Mổ xẻ thiên thạch Sao Hỏa rớt xuống Trái Đất, nhà khoa học Nhật kinh ngạc vì phát hiện ra điều không tưởng

Anh Việt |

Theo một báo cáo được đăng tải mới đây trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học đã phát hiện được hợp chất hữu cơ chứa nitơ trong mảnh thiên thạch Allan Hills (ALH) 84001 vốn có nguồn gốc từ Sao Hỏa.

Được tìm thấy tại Allan Hills (Nam Cực) vào năm 1984, thiên thạch ALH84001 thực chất là một vẫn thạch hình thành Sao Hỏa cách đây 4 tỷ năm. Trong một vụ va chạm lớn xảy ra cách đây khoảng 17 triệu năm, một số lượng lớn vẫn thạch trên bề mặt của Sao Hỏa đã văng ra ngoài không gian, trong đó có thiên thạch ALH84001. Sau khi ‘lưu lạc’khoảng vài triệu năm trong Thái dương hệ, thiên thạch ALH 84001 đã rơi xuống Nam Cực cách đây 13.000 năm.

Theo các nhà khoa học, thiên thạch ALH84001 được coi như là ‘cỗ máy thời gian’, lưu trữ các bằng chứng về thời kỳ sơ khai của Sao Hỏa cách đây hàng tỷ năm. Vào thời điểm đó, nước hay thậm chí là các dấu hiệu của sự sống có thể đã xuất hiện trên Sao Hỏa.

Mổ xẻ thiên thạch Sao Hỏa rớt xuống Trái Đất, nhà khoa học Nhật kinh ngạc vì phát hiện ra điều không tưởng - Ảnh 1.

Thiên thạch ALH84001 được phát hiện tại Allan Hills (Nam Cực) vào năm 1984. Nguồn: NASA

Để chứng minh điều này, đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện trên thiên thạch ALH84001 kể từ năm 1984 cho tới nay. Tuy nhiên, quá trình phân tích cho thấy ALH84001 đã bị nhiễm các vật chất từ tuyết và băng của Nam Cực, khiến cho việc xác định các hợp chất hữu cơ thuộc về thiên thạch này trở nên khó khăn.

Song mới đây nhất, với sự giúp sức của các loại kính hiển vi điện tử tiên tiến nhất, các nhà khoa học cuối cùng cũng đã xác định thành công được một số hợp chất hữu cơ như nitơ có nguồn gốc từ Sao Hỏa trên thiên thạch ALH84001.

Đây là kết quả vừa được công bố bởi một nhóm các nhà khoa học từ Viện Khoa học Sinh vật Trái Đất (ELSI), Viện Không gian và Khoa học Du hành Vũ trụ (ISAS), dẫn đầu bởi giáo sư Mizuho Koike, chuyên gia ngành khoa học hành tinh của  Cơ quan Khám phá Không gian Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Nhóm nghiên cứu tin rằng, việc phát hiện được chất hữu cơ chứa nitơ cho thấy môi trường sao Hỏa thời kỳ sơ khai có nhiều đặc điểm rất giống Trái Đất.

"Sao Hỏa sơ khai có thể giống Trái Đất hơn, ít hiện tượng oxy hóa hơn, ẩm ướt hơn và giàu chất hữu cơ. Và có thể nó mang màu xanh", nhóm nghiên cứu cho biết. 

photo-1

Ảnh chụp bề mặt thiên thạch ALH84001 dưới kính hiển vi

"Việc làm sao để hiểu rõ về nguồn gốc của vật chất hữu cơ trên sao Hỏa là một thách thức lớn của ngành khoa học hành tinh hiện đại", Koike và cộng sự cho biết trong bản báo cáo.

"Các cuộc thăm dò được thực hiện gần đây bởi robot trên Sao Hỏa, cũng như việc phân tích các mẫu đất đá có nguồn gốc từ hành tinh Đỏ đều cho thấy dấu vết của các vật chất hữu cơ", nhóm nghiên cứu cho biết. "Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn biết quá ít về nguồn gốc, quá trình tiến hóa cũng như khả năng bảo quản của các vật chất hữu cơ này",

Sử dụng công nghệ đặc biệt để phát hiện nitơ có nguồn gốc từ Sao Hỏa

Nitơ là nguyên tố thiết yếu cho sự sống, khi tham gia hình thành các vật chất di truyền như ADN và ARN. Protein cũng cần có nitơ để hình thành các cấu trúc như tóc và móng tay chân. Nó cũng là thành phần chính của bầu khí quyển chúng ta thở mỗi ngày.

Để tránh ‘bắt nhầm’ nitơ có nguồn gốc ở Trái Đất, Koike và các đồng nghiệp của ông đã phân lập các thành phần có trong thiên thạch ALH84001, sau đó so sánh với thành phần có trong các mẫu vật xung quanh khu vực thiên thạch rơi xuống.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật tiên tiến có tên µ-XANES dùng trong kính hiển vi điện tử, vốn được thiết kế để truy tìm các ‘dấu vết’ dù là nhỏ nhất của nitơ trong hợp chất hữu cơ. Sau khi phân tích kĩ lương, nhóm nghiên cứu kết luận hợp chất nitro có trong ALH84001 ‘nhiều khả năng có nguồn gốc từ Sao Hỏa", thay vì Trái Đất.

Mổ xẻ thiên thạch Sao Hỏa rớt xuống Trái Đất, nhà khoa học Nhật kinh ngạc vì phát hiện ra điều không tưởng - Ảnh 3.

Cách đây 4 tỷ năm, nước và các dạng sống nguyên thủy có thể đã tồn tại trên Sao Hỏa

Mặc dù xe tự hành Curiosity trước đó cũng đã tìm thấy nitơ trên Sao Hỏa, phát hiện mới nhất này tiếp tục bổ sung thêm bằng chứng cho thấy hành tinh này từng tồn tại sự sống trong quá khứ.

Nghiên cứu mới làm phát sinh câu hỏi về nguồn gốc của các chất hữu cơ chứa nitơ. Có hai khả năng chính: Chúng hình thành ngay tại sao Hỏa hoặc đến từ bên ngoài. Trong thời kỳ sơ khai của hệ Mặt Trời, sao Hỏa có thể đã nhận được lượng lớn chất hữu cơ từ thiên thạch, sao chổi. Trong khi đó, vẫn tồn tại khả năng những hợp chất hữu cơ trên sao Hỏa có thể được tạo ra từ các hoạt động địa chất khi hành tinh này mới hình thành. 

Đáng chú ý, hợp chất hữu cơ chứa nitro trên Sao Hỏa có thể "có cơ hội tiến hóa thành một dạng sống phức tạp hơn", theo nhận định của nhóm nghiên cứu. Không loại trừ khả năng, một số sinh vật sống thậm chí đã từng tồn tại trên hành tình này từ vài tỷ năm trước, trước khi đột ngột biến mất vì lý do nào đó.

Mổ xẻ thiên thạch Sao Hỏa rớt xuống Trái Đất, nhà khoa học Nhật kinh ngạc vì phát hiện ra điều không tưởng - Ảnh 4.

Vào năm 2015, xe tự hành Curiosity đã tìm thấy nitơ trên bề mặt Sao Hỏa, cho thấy dấu hiệu của sự sống từng tồn tại trên hành tinh này

Đương nhiên, để kiếm chứng được điều này, loài người vẫn cần gửi thêm nhiều tàu thăm dò tới Sao Hỏa để hiểu rõ hơn về những dạng sống ban đầu trên hành tinh Đỏ, đặc biệt là những nhiệm vụ có thể thu thập các mẫu vật để mang về Trái Đất.

Tham khảo Vice.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại