Mong ước bất tử của con người có thể trở thành địa ngục không lối thoát

Oct |

Thí nghiệm giữ não lợn sống sau khi chặt đầu thành công được đánh giá là mở ra một kỷ nguyên mới, nơi con người có thể sống vĩnh cửu. Nhưng viễn cảnh ấy có thực sự đáng mong chờ?

Cuối tháng 4/2018, niềm hy vọng được sống trường tồn với thời gian của con người đã được thắp sáng, sau khi các chuyên gia từ ĐH Yale (Mỹ) thành công trong việc hồi sinh não của một con lợn bị chặt đầu .

Cụ thể thì nhóm chuyên gia đã sử dụng một hệ thống mang tên BrainEx, bơm máu nhân tạo vào bộ não, và giúp cho nó "sống lại" trong vòng 36h, thậm chí có thể hơn như thế.

Mong ước bất tử của con người có thể trở thành địa ngục không lối thoát - Ảnh 1.

Thí nghiệm giữ não lợn sống thành công có mở ra một kỷ nguyên mới, nơi con người sống vĩnh cửu?

Dù phải thừa nhận rằng bộ não lợn khi ấy không thể hồi lại ý thức, nhưng theo Nenad Sestan - trưởng nhóm nghiên cứu, đó chỉ là vấn đề về thời gian. Và quan trọng hơn, nếu được áp dụng lên con người, chúng ta có thể giữ cho một bộ não sống đến trường tồn.

Hay nói cách khác là chúng ta sẽ bất tử.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về nhận thức lại nhìn nhận vấn đề theo một hướng khác. Liệu chúng ta có thể thực sự sống mà không cần đến cơ thể? Và hình thức tồn tại ấy có đáng để thử không?

Tất nhiên, câu trả lời rõ ràng ở thời điểm hiện tại là không thể. Nhưng đổi lại, một số giả thuyết đáng sợ đã được đưa ra, trong đó có việc con người sẽ sống như thể đang ở trong một địa ngục thực sự.

Mắc kẹt trong bộ não của chính mình

Dù não bộ vẫn sống sau khi cơ thể chết, thì đó dường như không phải một trải nghiệm tích cực.

Nó giống như bạn tự nhốt mình trong bóng tối, loại bỏ mọi giác quan thông thường giúp chúng ta cảm nhận và tương tác với thế giới xung quanh. Những gì bạn làm được là tư duy, và chỉ vậy thôi.

Mong ước bất tử của con người có thể trở thành địa ngục không lối thoát - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, bạn sẽ cần có một cơ thể mới. Nhưng công nghệ cấy ghép não như vậy có thể cần hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ nữa mới thành thực. Thế nên nếu được áp dụng, viễn cảnh thực tế nhất là bạn sẽ sống trong tình trạng kẹt cứng trong suy nghĩ của mình mà thôi.

Cuộc sống không thực tại, cũng chẳng lối thoát, thì không khác gì địa ngục.

Một bộ não bị tách rời khó lòng được như bình thường

Theo Antonio Damasio - nhà thần kinh học nổi tiếng cho rằng việc một bộ não rời hoạt động giống như bình thường là điều không thể. Đơn giản là vì não và cơ thể là hai thực thể tương tác lẫn nhau.

Tất cả mọi thứ - từ bó cơ, khớp xương, sợi thần kinh đến cơ nội tạng - đều kết nối trực tiếp tới não bộ, thông qua các tín hiệu điện từ và hóa học luân chuyển liên tục mỗi giây. Chúng mang lại thông tin cho não bộ, còn não ra lệnh cho chúng hoạt động, tạo thành một vòng khép kín.

Mong ước bất tử của con người có thể trở thành địa ngục không lối thoát - Ảnh 3.

Một bộ não sống bên ngoài cơ thể sẽ không thể bình thường được

Khi không còn các tín hiệu này, não bộ chắc chắn sẽ không thể tư duy như bình thường được, vì chẳng có thông tin gì cả.

Chẳng ai biết việc sống chỉ với một bộ não sẽ như thế nào. Nhưng có lẽ ai cũng chung một cảm nhận, rằng trải nghiệm ấy sẽ rất tệ, thực sự rất tệ. Cái sự tệ hại ấy vẫn sẽ ở đó, kể cả khi não bộ được ghép sang một cơ thể khác.

Trước kia, một số chuyên gia đã từng cảnh báo về tác dụng phụ khi ghép đầu. Nếu não bộ được ghép sang cơ thể mới, bộ não có thể sẽ "hóa điên" vì bị choáng ngợp trước những tín hiệu không quen thuộc.

Và Damasio tin rằng việc giữ não bộ sống không cần cơ thể cũng vậy thôi. Thậm chí còn tệ hơn, vì bộ não lúc ấy không còn nhận được bất kỳ tín hiệu nào để giải tỏa, cũng như chẳng thể làm được gì để chấm dứt cuộc sống khủng ấy.

Bản ngã của con người thì sao?

Khi không còn cơ thể, bạn có còn là chính bạn không? Đây là một câu hỏi từng được các triết gia tranh luận trong nhiều thập kỷ.

Có một số học thuyết tin tưởng rằng con người là những sinh vật tư duy thuần túy, nên chỉ cần giữ lại ký ức và nhân cách thì chúng ta vẫn sẽ sống. Ngược lại, lý thuyết "animalism" thì cho rằng con người không thể tách khỏi cơ thể - bao gồm máu thịt, xương cốt, nội quan và cả tế bào.

Mong ước bất tử của con người có thể trở thành địa ngục không lối thoát - Ảnh 4.

Sinh lão bệnh tử là quy luật tất yếu

Cụ thể theo animalism, chúng ta được xem là đã chết khi toàn bộ cơ thể chết, kể cả khi não bộ vẫn sống. Và vì ta chết khi cơ thể chết, phần não còn lại cũng không còn là chính mình nữa. Dù có đủ nhân cách và ký ức, nhưng đó chỉ còn là một phiên bản khác về mặt tâm lý mà thôi.

Ngoài ra, Benjamin Curtis - giảng viên tâm lý học tại ĐH Nottingham Trent (Anh Quốc) còn chỉ ra một vấn đề thực tế khác, đó là quyền công dân của bộ não còn sống ấy.

Một con người có thể nhận mọi quyền lợi mà con người đáng được hưởng. Nhưng khi tách ra khỏi cơ thể, một khối não có còn được xem là người nữa không?

Tham khảo: The Conversion, Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại