Mọc lên như nấm sau mưa, vì sao các quán trà sữa vẫn “sống khỏe”?

Hoàng Linh |

Khoảng 100 thương hiệu và hơn 1.5000 cửa hàng trà sữa tại Việt Nam, 300m đường lại có 3-4 thương hiệu khác nhau, giữa cuộc chiến thị phần khốc liệt nhưng các cửa hàng vẫn "trụ" vững.

Mở hàng trà sữa ít vốn hơn và vì siêu lợi nhuận?

Dẫn lại khảo sát tại Việt Nam, tờ Nikkei (Nhật Bản) khẳng định, trà sữa đang bùng nổ tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, năm 2017, hơn 100 thương hiệu trà sữa nội địa và nhiều quốc gia như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia xuất hiện, với trên 1.500 điểm bán hàng rải khắp các con phố, tỉnh thành khác nhau ở Việt Nam.

Trong đó, chỉ tính riêng trà sữa Đài Loan, đã có trên 30 thương hiệu khác nhau, góp mặt nhiều cái tên quen thuộc với người tiêu dùng như: Dingtea, Tiên Hưởng, Bobapop, Gong Cha…

Tại Hà Nội, không khó để tìm được một cửa hàng bán trà sữa, thậm chí, chưa đầy 300m phố, có tới 3-4 cửa hàng với đủ thương hiệu trà sữa khác nhau.

Cách đây không lâu, cũng tại thủ đô, hình ảnh người trẻ mặc chấp nhận mặc bikini, xếp hàng dài cả cây số để được khuyến mại của một cửa hàng trà sữa đã khiến dư luận "dậy sóng" về sức hút của loại thức uống này.

Đâu là lý do khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt nhưng hình thức kinh doanh trà sữa vẫn chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt", tiếp tục xuất hiện nhiều cái tên mới gia nhập thị trường Việt trong năm nay?

Mọc lên như nấm sau mưa, vì sao các quán trà sữa vẫn “sống khỏe”? - Ảnh 1.

Cách nhau vài số nhà, trên cùng một con phố Nguyễn Xiển (Hà Nội), đã có tới 3 thương hiệu trà sữa khác nhau.

Từng 3 lần chuyển đổi loại trà sữa kinh doanh, chị Tuyết Mai (chủ 2 cơ sở kinh doanh trà sữa ở Hà Nội) cho biết, dù có nhiều đối thủ cạnh tranh và mặt hàng này không còn xa lạ nhưng nhiều người bán trà sữa vẫn "sống khỏe", thậm chí thu lãi vài trăm triệu đồng một năm vì nhiều lý do.

Hiện nay, mức chi phí mở một cửa hàng trà sữa không quá cao và có nhiều mức khác nhau so với thời điểm mặt hàng này ồ ạt tràn vào Việt Nam.

Theo tiểu thương này, ví dụ trà sữa Nhật Bản Goky có phí chuyển nhượng là 10.000 USD (khoảng gần 230 triệu đồng), nguyên liệu lấy đợt đầu là 15.000 USD (khoảng 340 triệu đồng), máy móc mất phí là 5.000 USD (khoảng 113 triệu đồng).

Tính cả chi phí thuê mặt bằng (tùy theo khu vực và thời gian thuê), sửa sang cửa hàng…, mở một cửa hàng trà sữa khoảng trên 1 tỷ đồng. Đây cũng là mức chi phí mở cửa hàng những loại trà sữa có giá bán ở hạng trung, từ 27.000 – 35.000 đồng/cốc.

Số vốn 1 tỷ đồng được cho có phần giảm nhiều so với chi phí trước đây khi mở một cửa hàng trà sữa (từ 1,3 – 2 tỷ đồng).

"Nếu kinh doanh đồ uống ở Hà Nội, thì số vốn này không phải là quá cao", chị Mai khẳng định.

Bên cạnh đó, gần đây, nhiều hãng áp dụng chính sách miễn phí nhượng quyền thương hiệu, (ví dụ như trà sữa Đài Loan Teafox), điều này giúp thu hút người kinh doanh và giảm chi phí mở hàng trà sữa.

Theo phân tích của chị Mai, trong các chi phí thì mức chi phí nhượng quyền bao giờ cũng đắt đỏ. Tùy thương hiệu, chi phí này có thể cao gấp 2-3 lần chi phí thuê mặt bằng, hay máy móc bán hàng.

Vì thế, hiện nay, khi miễn loại phí này, tính nhanh vốn mở cửa hàng trà sữa giảm tới 200- 300 triệu đồng (tùy từng thương hiệu). Theo phân tích của tiểu thương, điều này đã giúp người bán hàng rút ngắn thời gian thu hồi vốn và bắt đầu sinh lời chỉ sau khoảng 5 tháng mở hàng bán, thay vì từ 7 tháng như trước đây.

Ngoài việc các hãng ra ưu đãi khi làm đại lý nhượng quyền, giúp giảm vốn đầu tư, các tiểu thương cho hay, siêu lợi nhuận là yếu tố quan trọng nhất để cửa hàng phát triển và duy trì trong thời buổi bùng nổ kinh doanh trà sữa.

Tuy nhiên, điều này cũng cần song hành với việc mỗi cửa hàng lại linh hoạt trong kinh doanh để tránh được cuộc chiến thị phần trà sữa ngày càng bị san sẻ, chia nhỏ.

Thay vì chọn thương hiệu trà sữa quen thuộc, anh Hoàng Anh Thái (Chủ cửa hàng trà sữa trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) chọn một thương hiệu nhỏ và lạ hơn để giảm sự cạnh tranh khách.

Bù lại cho cái tên mới và có phần kém hấp dẫn, anh Thái cho hay, anh đầu tư cho việc chọn địa điểm mở cửa hàng, ở nơi đông sinh viên, đồng thời, chọn loại trà sữa có mức giá rẻ hơn để thu hút khách.

Theo chủ cửa hàng này, để tồn tại, mỗi cửa hàng hướng đến một nhóm khách hàng khác nhau, đầu tư cho chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phong cách thiết kế cửa hàng, cũng như chương trình khuyến mại để giữ chân khách và giảm độ cạnh tranh.

Đồng thời, anh Thái cũng tiết lộ, với mức giá bán từ 27.000 – cao nhất là 100.000 đồng/cốc (đủ loại toping kèm) thì nếu thuận lợi, việc có lãi rất khả thi, bởi mức chi thật cho một cốc trà sữa chỉ bằng một nửa giá bán (đã bao gồm tiền nguyên liệu, thuê mặt bằng, nhân viên và các chi phí phát sinh khác).

"Trung bình một ngày cửa hàng của tôi, có thể bán tới 200 cốc, thu về khoảng 9 triệu đồng. Khoảng nửa năm là thu được vốn và có lãi rất khá rồi", anh Thái cho hay.

Ngược lại, nếu chi phí mở cửa hàng quá cao, một vài tiểu thương cho biết, họ chọn những thương hiệu quen thuộc, thuộc hàng "hot" làm tấm vé bảo đảm việc kinh doanh thuận lợi.

Một chủ kinh doanh thương hiệu trà sữa Dingtea tại Hà Nội tiết lộ, yêu cầu vốn ban đầu của một cửa hàng trà sữa Dingtea là khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng phí chuyển nhượng là 20.000 USD (khoảng trên 450 triệu đồng), nguyên liệu và máy móc cũng ở mức tương tự.

Điểm giúp người bán trà sữa loại này có thể thu lãi nhờ mức giá bán ra của một cốc trà sữa lại khá cao (32.000 – trên 50.000 đồng/cốc).

"Ngoài ra, một trong những yêu cầu của thương hiệu này là cửa hàng phải được mở ở những vị trí đắc địa. Do đó, nếu bán số lượng ổn, việc kinh doanh trà sữa thu lời không quá khó", tiểu thương này chia sẻ.

Mọc lên như nấm sau mưa, vì sao các quán trà sữa vẫn “sống khỏe”? - Ảnh 2.

Nhiều cửa hàng trà sữa tại Hà Nội luôn đông kín khách đến mua hàng.

Có thực kinh doanh trà sữa dễ phát tài?

Mặc dù, tiểu thương tỏ ra lạc quan về việc kinh doanh trà sữa trong thời điểm hiện tại, song không ít trường hợp đã phải sang nhượng cửa hàng hoặc không đủ điều kiện mở cửa hàng trà sữa vì những điều kiện kinh doanh ngặt nghèo hơn.

Tốc độ phát triển của các thương hiệu trà sữa đang phải chững lại tại các con phố lớn chính là mặt bằng đắc địa đã dần bị thu hẹp. Cùng đó, sự gia tăng của hình thức bán trà sữa online, chuyển hàng tận nơi, được tiểu thương nhận định là nguyên do khiến nhiều người dẹp tiệm trà sữa.

Chị Hồng Hạnh (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ, một cửa hàng trà sữa chị mở đầu năm 2017 đã phải đóng cửa vì thua lỗ do nằm ở vị trí không thuận lợi, cửa hàng nhỏ, không hút khách.

"Thời điểm này khá bão hòa, không chỉ cạnh tranh với cửa hàng cùng hệ thống, mà còn với nhiều thương hiệu khác nhau. Thị phần cũng bị chẻ nhỏ khi ngày càng nhiều người bán trà sữa online hay trà sữa handmade", chị Hạnh chia sẻ.

Khảo sát trên các trang chuyên về sang nhượng, thanh lý cửa hàng, không ít người đã chọn từ bỏ hình thức kinh doanh mặt hàng này với nhiều lý do khác nhau.

Mọc lên như nấm sau mưa, vì sao các quán trà sữa vẫn “sống khỏe”? - Ảnh 3.

Nhiều tiểu thương đăng tải thông tin sang nhượng cửa hàng trà sữa trên mạng xã hội.

Khi cơn bão trà sữa nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, thị trường trong nước cũng xuất hiện nhiều loại trà sữa handmade bán tại các cửa hàng đồ ăn, nước giải khát, siêu thị tiện lợi hoặc tạp hóa tại các chợ truyền thống, với mức giá rẻ, từ 10.000 đồng/chai.

Mặc dù vậy, chị Thanh (chủ một hàng trà sữa trong chợ Thành Công, Hà Nội) cho hay, trà sữa handmade tuy giá nguyên liệu rẻ, nhưng lượng khách ít nên chỉ cho mức thu ổn định, không đột biến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại