Ít có người Ai Cập nào, cả cổ đại lẫn hiện đại, nổi tiếng như Vua Tut – còn được biết đến là Pharaoh Tutankhamun – người cuối cùng thuộc dòng dõi hoàng tộc của ông cai trị vào cuối Vương triều thứ 18.
Ngày nay, sự nổi tiếng của vị hoàng đế này đến từ việc mộ phần của ông được phát hiện còn khá nguyên vẹn vào năm 1922, chứa đầy các kho báu quý giá. Một trong những hiện vật tùy táng thu hút nhiều chú ý chính là một con dao găm bằng sắt. Do vào thời vua Tut, kỹ thuật luyện và chế tạo đồ sắt rất thấp nên cổ vật này được giới chuyên gia đánh giá có giá trị cao hơn vàng.
Ngày nay, con dao găm có giá trị vì một lý do khác: Hàm lượng niken cao trong lưỡi dao là bởi nó bắt nguồn từ thiên thạch. Gần đây, giá trị của nó đã tăng lên khi một nghiên cứu mới tiết lộ rằng cả niken và dao găm đều không có nguồn gốc từ Ai Cập.
Hai hình trên: hai mặt của con dao găm. Hình dưới: ảnh chụp con dao năm 1925. Ảnh: T. Matsui et al./Meteorit. Planet. Sci.
Mặt nạ của Tutankhamun – vị vua nổi tiếng của Ai Cập cổ đại. Ảnh: wikipedia
Trích trong nghiên cứu mới đây về con daoTheo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Meteoretics and Planetary Science, các nhà khoa học cho rằng: "Vật thể bằng sắt với chất lượng tốt này cho thấy vào thời điểm đó, kỹ thuật luyện kim với nguyên liệu bắt nguồn từ thiên thạch rất tốt. Tuy nhiên, cách thức chế tạo ra con dao vẫn là một ẩn số."
Cũng theo nghiên cứu, chất lượng tinh xảo của dao găm Tut rất đặc biệt đối với thời đại đó. Vua Tutankhamen trị vì từ năm 1332 đến năm 1323 trước Công Nguyên trong thời kỳ cuối thời đại đồ đồng và trước thời đại đồ sắt.
Do niên đại và chất lượng của loại dao này cùng với một số loại dao găm khác của thời đại đó, sắt hẳn phải là kim loại đặc biệt và nguồn sắt duy nhất được cho là tồn tại vào thời kỳ đó đến từ một thiên thạch.
Thiên thạch bát diện là lớp cấu trúc phổ biến nhất của thiên thạch sắt. Cấu trúc này xuất hiện do thiên thạch sắt có một lượng niken, dẫn đến sự phân giải kamacit ra khỏi taenit khi nguội đi.
Đồng tác giả của nghiên cứu, nhà nghiên cứu Tomoko Arai tại Viện Công nghệ Chiba, Nhật Bản, chia sẻ rằng nhóm của ông đã phải sử dụng biện pháp phân tích hóa học hai chiều không tiếp xúc bởi lưỡi dao đã bị gỉ nặng.
Nồng độ của sắt, niken, mangan, lưu huỳnh coban, clo, canxi và kẽm trong con dao sau khi phân tích giúp xác định nguồn gốc của con dao là một thiên thạch bát diện.
Cấu trúc Widmanstätten trên một thiên thạch bát diện từ Namibia.Ảnh: kevin zim / Kevin Walsh
Tin tốt là các nhà nghiên cứu đã xác định được loại thiên thạch, tin xấu là thiên thạch bát diện thuộc nhóm thiên thạch sắt phổ biến nhất, có thể tìm thấy ở khắp nơi. Tiêu biểu như thiên thạch Shirahagi phát hiện vào tháng 4 năm 1890 trên sông Kamiichi-gawa của Nhật Bản đã được sử dụng để làm thanh kiếm Nhật Bản mà Hoàng đế Taishō mua vào đầu những năm 1900.
Tất cả những gì nhóm nghiên cứu có thể xác định là con dao găm được rèn với nhiệt độ tương đối thấp, bởi nhiệt độ cao sẽ phá hủy cấu trúc Widmanstätten. Vua Tut có thể không cần đến con dao găm làm vũ khí, nhưng giống như tất cả các vị vua có quyền lực và giàu có, ông khao khát nhiều hơn thế, và con dao găm độc nhất vô nhị là một ví dụ.