Mỗi "cánh cửa" NATO mở ra, "mảnh sân" của nước Nga dần dần co lại

Thi Anh |

Chính sách "mở cửa" có thể sẽ là một trong những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị NATO tại Warsaw vào 8-9/7/2016.

Lời mời gia nhập khối dành cho Montenegro hồi năm ngoái đã khích lệ các thành viên tiềm năng khác.

Mới đây, có thông tin cho rằng Georgia, Ukraine, Bosnia, Macedonia, Thụy Điển và Phần Lan sẽ trở thành một phần trong làn sóng mở rộng của NATO.

Viễn cảnh này liệu có xảy ra sớm? Hay Montenegro sẽ là nước cuối cùng gia nhập NATO, ít nhất là tới khi môi trường chính trị ở châu Âu có sự biến chuyển mạnh mẽ?

Mỗi cánh cửa NATO mở ra, mảnh sân của nước Nga dần dần co lại - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Montenegro Igor Luksic và Tổng TK NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 2/12/2015.

Sự ám ảnh

Từ đầu thập kỷ 90, Nga đã phản đối mạnh mẽ động thái mở rộng của NATO. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quân đội Nga đã rút khỏi Trung Âu và di chuyển hơn 1.496km từ Magdeburg tới Smolensk, tạo nên một hành lang an ninh giữa Nga và các quốc gia thành viên NATO.

Chiến lược của Nga ở thời điểm đó dựa trên xác nhận pháp lý về trạng thái trung lập của các nền dân chủ mới ở Trung Âu và mối quan hệ đối tác toàn cầu với Mỹ.

Quyết định mở cửa của NATO được Nga xem như một thất bại về mặt ngoại giao và đòn giáng nghiêm trọng vào lợi ích chiến lược của khối này.

Giới chức Nga tin rằng sự tồn tại của NATO như tàn dư của thế giới lưỡng cực sẽ dẫn tới tình trạng Nga bị cô lập, mặc dù Moskva đã nhiều lần nhượng bộ. Vì thế, Nga cho rằng, NATO nên "theo bước" Khối Vác-sa-va (giải tán) hoặc chuyển đổi thành một cấu trúc chính trị mở, dưới quyền OSCE, mà Nga có thể tham gia trên cơ chế ngang hàng với các quốc gia NATO.

Tuy nhiên, tiến trình lịch sử lại không đi theo hướng Nga trông đợi. NATO đã chọn con đường hợp nhất về mặt địa chính trị sau Chiến tranh Lạnh, lặp lại điều mà Nga cho là sai lầm trong quá khứ.

Không phải vô duyên, vô cớ

Sau khi mời Montenegro gia nhập NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố: Sự kiện này cho thấy NATO đang mở rộng cửa, dù vấp phải sự phản đối của Nga và tình trạng căng thẳng gia tăng.

Mỗi cánh cửa NATO mở ra, mảnh sân của nước Nga dần dần co lại - Ảnh 2.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Vì sao sự mở rộng lại quan trọng với NATO như vậy?

Với quan điểm cho rằng tài nguyên thiên nhiên là chìa khóa để xác định lợi ích chiến lược và làm nổi bật các mối quan hệ quốc tế, NATO đang tìm cách duy trì tầm ảnh hưởng của châu Âu thông qua động thái mở rộng ảnh hưởng quân sự của mình.

Điều này không chỉ làm rõ chính sách hướng đông của khối, mà còn lý giải cho các đồn đoán về tư cách thành viên tiềm năng của Thụy Điển và Phần Lan, khu vực có trữ lượng dầu và khí đốt dồi dào.

Thế nhưng, NATO lại hành xử như thể mình là "người bảo vệ" cho sự tồn vong chế độ của các nước gia nhập khối. Việc mở rộng giúp khối này dễ dàng chi phối giới lãnh đạo, một việc không hề dễ nếu các nước này duy trì trạng thái trung lập.

Mở rộng nối tiếp mở rộng

Các quốc gia ngoại biên của NATO là những nhân tố chính thúc đẩy sự mở rộng của khối này, vì e ngại các nước làng giềng rơi vào trạng thái bất ổn. Đức là nước chủ chốt thúc đẩy cho lần mở rộng đầu tiên của NATO. Ba Lan thì vận động cho các quốc gia Baltic, Hungary vận động cho Slovakia, Romania.

Còn hiện tại, các nước Baltic lại vận động cho Ukraine.

Nước nào muốn trở thành thành viên của NATO thì cũng phải tiến hành cải cách để quân đội của mình đạt tiêu chuẩn của khối. Và việc này sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm trang thiết bị quân sự do các thành viên sáng lập NATO sản xuất.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đối mặt với khủng hoảng, Washington có thể coi NATO như một bộ máy quốc tế tiềm năng để thay thế Liên Hợp Quốc trong một số lĩnh vực trọng yếu, như quản lý khủng hoảng. Mục tiêu này đòi hỏi tổ chức này phải được hợp pháp hóa trong mắt cộng đồng quốc tế và đề làm được điều đó, NATO cần mở rộng quy mô.

NATO đã mời Montenegro gia nhập vào tháng 12/2015. Đó là lần mở rộng đầu tiên của khối này tại Đông Âu trong vòng 6 năm. Ngay ngày hôm sau, Montenegro đồng ý. Sự việc đã khiến các cuộc biểu tình bùng phát trên khắp đất nước, bởi theo khảo sát, hơn một nửa số dân Montenegro phản đối quyết định này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại