Mối đe dọa tiềm tàng đối với tàu chiến và căn cứ hải quân Nga

Hồng Anh |

VOV.VN - Trong suốt cuộc xung đột tại Ukraine, hạm đội tàu chiến và căn cứ hải quân Nga phải đối mặt với mối đe dọa mới từ các phương tiện tấn công không người lái dưới nước, trên mặt nước và trên không.

Ngoài việc đối phó với các phương tiện này bằng những hệ thống và vũ khí hiện có, Nga đang xem xét các biện pháp bổ sung để tăng cường khả năng phòng thủ của tàu thuyền.

Mối đe dọa tiềm tàng đối với tàu chiến và căn cứ hải quân Nga - Ảnh 1.

Tàu chiến Nga ở Sevastopol. Ảnh: Sputnik

Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/7 cho biết, các lực lượng nước này đã phá hủy nhiều thiết bị không người lái của Ukraine tấn công từ trên không và trên biển gần khu vực Sevastopol – nơi đặt căn cứ hải quân của Nga. Cuộc tấn công xảy ra vào sáng 16/7 (theo giờ địa phương), song không gây thương vong hay thiệt hại. Trong thông báo trên Telegram, Bộ này nêu rõ: “Nỗ lực của Ukraine tiến hành cuộc tấn công khủng bố bằng 7 thiết bị không người lái trên không và 2 thiết bị không người lái dưới nước nhằm vào các mục tiêu gần thành phố Sevastopol thuộc bán đảo Crimea đã bị ngăn chặn”.

Trước những mối đe dọa trên, tờ Izvestia dẫn các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Nga đã xem xét những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây và lập kế hoạch tăng cường bảo vệ tàu thuyền hoặc các căn cứ hải quân. Mặc dù thông tin chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng theo Izvestia, Nga sẽ trang bị thêm cho tàu thuyền trạm tác chiến điện tử, súng máy hạng nặng, đồng thời tăng số lượng điểm bắn. Đến thời điểm hiện tại, một số tàu chiến đã được nhận được các thiết bị và vũ khí bổ sung cần thiết. Các hoạt động liên quan sẽ tiếp tục được thực hiện.

Mối đe dọa từ phương tiện không người lái

Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các hạm đội Nga đã phải đối mặt với mối đe dọa mới từ công nghệ không người lái. Đối phương thường cố gắng tấn công tàu thuyền, căn cứ, cơ sở ven biển Nga bằng nhiều phương tiện khác nhau, ban đầu là những máy bay không người lái mang vũ khí, tiếp đến là xuồng cảm tử.

Nhưng đa số máy bay không người lái của Ukraine đều bị đánh chặn thành công và chế áp/tiêu diệt ở khoảng cách an toàn. Chỉ có một số ít lọt qua được hệ thống phòng không song không gây thiệt hại đáng kể. Vấn đề tương tự cũng xảy ra đối phương phương tiện không người lái dưới nước. Phía Nga cho biết, tất cả các cuộc tấn công bằng xuồng cảm tử của Ukraine đều thất bại. Thủy thủ các tàu Nga đã kịp thời phát hiện và phá hủy chúng.

Izvestia cho biết, những thiết bị giám sát và vũ khí tại các căn cứ hoặc trên các con tàu đã giúp binh sỹ phát hiện và ngăn chặn kịp thời những mối đe dọa trên mặt nước, dưới nước hoặc trên không. Tuy nhiên, Nga lo ngại Ukraine có thể triển khai những phương tiện không người lái tấn công mới có nhiều lợi thế hơn. Vì thế, Hải quân Nga cũng đang xem xét các biện pháp duy trì và nâng cao khả năng phòng thủ.

Biện pháp phòng thủ

Nguyên tắc chống lại các phương tiện không người lái khá đơn giản và không yêu cầu giải pháp phức tạp. Tất cả các phương tiện thông thường đều có thể theo dõi tình hình và phát hiện mối đe dọa tiềm ẩn. Chẳng hạn radar trên tàu chiến có thể phát hiện máy bay không người lái và xuồng cảm tử. Những mục tiêu dưới nước có thể được phát hiện bằng phương tiện thủy âm. Trong một số trường hợp, các trạm quang điện tử hay ống nhòm sẽ phát huy hiệu quả.

Những phương tiện không người lái thường có các thông số kỹ thuật riêng, có thể khiến chúng dễ bị phát hiện. Hầu hết các thiết bị này đều có kênh kết nối với người vận hành và trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện ra một kênh như vậy. Ở mức độ tối thiểu, điều này sẽ cho thấy sự hiện diện của trang thiết bị của đối phương hoặc cho phép xác định vị trí của chúng để tấn công.

Theo các chuyên gia quân sự, phương tiện hiệu quả để chống lại phương tiện không người lái trên không hoặc trên mặt nước là các hệ thống tác chiến điện tử. Hệ thống này sẽ giúp triệt tiêu các kênh liên lạc hoặc tín hiệu của vệ tinh điều hướng khiến chúng mất khả năng thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, các phương tiện không người lái có thể bị phá hủy theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn tên lửa phòng không hoặc pháo binh có thể bắn hạ các UAV trên cao. Lựu pháo hay súng máy cỡ nhỏ có thể đối phó với các mục tiêu nổi trên mặt nước. Còn các phương tiện dưới nước sẽ bị ngăn chặn bằng vũ khí chống ngầm. Trong mọi trường hợp, sự thành công của cuộc tấn công phụ thuộc việc xác định mục tiêu chính và khả năng nhắm bắn hiệu quả.

Nhiều vụ việc diễn ra thời gian gần đây cho thấy, vũ khí vô tuyến điện tử, tên lửa và vũ khí nhỏ của tàu chiến Nga có thể thực hiện nhiệm vụ phòng thủ chống lại các phương tiện không người lái. Hiện Nga đã đưa ra quyết định về việc nâng cấp các hệ thống bảo vệ như vậy để cải thiện khả năng chống lại các mối đe dọa trong tương lai. Ngoài ra, Moscow cũng có thể sử dụng những vũ khí mới như vũ khí laser để triệt tiêu hoặc phá hủy các phương tiện tấn công không người lái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại