Mối lo vật ngoại lai ở các sân bay

DƯƠNG NGỌC - THÁI PHƯƠNG |

Chỉ trong 1 tuần có 3 vụ máy bay va phải vật ngoại lai (FOD) từ mảnh kim loại, sỏi, đá dăm, ốc vít... cắt vào lốp máy bay khi di chuyển ở các sân bay.

Thông tin máy bay "cán phải đinh" thu hút sự quan tâm của hành khách và Cục Hàng không Việt Nam khẳng định tần suất phát hiện các vật ngoại lai (FOD) không có gì bất thường.

Nhiều vật lạ trên đường băng

Liên quan vụ việc trên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong quá trình khai thác bay thỉnh thoảng vẫn xảy ra những sự cố vật ngoại lai - FOD cắm vào lốp máy bay. Đây có thể là ốc vít, các mảnh vỡ cứng... xuất hiện trên đường băng, đường lăn, chứ không phải thực sự là đinh. "Công tác kiểm soát vật ngoại lai và bảo đảm vệ sinh trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ được cục chỉ đạo thực hiện nghiêm theo quy định" - lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nói.

Các vật ngoại lai trên đường băng (đường cất hạ cánh và đường lăn của máy bay) có thể bao gồm: Dụng cụ, bộ phận và phần cứng rời, vật liệu xây dựng, giấy, kẹp giấy, bút, đồng xu… Trong khoảng một tuần qua đã phát hiện 3 vụ máy bay bị các loại ốc vít, đinh mũ găm vào lốp tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và 1 vụ máy bay từ Hà Nội sau khi hạ cánh tại Đà Nẵng đã phát hiện cánh quạt động cơ bị mẻ.

FOD có thể gây nguy hại đến sân bay hoặc máy bay như cắt lốp máy bay, gây hỏng động cơ máy bay, kẹt trong máy, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay. Tuy nhiên, với dòng máy bay kích cỡ như Airbus A321 trở lên, các cụm bánh máy bay thường có 2 cặp lốp được thiết kế khi một lốp bị hỏng, mất áp suất thì lốp còn lại vẫn có khả năng bảo đảm máy bay hạ cánh an toàn. Còn với động cơ, nếu tắt 1 động cơ máy bay vẫn hạ cánh an toàn, xác suất dị vật văng hỏng cả 2 động cơ cùng lúc hiếm khi xảy ra.

Mối lo vật ngoại lai ở các sân bay - Ảnh 1.

Công tác bảo đảm an toàn bay luôn được các hãng hàng không tuân thủ nghiêm ngặtẢnh: TẤN THẠNH

Nói thêm về nguyên nhân dẫn đến tình trạng máy bay "cán phải đinh" như vừa qua, đại diện một hãng hàng không cũng nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu là do vật ngoại lai như mảnh kim loại, sỏi, đá dăm... cắt vào lốp máy bay khi di chuyển. Nguồn gốc phát sinh vật ngoại lai có thể từ trang thiết bị hoạt động trên khu bay của các hãng hàng không, dụng cụ sản xuất, công trình thi công nâng cấp, cải tạo gần khu bay…"Dù vấn đề không quá nghiêm trọng nhưng vẫn ảnh hưởng đến an toàn khai thác của hãng hàng không, gây thiệt hại về kinh tế do các hãng phải sửa chữa, thay lại phụ tùng máy bay. Ngoài ra, khi phát hiện vấn đề ở lốp, các hãng phải sửa chữa, thay thế, ảnh hưởng lịch khai thác của các chuyến bay" - đại diện hãng hàng không này nói.

Tăng cường kiểm tra hạn chế FOD

Tại hội nghị đánh giá công tác kiểm soát FOD tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 mới đây, đại diện cảng cho biết FOD thường là rác sinh hoạt tại các khu vực sân đậu, băng chuyền hành lý, đường lăn… chưa có khuynh hướng giảm. Công tác vệ sinh sân đường quét hút FOD hiện tại cảng đang tổ chức kiểm tra với tần suất 7 lần/ngày. Ngoài ra, các tổ liên ngành thực hiện kiểm tra theo lịch định kỳ của cảng cũng triển khai với tần suất 14-16 lượt hằng tháng.

Mối lo vật ngoại lai ở các sân bay - Ảnh 2.

Máy bay "cán đinh" tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất: "Đinh" ở đâu ra?

Đại diện một hãng khác cho biết các cảng hàng không đều xây dựng chương trình kiểm soát vật ngoại lai; kiểm tra định kỳ đường cất hạ cánh bảo đảm an toàn cho khai thác. "Hãng cũng xây dựng chương trình thống kê theo dõi FOD và báo cho các cảng hàng không như Tân Sơn Nhất biết để tăng tần suất kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường. Như 6 tháng đầu năm, hãng có 1 chuyến bị vật ngoại lai gây ảnh hưởng làm lốp chính số 3 bị cắt quá giới hạn. Nhân viên kỹ thuật đã tiến hành thay lốp như thường lệ, máy bay trở lại khai thác bình thường" - đại diện hãng hàng không này cho biết.

Đại diện một hãng hàng không nhận định tỉ lệ máy bay "cán phải đinh" là một sự cố rất nhỏ trong mấy triệu lượt máy bay cất hạ cánh và các hãng trong quy trình kiểm tra kỹ lưỡng sau mỗi lần cất, hạ cánh thường xử lý, thay thế luôn nên không ảnh hưởng lớn đến an toàn bay.

Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho biết công tác kiểm soát FOD tại cảng được tiến hành thường xuyên. Hằng ngày, Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài tổ chức kiểm tra, thu gom FOD, vệ sinh sân đường khu bay thường xuyên, định kỳ và bất thường khi có sự vụ. Mỗi lần đi kiểm tra, ngoài hệ thống xe quét hút còn có các kíp nhân viên kiểm tra trực quan, thu gom các FOD mà phương tiện không hút được.

"Việc thu gom diễn ra gần như 24/7 theo các khung giờ nhất định trong tất cả các vị trí đỗ máy bay, đường lăn, đường cất hạ cánh… và khi có vụ việc bất thường nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn bay" - đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài khẳng định.

Xác minh vụ bong, vỡ đường băng sân bay Vinh

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tổ chức xác minh nguyên nhân gây ra sự cố sân bay Vinh bong, vỡ để chỉ đạo xử lý, khắc phục triệt để. Theo đó, sau khi xem xét báo cáo ban đầu về việc hư hỏng đột xuất đường cất hạ cánh tại sân bay Vinh của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo khẩn trương yêu cầu Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) khắc phục hư hỏng đột xuất, báo cáo sự cố liên quan đến lĩnh vực khai thác cảng hàng không, sân bay. Cần tổ chức xác minh nguyên nhân gây ra sự cố để chỉ đạo xử lý, khắc phục triệt để.

D.Ngọc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại