Thế giới đua nhau học nhưng Trung Quốc lại đang "giết chết" một môn võ bá đạo

Tiểu Mã |

Môn võ rất bá đạo này đang được thế giới đua nhau học, đặc biệt là giống Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long. Nhưng tại quê hương Trung Quốc, nó như bị "hắt hủi".

Đó chính là Kuntao – môn võ của cộng đồng người gốc Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt phát triển mạnh tại khu vực ĐNÁ như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Brunei.

Trong khi đó ở Trung Quốc đại lục hay Đài Bắc (Trung Hoa), môn võ độc đáo này lại không được nhiều người tập luyện.

Sự lợi hại của Kuntao

Trung Quốc, các môn võ lừng danh như Thiếu Lâm, Võ Đang… thường rất nặng về tính nguyên tắc, hình thức tuy nhiên Kuntao lại khác hẳn bởi môn võ này rất ít tính ước lệ mà chú trọng đơn giản, hiệu quả.

Kuntao mang phong cách chiến đấu khá giống với môn Pencat Silat của Indonesia, với lối đánh áp sát, sử dụng rất nhiều đồi gối, cùi chỏ trong ra đòn.

Có một nguyên tắc chiến đấu quan trọng của môn Kuntao đó là: thay vì ngăn chặn, tránh né một đòn đánh của đối thủ thì hãy tiến tới áp sát và ra đòn phản công vào những bộ phận dễ bị tổn thương nhất.

Kuntao rất chú trọng sự tỉnh táo và tốc độ - những nền tảng của phòng thủ rồi phản đòn. Có lẽ cũng vì điều này khiến nhiều người cho rằng Kuntao có dáng dấp của võ thuật Lý Tiểu Long.

Thế giới đua nhau học nhưng Trung Quốc lại đang giết chết một môn võ bá đạo - Ảnh 1.

Hiện nay trên hòn đảo Java và Sumatra của Indonesia, Kuntao phát triển rất mạnh, trở thành môn võ truyền thống.

Tại những nơi này, Kuntao còn có sự pha trộn dựa theo mô phỏng phong cách chiến đấu của loài hổ, nên nôm na có thể gọi đây là môn Hổ quyền.

Theo những tài liệu nghiên cứu về võ thuật, Kuntao là sự pha trộn về phong cách của cả hai miền Bắc và Nam Trung Hoa trong đó sự ảnh hưởng của miền Nam có vai trò lớn hơn.

Ở Jakarta (Indonesia), Kuntao mang đặc trưng của võ thuật vùng Phúc Kiến ngay từ những thế tấn (đứng tấn cao tựa như Vịnh Xuân). Một số nơi khác lại mang phong cách của Thiếu Lâm.

Nhưng nhìn chung, Kuntao bao gồm hệ thống kỹ thuật đa dạng với các cú đá tầm cao, sử dụng đòn tay với nhiều tầm đánh ngắn, dài khác nhau, kết hợp với cùi chỏ, gối… Môn võ này cũng rất giỏi ở khả năng lăn, vật lộn, bật nhảy…

Đặc biệt, do chịu ảnh hưởng lớn của võ thuật Trung Hoa nên môn phái này rất đa dạng ở hệ thống binh khí, với vài chục loại hiện vẫn đang được phổ biến.

Nổi tiếng nhất phải kể tới các bài kiếm, dao và giáo. Ngoài ra còn có đinh ba, thương, kiếm móc, gậy, côn, phi tiêu, dao găm, súng, lưỡi lê…

Trong quá trình tập luyện, võ sinh Kuntao được trang bị thuần thục các kỹ năng sử dụng binh khí và tay không chống binh khí. Trong đó, các kỹ thuật chống dao găm và súng ngắn thường được truyền dạy một cách bài bản và công phu nhất.

Thế giới đua nhau học nhưng Trung Quốc lại đang giết chết một môn võ bá đạo - Ảnh 2.

Người Mỹ cũng tập luyện Kuntao.

Người Trung Quốc liệu có tiếc nuối?

Sự xuất hiện của Kuntao ở khu vực Đông Nam Á (nhiều nhất ở Indonesia) bắt nguồn từ những ảnh hưởng về văn hóa và dòng người di cư của Trung Quốc từ cách đây nhiều thế kỷ.

Có tài liệu nói rằng ban đầu, một nhà sư Thiếu Lâm đã đến Indonesia và sau này ông thành lập nên Kuntao khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14.

Qua thời gian, Kuntao được pha trộn với Pencat Silat và trở thành môn võ chỉ dành cho cộng đồng người Trung Quốc ở khu vực ĐNÁ.

Một số kỹ thuật trong môn võ Kuntao

Môn Kuntao từng được truyền dạy bí mật trong một thời gian rất dài và chỉ được phổ biến kể từ nửa sau của thế kỷ 20.

Tại Indonesia, môn võ này có sự phát triển rực rỡ, đến nỗi mỗi cộng đồng người Trung Quốc ở nước này lại cho ra đời một hệ phái Kuntao riêng.

Có những hệ phái thậm chí tới tận năm 1970 vẫn chỉ truyền dạy bí mật cho một nhóm người để tránh việc những đòn hiểm bị lộ ra ngoài. Tuy nhiên những năm gần đây, những hệ phái này cũng dần thay đổi với việc truyền dạy công khai.

Kuntao đã được giới thiệu và truyền dạy tại Mỹ kể từ năm 1960 bởi Willem Reeders và Willem de Thouars. Ngày nay, một số người tại Mỹ gọi đây là “Boxing Trung Quốc” hay “Boxing Đài Loan”.

Một số quốc gia ở châu Âu cũng tập luyện Kuntao trong đó nhiều nhất là ở Tây Ban Nha, Pháp.

Ngày nay, xét về mức độ nổi tiếng trên phạm vi toàn cầu, tất nhiên Kuntao không thể so sánh với các môn phái lớn của Trung Quốc như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My, Vịnh Xuân hay wushu hiện đại.

Tuy nhiên, môn võ này vẫn được cộng đồng người Trung Quốc ở Đông Nam Á rất mực coi trọng.

Kuntao cũng dần được coi là môn võ tự vệ có tính hiệu quả cao, được áp dụng cho lực lượng vũ trang.

Có ý kiến cho rằng, Kuntao không được phổ biến tại Trung Quốc bởi đất nước này vốn đã sở hữu quá nhiều môn phái lừng danh.

Song, việc một môn võ ẩn chứa nhiều tinh hoa lại không thể được phát triển tại chính quê hương của nó, rất có thể sẽ là điều khiến nhiều người yêu mến võ thuật tại Trung Quốc phải cảm thấy tiếc nuối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại