượng cuộc sống tốt hơn, thì tuổi thọ con người cũng tăng lên. Nếu thế, vùng Nhơn An phải giàu có, thiên nhiên và con người hài hòa.

Thế nhưng mọi chuyện lại hoàn toàn không phải như vậy. Bí quyết trường thọ tận của người dân Nhơn An là gì?

Một điều chắc chắn rằng, không khí ở Nhơn An không được trong lành như nhiều bản trường thọ ở các vùng, miền khác của đất nước. Ấp này đang đô thị hóa chóng mặt, chật chội, đông đúc.

Đó là chưa kể, những lò gạch bên sông Hậu đang nhả khói liên tục ngày đêm. Đi tìm lời giải cho bí quyết trường thọ của người dân ấp Nhơn An, chúng tôi nhận thấy, nơi đây có phong trào tập dưỡng sinh và ngồi thiền.

Tuy nhiên, phong trào này mới xuất hiện tại ấp Nhơn An này trong thời gian ngắn. Trong khi sống thọ ở xứ này đã có “truyền thống” cả thế kỷ.

Hơn nữa, như lời ông Thứng: “Xứ này người dân đâu có giàu có, sung sướng gì. Mỗi mùa mưa lũ lại khổ, lam lũ vất vả quanh năm”.

Trực tiếp gặp những bậc đại lão trong ấp, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng. Như việc, thời trẻ và ngay cả đến tuổi già, họ đều rất vất vả mưu sinh.

Do vậy, nhiều người hóm hỉnh ví von, có khi nghèo khổ, lao động vất vả chính là bí quyết trường thọ. Cũng có số khác lại số khác lại cho rằng, Nhơn An nằm dưới chân đất Phật (núi Cấm – PV) nên được ngài ban ân phước.

Trong khi đó, ngày còn sống , đại lão Chấn từng chia sẻ, cụ ít ốm đau đó là nhờ lao động, thể dục, giữ tâm thanh tịnh, sống vui vẻ hòa hợp. Đặc biệt, cụ ít uống bia rượu, ăn chín uống sôi.

Có một điều mà chúng tôi nhận thấy, hầu hết những người sống tới tuổi bách niên ở Nhơn An đều có “lối sống” lành mạnh như đại lão Chấn.

Đặc biệt, trong thực đơn thường ngày của những người dân nơi đây đều là cá bắt trực tiếp dưới sông Hậu, nhất là món cá nướng.

Theo như ông Sơn, cù lao này hứng trọn luồng chảy từ sông Mê Kông về.

Vào mùa lũ, hàng ngàn loại tôm cá đổ về, tràn lên các cánh đồng ngập nước, đẻ trứng, sinh con rồi khi nước rút lại men theo các kênh rạch trở về sông cả, bị người dân chặn lại, bắt được nhiều đến nỗi cá tôm ăn không hết, làm nước mắm, có khi đổ thành từng đống để làm... phân bón.

Vì thế, dân miền Nam mới có câu ca dao: “Chiều chiều quạ nói với diều. Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”.

Ngoài món cá, người dân còn dùng rau sạch do gia đình tự trồng trong vườn nhà, họ rất ít khi mua thực phẩm từ chợ. Sống “sạch”, có lẽ chính là bí quyết khiến người dân ấp Nhơn An sống trường thọ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại