Môn thể thao "nữ hoàng" của Việt Nam đã khiến Thái Lan phải choáng váng thế nào?

Hà Phương |

Tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam đã để lại rất nhiều dấu ấn khó phai trong mắt các quốc gia tham dự.

16 năm 1 chặng đường

16 năm trước trên đất Malaysia, điền kinh Việt Nam chỉ giành được 3 tấm HCV ở SEA Games 2001 nhờ công của chân chạy người Khánh Hòa là Phạm Đình Khánh Đoan ở cự ly 800m, 1500m và của VĐV nhảy xa Phạm Thị Thu Lan, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.

Kể từ đó trở đi, số lượng HCV điền kinh giành được có xu hướng tăng dần đều qua các kỳ SEA Games: 7-8 HCV trong giai đoạn 2003-2009, 9-11 HCV trong giai đoạn 2011-2015.

Để rồi SEA Games năm nay trong lần quay trở lại Malaysia, điền kinh Việt Nam đã mang một diện mạo hoàn toàn khác. Sở hữu một lực lượng VĐV hùng hậu và đông đảo, điền kinh Việt Nam đã tạo ra bước ngoặt lịch sử khi giành số HCV gấp rưỡi so với SEA Games lần trước (17 HCV) và chính thức soán ngôi số 1 của cường quốc điền kinh Thái Lan.

Như vậy sau 16 năm, điền kinh Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc, từ chỗ chỉ giành được có 3 HCV nay giành được tới 17 HCV, nghĩa là tăng gấp gần 6 lần.

Chuyển biến về chất

Khép lại SEA Games 29, số lượng HCV mà Việt Nam giành được gần gấp đôi so với đoàn xếp thứ hai là Thái Lan (17 so với 9) – một kỳ tích mà trước ngày lên đường ngay cả những người lạc quan nhất cũng không dám nghĩ đến.

Ngay cả xét về tổng số huy chương điền kinh giành được, chúng ta cũng là số 1 với 34 huy chương các loại (17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ), nhiều hơn Thái Lan 1 huy chương.

So với SEA Games 28, Việt Nam để tuột mất 3 HCV ở các nội dung 200m nam (Trọng Hinh), 10 môn phối hợp (Văn Huệ), 20 km đi bộ (Thanh Phúc) do các VĐV này giải nghệ (Thanh Phúc) hoặc chấn thương (Trọng Hinh, Văn Huệ).

Môn thể thao nữ hoàng của Việt Nam đã khiến Thái Lan phải choáng váng thế nào? - Ảnh 1.

Điền kinh là "mỏ vàng" của Việt Nam tại SEA Games 29.

Tuy nhiên bù lại chúng ta đã giành được thêm tới 9 HCV ở các nội dung mà lần trước chúng ta chỉ có được HCB, HCĐ hoặc thậm chí còn không giành được huy chương bao gồm: nhảy xa nam, 100m nữ, 200m nữ, 100m rào nữ, 5000m nữ, 4x100m nữ, nhảy cao nữ, nhảy xa nữ, nhảy 3 bước nữ.

Trên đất Malaysia, điền kinh Việt Nam đã phá được 2 kỷ lục SEA Games do công của Nguyễn Thị Huyền ở nội dung 400m rào nữ (56"06) và Lê Tú Chinh, Mộng Tuyền, Yến Hoa, Đỗ Thị Quyên ở nội dung 4x100m nữ (43"88).

Bên cạnh đó, còn xác lập thêm 7 kỷ lục quốc gia khác: Dương Văn Thái ở nội dung 800m nam (1’48"97), Quách Công Lịch ở nội dung 400m rào nam (50"05), Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa nữ (6m68), Vũ Thị Mến ở nội dung nhảy 3 bước nữ (14m15), tổ 4x400m nam (3’07"40), Bùi Văn Đông ở nội dung nhảy xa nam (7m83), Bùi Thị Xuân ở nội dung ném lao nữ (52m50).

Nhiều gương mặt mới

Ấn tượng nhất phải kể đến 2 cô gái đã lập được hat trick vàng tại giải năm nay là Lê Tú Chinh và Nguyễn Thị Huyền.

Tham gia thi đấu 3 nội dung tại SEA Games 29, cả hai đều giành được 3 HCV, trong đó có 2 HCV cá nhân (100m và 200m nữ với Tú Chinh, 400m và 400m rào nữ với Huyền) và 1 HCV đồng đội. Đây chính là những gương mặt nổi bật nhất của điền kinh Việt Nam tại SEA Games năm nay.

Môn thể thao nữ hoàng của Việt Nam đã khiến Thái Lan phải choáng váng thế nào? - Ảnh 2.

Lê Tú Chinh có một SEA Games đầy ấn tượng.

Cùng với những gương mặt từng giành HCV ở SEA Games 28 như Nguyễn Thị Huyền, Dương Văn Thái, Nguyễn Văn Lai, SEA Games 29 đã trình làng một số gương mặt đầy triển vọng như: Nguyễn Thị Oanh (1500m và 5000m nữ), Bùi Văn Đông (HCV nhảy xa), Vũ Thị Ly (HCV 800m nữ), Trần Thị Yến Hoa (HCV 100m rào nữ), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa), Vũ Thị Mến (nhảy 3 bước).

Đây là cơ sở để điền kinh Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, nhằm tấn công vào đấu trường châu lục mà trước mắt là ASIAD 2018.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại