Nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua Su-35 từ Nga
Vào cuối tháng 10/2019, nguồn tin của từ Bộ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara và Moscow đang đàm phán về việc trang bị máy bay chiến đấu Su-35 cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên kết quả cuối cùng vẫn chưa rõ ràng.
Trả lời phỏng vấn của tờ Sputnik, khi được hỏi "liệu có tồn tại bất kỳ lo ngại nào về việc mua Su-35 có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ Mỹ-Thổ hay không", bà Nursin Atesoglu Guney, thành viên của Hội đồng Chính sách đối ngoại và An ninh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trả lời:
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, nếu Ankara quyết định máy bay là lựa chọn tốt nhất cho quân đội, bất chấp các tác động (xấu) có thể xảy ra đối với quan hệ với Hoa Kỳ.
Chúng tôi (Thổ Nhĩ Kỳ) có thể làm gì (với tình hình hiện tại)? Thổ Nhĩ Kỳ đang mâu thuẫn với người Mỹ ở một số vấn đề, và điều này (mua Su-35) không quan trọng ".
Việc Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn Su-35 của Nga được cho là để thay thế cho các đơn hàng F-35 đã bị hủy bỏ sau quyết định của Mỹ.
Bà Guney lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tham gia chương trình máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35, nhưng đã bị Mỹ loại bỏ tư cách sau khi mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
"Chúng tôi quyết định trang bị S-400 và người dân Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn ủng hộ quyết định này, đó là điều chắc chắn. Người Mỹ không phải là nhà sản xuất vũ khí duy nhất, có những nhà sản xuất khác có mặt trên thị trường như Nga".
Bà Gunet giải thích rằng quyết định cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc mua sắm vũ khí phụ thuộc sản phẩm là sự lựa chọn tốt nhất về công nghệ, việc chia sẻ hợp tác sản xuất và giá thành tốt nhất.
"Quyết định của chúng tôi cuối cùng sẽ phản ánh thực tế là cạnh tranh kinh tế đang tồn tại trên thị trường (vũ khí) toàn cầu".
Đầu tháng 9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tham dự triển lãm MAKS-2019 cùng với Tổng thống Nga Putin. Ông Erdogan đã bày tỏ sự quan tâm đến các máy bay phản lực Su-35 và Su-57 của Nga.
Ông Erdogan và một chiếc Su-57 tại MAKS-2019.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm rút quân khỏi Syria?
Theo bà Nurin Guney, Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Syria và dự định rút lực lượng khỏi nước này ngay sau khi chính phủ nước này "dọn dẹp" khu vực biên giới khỏi các nhóm khủng bố:
"Chúng tôi hy vọng rằng việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Syria sẽ sớm thành công. Binh lính Thổ không muốn ở đó (lâu dài). Một khi đã loại bỏ xong những kẻ khủng bố (chúng tôi luôn nhấn mạnh điều này) chúng tôi sẽ "trở về nhà".
Bà Guney lưu ý rằng chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" của Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria chỉ nhằm mục đích tiêu diệt khủng bố chứ không phải vì những lý do khác, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ rất muốn duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin đã ký một bản ghi nhớ sẽ về việc các chiến binh người Kurd sẽ phải rút lui khỏi khu vực biên giới. Hiện tại quân cảnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu các cuộc tuần tra chung ở khu vực biên giới.
Lính Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang hợp tác tuần tra biên giới với cả lính Nga lẫn Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia tái thiết Syria?
Bà Guney cũng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia các nỗ lực để xây dựng lại nền kinh tế Syria bị chiến tranh tàn phá và trở lại "kỷ nguyên hợp tác khu vực". Khi được hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ đã có kế hoạch đầu tư hay chưa, bà Guney nói rằng việc này có thể triển khai ngay lập tức:
"Tại sao không? Chúng tôi đã từng làm điều đó trước năm 2011 trước khi Mùa xuân Arab nổ ra khiến quan hệ hai bên (Thổ-Syria) bị đóng băng.
Chúng tôi đã có quan hệ rất chặt chẽ với các nước láng giềng của chúng tôi. Điều Thổ Nhĩ Kỳ muốn là giúp xây dựng xung quanh mình môi trường hòa bình càng nhiều càng tốt, từ phía nam lẫn phía đông, và với tất cả các quốc gia láng giềng".
Tuy nhiên, bà Guney cũng lưu ý rằng khả năng hỗ trợ tái thiết Syria của Ankara sẽ bị hạn chế so với các nước láng giềng khác, vì Thổ Nhĩ Kỳ là một "quốc gia phụ thuộc năng lượng":
"Hiện tại, nguồn lực của chúng tôi bị hạn chế, nhưng chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế khác sẵn sàng hỗ trợ tái thiết Syria trong tương lai".
Trước "Mùa xuân Arab" năm 2011, quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ từng rất "nồng ấm".
Năm 2018, Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ước tính có thể phải mất tới 400 tỷ USD để tái thiết sau chiến tranh.
Cơ sở hạ tầng trên khắp lãnh thổ Syria đã bị phá hủy và hệ thống đường giao thông cần được khôi phục khẩn cấp. Tình hình trở nên phức tạp bởi thực tế là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt ngăn các nước khác hỗ trợ Syria.
Cho tới nay, lực lượng chính phủ Syria hiện đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các lãnh thổ thông qua các hoạt động quân sự và ký kết thỏa thuận ngừng bắn với phe đối lập.
Người dân Syria ném đá vào đoàn xe tuần tra của quân cảnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gần thị trấn Kobani, đông bắc Syria.