Mới thu hồi được 15% nợ, VAMC vẫn loay hoay không biết bán nợ đi đâu

Thị trường mua nợ xấu hiện tại chỉ có VAMC, DATC (công ty mua bán nợ Việt Nam) của Bộ Tài chính và 28 công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các TCTD, trong khi AMC của các TCTD nguồn rất hạn chế.

Số liệu của NHNN công bố về nợ xấu cho biết đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. 

Theo số liệu do các TCTD và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). 

Trong đó bán nợ cho VAMC 8,88 nghìn tỷ đồng, khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu 7,24 nghìn tỷ động.

Theo ông Nguyễn Hữu Thủy Tổng giám đốc VAMC, bắt đầu kể từ khi thành lập VAMC từ 1/10/2013 tính đến nay VAMC đã mua được 251.000 tỷ đồng nợ xấu. 

Tính đến thời điểm hiện tại VAMC đã thu hồi được 34.000 tỷ đồng nợ xấu, tương đương khoảng 15%. 

Theo đề án 843 của Chính phủ phê duyệt đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và thành lập công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) thì sau 5 năm triển khai đề án VAMC phải thu hồi tối đa 40-50% số nợ xấu đã mua.

Theo ông Nguyễn Hữu Thủy tốc độ thu hồi nợ của VAMC đang tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2014 VAMC chỉ thu hồi được 4.000 tỷ đồng nợ xấu thì đến 2015 thu được 12.000 tỷ, hiện nay 7 tháng 2016 thu hồi được 11.000 tỷ, tốc độ thu hồi nợ đã tốt hơn các năm trước. 

Trong năm 2016, VAMC đã đặt ra kế hoạch phối hợp với các TCTD thu hồi 30.000 tỷ, trên cơ sở thực tiễn ông Thủy cho rằng tốc độ thu hồi nợ các tháng cuối năm thường tăng nên việc thu hồi nợ khả quan và việc giữ tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống dưới 3% là điều thực hiện được.

Vướng mắc lớn nhất của VAMC thời điểm hiện tại đó là thị trường mua bán nợ xấu, theo điều 26 Luật 69 về quản lý vốn của nhà nước việc bán nợ xấu của các DNNN thì các DNNN chỉ thực hiện bán nợ cho các đơn vị có chức năng kinh doanh mua nợ xấu. 

Theo ông Thủy đây là hạn chế cho VAMC vì thị trường mua nợ xấu hiện tại chỉ có VAMC, DATC (công ty mua bán nợ Việt Nam) của Bộ Tài chính và 28 công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các TCTD, trong khi AMC của các TCTD nguồn rất hạn chế.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69 quy định điều kiện kinh doanh mua nợ xấu theo đó với các doanh nghiệp có vốn tối thiểu 100 tỷ và các điều kiện khác, ông Thủy kỳ vọng thời gian tới các DN có chức năng kinh doanh mua nợ xấu sẽ phát triển, thúc đẩy thị trường mua bán nợ.

Câu hỏi lớn nhất của VAMC hiện nay là VAMC đã mua nợ nhưng không biết bán ở đâu. Công ty này xây dựng kế hoạch trong năm nay sẽ bán ra 2.000 tỷ nợ xấu và có kế hoạch làm việc với từng TCTD bán nợ ra thị trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại