Mối liên hệ chết người giữa sụt giảm khí thải và thiên tai tấn công Trung Quốc năm 2020

Trang Ly |

Việc đóng cửa các ngành công nghiệp để đối phó với đại dịch Covid-19 đã gây ra một hệ quả lớn...

Các nhà khoa học cho biết, sự sụt giảm đột ngột trong việc giảm lượng khí thải có thể có tác động đáng kể đến các kiểu thời tiết. Trường hợp tại Trung Quốc là ví dụ điển hình.

Tờ Washington Post thông tin, Trung Quốc cũng là quốc gia phát thải carbon lớn nhất trên toàn cầu. Lượng phát thải khí nhà kính của Trung Quốc hiện lớn hơn mức phát thải của các nước phát triển cộng lại. Trung Quốc hiện phát thải 27% lượng khí thải toàn cầu, trong khi Mỹ chiếm 11%. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều ngành công nghiệp nước này phải đóng cửa, khiến cho lượng phát thải khí nhà kính giảm đột ngột. Và điều này lập tức gây hệ quả!

Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học Trung Quốc dẫn đầu, thì việc giảm đột ngột các chất ô nhiễm trong không khí [từ việc đóng cửa các ngành công nghiệp để đối phó với đại dịch Covid-19] là nguyên nhân chính dẫn đến lượng mưa mùa hè dữ dội ở miền đông và miền nam Trung Quốc vào năm 2020, khiến hơn 150 người thiệt mạng và 55 triệu người bị ảnh hưởng, SCMP thông tin.

Mối liên hệ chết người giữa sụt giảm khí thải và thiên tai tấn công Trung Quốc năm 2020 - Ảnh 1.

Khói bốc lên từ một nhà máy thép ở tỉnh công nghiệp Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 19 tháng 11 năm 2015. Nguồn: Kevin Frayer / Getty Images

Wang Hailong, một nhà khoa học Trái Đất thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương ở Washington (Mỹ) và là đồng tác giả của báo cáo được công bố trên tạp chí Nature Communications, khoảng một phần ba số trận mưa kỷ lục năm 2020 tại Trung Quốc có thể là do sự ngừng hoạt động của các ngành công nghiệp bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.

Wang Hailong chia sẻ với South China Morning Post rằng: "Aerosol (sol khí) từ lâu đã được công nhận là một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến mây và lượng mưa thông qua nhiều con đường khác nhau. Nhưng hiểu biết khoa học tổng thể về các quá trình liên quan vẫn còn thấp và tác động thực của sol khí lên lượng mưa vẫn chưa được nghiên cứu rộng rãi".

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ trong việc gia tăng các sol khí - gây ra bởi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng - với sự giảm các trận mưa mùa hè ở miền đông và miền trung Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, Wang Hailong và các nhà nghiên cứu của ông nhận thấy sự vắng mặt của các hạt này đã tạo ra tác dụng ngược lại. 

Nghiên cứu của họ cho biết sự sụt giảm sol khí dẫn đến tình trạng nóng lên bất thường ở miền đông Trung Quốc, làm tăng sự bất ổn định và đối lưu khí quyển trong khu vực, nghiên cứu của họ cho biết.

Yang Yang, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học Khoa học Thông tin Nam Kinh cho biết: "Sự thay đổi nhiệt độ đó dẫn đến sự thay đổi gió, mang nhiều hơi nước từ biển vào phía đông Trung Quốc và tăng cường lượng mưa".

NHỮNG TRẬN MƯA LŨ CHẾT NGƯỜI

Một số nhà khoa học khí hậu cho rằng thời tiết khắc nghiệt khiến Ấn Độ Dương ấm hơn nhiều so với bình thường.

Thực tế là, vào tháng 6 và tháng 7 năm 2020, nhiều khu vực phía đông và phía nam Trung Quốc đã trải qua lượng mưa cực lớn và lũ lụt nghiêm trọng - với lượng mưa tích lũy phá vỡ kỷ lục 60 năm của khu vực. Đây cũng là mùa hè ẩm ướt nhất trong vòng 6 thập kỷ qua đối với phần lớn Đông Á.

Mối liên hệ chết người giữa sụt giảm khí thải và thiên tai tấn công Trung Quốc năm 2020 - Ảnh 3.

Nước lũ bao quanh một ngôi làng ở khu vực Quảng Tây, miền nam Trung Quốc, trong một bức ảnh được Tân Hoa xã công bố vào tháng 6/2020. Ảnh: Lu Boan / Xinhua via Associated Press

Tờ New York Times đưa tin hồi đầu tháng 7/2020 rằng, những trận mưa dữ dội bất thường kéo dài nhiều tuần đã tàn phá khắp miền nam Trung Quốc, khiến ít nhất 106 người chết hoặc mất tích và ảnh hưởng đến 15 triệu cư dân trong trận lũ lụt tồi tệ nhất mà nhiều nơi trong khu vực từng chứng kiến ​​trong nhiều thập kỷ.

Một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hồ Bắc. Cuối tháng 6/2020, lực lượng cứu hộ đã đập cửa kính ô tô để giải thoát những hành khách bị mắc kẹt trong nước lũ ở Nghi Xương, một thành phố ở Hồ Bắc xuôi dòng Dương Tử từ đập Tam Hiệp - một trong những đập lớn nhất thế giới.

CCTV đưa tin, lũ lụt hồi đầu tháng 7/2022 đã ảnh hưởng đến 5,2 triệu người ở tỉnh Giang Tây, với 432.000 người phải sơ tán khỏi nhà của họ. Các trận mưa xối xả gây lũ lụt cũng làm hư hại 4,56 triệu ha hoa màu và phá hủy 988 ngôi nhà, gây thiệt hại ước tính gần 929 triệu USD.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, chính phủ Trung Quốc đã phân bổ khoảng 44,2 triệu đô la để cứu trợ thiên tai ở các vùng bị lũ lụt của nước này.

"Một trong những điểm nổi bật của nghiên cứu là chúng tôi đã giải thích lượng mưa cực đoan vào năm 2020 từ góc độ ảnh hưởng của con người, điều này có thể hữu ích cho việc cải thiện dự đoán về lượng mưa cực đoan trong tương lai" - các tác giả nghiên cứu kết luận.

Nguồn: SCMP, New York Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại